Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cảnh giác với việc mời mua cổ phiếu qua điện thoại
Thứ sáu: 23:33 ngày 25/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, nhiều chủ thuê bao liên tục bị điện thoại “khủng bố”, mời mua bất động sản, bảo hiểm, cho vay tiền... Mới đây, nhiều người tiếp tục phàn nàn về tình trạng có những “số lạ” gọi mời mua “cổ phiếu quốc tế”.

Nhân viên tên Hải liên tục mời gọi mua cổ phiếu của Coca Cola.

Cẩn trọng với “cổ phiếu quốc tế” 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng (ngụ thành phố Tây Ninh) cho biết, hơn 1 tháng nay, anh bị nhiều người tự xưng là nhân viên ở công ty thị trường chứng khoán quốc tế điện thoại, giới thiệu về cổ phiếu Mỹ. Mặc dù trả lời không có nhu cầu nhưng anh vẫn bị “khủng bố”. 

Theo tìm hiểu, số điện thoại gọi cho anh Hoàng là của một công ty truyền thông có trụ sở tại Đà Nẵng. Chủ động liên hệ lại, chúng tôi được nhân viên tên Hải giới thiệu là đơn vị marketing tìm kiếm khách hàng cho 24htrading (trang web chuyên cung cấp các dịch vụ tiếp nhận và truyền tải, cung cấp tín dụng và khoản vay cho khách hàng - PV). Người này giới thiệu và mời chúng tôi mua cổ phiếu quốc tế ở các công ty lớn như Coca Cola, Facebook, Google… giao dịch thông qua website nganluong.vn. 

Để tạo niềm tin với chúng tôi, người này cam kết không nhận tiền và bất kỳ chi phí nào của khách hàng mà chỉ nhận lương từ công ty chứng khoán. Khi chúng tôi đề nghị để suy nghĩ thêm, anh ta “đánh vào tâm lý” về việc chia cổ tức, lợi nhuận, việc chia cổ tức bảo đảm theo mức cố định. Thậm chí, khi chúng tôi nói để bàn bạc lại với gia đình, anh ta vẫn hối thúc, nên mua cổ phiếu của Coca Cola để nhận cổ tức nhanh nhất và gửi bảng chia cổ tức.

Theo chị Phương Du (ngụ huyện Hoà Thành), nhân viên của một công ty tài chính tại thành phố Hồ Chí Minh- là một người chơi cổ phiếu lâu năm, chị chưa bao giờ nghe đến việc chia cổ tức cố định theo quý, theo tháng bằng tiền mặt. Không ai bảo đảm được lợi nhuận, trừ phi họ mời chào các loại trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cố định.

Thông thường, người mua được chia cổ tức khi doanh nghiệp làm ăn có lời trong 1 năm, hoặc sẽ tính toán cộng thêm cổ phiếu cho người chơi. Nếu cổ phiếu của công ty đó tăng giá, người chơi bán thì sẽ được hưởng tiền lời từ cổ phiếu này. Vì vậy, lợi nhuận trên thị trường chứng khoán không bao giờ được bảo đảm.

Chị Du cũng cho hay, cổ phiếu Coca Cola không mạnh ở Việt Nam, người chơi cũng ít mua của công ty này. Nếu mới tham gia thị trường chứng khoán mà chơi cổ phiếu quốc tế thì khá nguy hiểm, nên người chơi cổ phiếu có thể tìm hiểu cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn có uy tín trong nước… để được bảo đảm an toàn hơn.

Chúng tôi chưa thể khẳng định việc mời gọi mua chứng khoán quốc tế qua điện thoại có phải là lừa đảo hay không. Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân, đề nghị chuyển tiền qua tài khoản, mua bán, trả nợ hoặc cung cấp mã OTP với các giao dịch không có thật, các cơ quan chức năng và các ngân hàng cần tăng cường cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo, giả mạo của kẻ xấu nhằm mục đích đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin về thẻ ngân hàng, số tài khoản, thông tin internet banking với các đối tượng trên mạng.

Dễ dàng mua thông tin khách hàng 

Điều mà nhiều người quan tâm nhất đó là, vì sao những nhân viên sale này lại biết số điện thoại, thông tin của mình, thậm chí là nơi ở và nghề nghiệp? Phải chăng do nhà mạng bán thông tin của khách hàng?

Liên hệ với nhà mạng Vinaphone, nhân viên của công ty khẳng định, thông tin của khách hàng được bảo mật theo đúng quy định của pháp luật. 

Một nhân viên I.T của Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ Phong Vũ hướng dẫn cho chúng tôi cách mà các nhân viên quảng cáo, sale lấy thông tin của người dùng- đó chính là mua thông tin trên “chợ mạng” hoặc  sử dụng công cụ tìm kiếm và lọc thông tin người dùng như Mass Spider, Simple UID, BixBox... Hầu hết những phần mềm này tự động thu thập danh sách khách hàng, theo các nhóm từ khoá và theo từng ngành hàng khác nhau dựa trên công nghệ 3G/4G và Google, bao gồm số điện thoại, thời gian tìm kiếm, vị trí khách hàng và số lần khách hàng quan tâm.

Việc mua thông tin khách hàng trên “chợ mạng” cũng khá dễ dàng. Chúng tôi chỉ cần gõ cụm từ “data khách hàng” thì hàng loạt các trang web xuất hiện với những lời quảng cáo như: Mua bán trao đổi data khách hàng 2019, Danh sách khách VIP tất cả các nghề, Data kinh doanh khách hàng tiềm năng…

Tất cả các trang web này chỉ có số điện thoại để liên lạc, ngoài ra không có bất kỳ thông tin nào về địa chỉ doanh nghiệp, nơi giao dịch... Để tìm hiểu thêm, chúng tôi truy cập vào web “Data khách hàng VIP” và tìm được số điện thoại của “ông chủ” tên Hải là 0911252xxx và giới thiệu có nhu cầu tìm khách hàng kinh doanh vàng, cổ phiếu, bất động sản.

Ngay lập tức, Hải giới thiệu: “Bạn tìm đến đúng địa chỉ rồi, bỏ ra có vài triệu đồng bạn sẽ nắm được bí mật về thông tin, địa chỉ, số điện thoại… của giám đốc kinh doanh, sale cứng, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ”. 

Để làm quen, Hải yêu cầu chúng tôi chuyển card điện thoại 100.000 đồng, sau đó sẽ chuyển cho chúng tôi danh sách gần 700 khách hàng “khủng” của sàn vàng VGB (Công ty cổ phần kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam - PV). Vừa chuyển cho Hải card điện thoại 100.000 đồng, ngay lập tức thông tin của 675 khách hàng tiềm năng của sàn vàng VGB được gửi đến chúng tôi bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, thậm chí còn có cả tài khoản vàng, hạn mức tín dụng… 

Chúng tôi thử liên hệ với một vài số điện thoại trong danh sách, tất cả đều đúng thông tin. Những người mà chúng tôi liên lạc đều bất ngờ, lo lắng, khi biết rằng chúng tôi đã mua được thông tin qua một trang web.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục