Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Canh lửa giữ rừng
Thứ năm: 20:57 ngày 28/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hơn 1 tháng qua, địa bàn tỉnh Tây Ninh nắng nóng kéo dài, kết hợp gió thổi mạnh vào chiều tối, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Những ngày này, các chủ rừng cùng lực lượng chức năng huy động 100% nhân lực, vật lực ngày đêm căng mình “canh lửa”.

Lực lượng chức năng chữa cháy rừng tại sườn núi Phụng.

Cháy rừng – Hậu quả từ sự bất cẩn của người dân

Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn, thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt và hanh khô kéo dài. Nhiều cánh rừng đứng trước nguy cơ báo cháy cao. Tây Ninh hiện có hơn 72.000 ha rừng các loại, đang trong tình trạng cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp độ V- cấp cực kỳ nguy hiểm. 

Thống kê của ngành chức năng, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy rừng với diện tích hơn 40.000m2. Ngoài nguyên nhân khách quan như thời tiết nắng nóng, thì yếu tố chủ quan do các hoạt động sử dụng lửa thiếu kiểm soát của con người là nguyên nhân chính gây ra một số vụ cháy rừng.

Đơn cử như 2 vụ cháy rừng xảy ra vào ngày 20.3 vừa qua tại sườn núi Phụng và khoảnh 2 thuộc khu rừng Văn hoá – lịch sử núi Bà nghi do người dân dùng lửa bắt ong gây ra. Hai đám cháy không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng gây cháy, nám cây ăn trái của người dân. Đối với lô rừng tự nhiên, vật liệu cháy chủ yếu là dây trầu bà, gai trích, không có cây gỗ vì vậy không gây tổn hại đến tài nguyên rừng. 

Theo anh Lâm Văn Thành- Đội trưởng đội bảo vệ rừng, thuộc Ban quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, ngay khi nhận được tin báo cháy, đơn vị nhanh chóng huy động lực lượng, xin chi viện tối đa từ các lực lượng chuyên trách cũng như huy động chính quyền địa phương và người dân, doanh nghiệp tham gia vào công tác chữa cháy. Do địa hình đồi núi đá hiểm trở, nhiều dây leo, gai trích khiến việc tiếp cận hiện trường và đưa nước lên chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Sau hơn 24 giờ chiến đấu với “giặc lửa”, 2 đám cháy tại sườn núi Phụng và khoảnh 2 đã được dập tắt.

“Đơn vị luôn tăng cường kiểm tra, sẵn sàng các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng. Tuy nhiên, để phòng chống cháy rừng hiệu quả, mong rằng người dân sống xung quanh khu vực núi và những người làm vườn không được sử dụng lửa trong mùa khô khi đi rừng. Du khách cũng phải hạn chế sử dụng lửa trong mùa khô này”- anh Lâm Văn Thành cho biết.

Trung tá Huỳnh Ngọc Hiếu- Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh khuyến cáo: “Hiện Tây Ninh đang là mùa khô, các cánh rừng ở mức cảnh báo cháy cực kỳ nguy hiểm, người dân- nhất là các chủ rừng hết sức cẩn thận, đề phòng các trường hợp vào rừng đốt lửa bắt ong, dẫn đến cháy rừng".

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2024

Chủ động phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy

Thực hiện phương châm “Phòng là chủ đạo, chữa cháy phải kịp thời, khẩn trương, có hiệu quả”, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tích cực rà soát, triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa bàn trọng điểm; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chủ rừng chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng.

Bà Trần Thị Ngân Hà- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện theo phương án phòng cháy chữa cháy rừng chung của cả tỉnh, trong đó xác định phòng ngừa là quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay; đồng thời thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ, sớm phát hiện các điểm cháy rừng và dập tắt kịp thời, không để cháy lan”.

Để phòng chống cháy rừng, giảm thiểu tác hại do cháy rừng gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, các đơn vị chủ rừng theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ rừng, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân, nhất là tổ chức, cá nhân đang nhận khoán canh tác, sinh sống, hoạt động trong khu vực có rừng không để xảy ra các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng dẫn đến cháy rừng. Phát huy các biện pháp cảnh báo cháy, khi phát hiện có cháy phải kịp thời báo cơ quan chức năng xử lý, không để cháy lan diện rộng; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng chống cháy rừng.

Để công tác phòng chống cháy rừng hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái trên địa bàn, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, chủ động trong phòng chống cháy nổ, xử lý kịp thời khi phát hiện sự cố cháy. 

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục