Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cạnh tranh chất lượng dịch vụ giữa y tế công – tư
Thứ tư: 17:00 ngày 17/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá X, Sở Y tế trả lời chất vấn (bằng văn bản) về một số lĩnh vực đang được quan tâm, trong đó có vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tại cơ sở y tế công lập, tình trạng thiếu thuốc, “chảy máu chất xám”.

Trưởng Khoa Xét nghiệm BVĐK Hồng Hưng Nguyễn Khương Duy cùng nhân viên kiểm tra mẫu xét nghiệm trên hệ thống cobas pro. Ảnh: Tâm Giang

Dù khó khăn chồng chất, song, thời gian qua, ngành Y tế Tây Ninh vẫn đạt được một số thành tựu quan trọng: hoàn thành việc sửa chữa và nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh; di dời hệ thống lọc thận về vị trí mới khang trang, sạch sẽ, phục vụ tốt cho người dân; thành lập Đơn vị Đột quỵ và điều trị phục hồi tốt cho nhiều bệnh nhân tại khoa Nội tổng quát của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh; thành lập Đơn vị Tim mạch can thiệp tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh; thực hiện hợp tác liên kết vùng với các tỉnh, thành Đông Nam bộ vào năm 2024. 

Giữa tháng 7: Sẽ đủ thuốc, hoá chất, vật tư y tế

Đại biểu chất vấn: “Thực trạng và giải pháp đối với chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập?”.

Trả lời, lãnh đạo Sở Y tế thông tin: sau thời gian dài gồng mình đối phó với “dịch chồng dịch”, ngành Y tế Tây Ninh xuất hiện nhiều hạn chế, khó khăn. Nổi lên là tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) trong một thời gian khá dài, ảnh hưởng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân ở các cơ sở y tế nhà nước. Kết quả đấu thầu thuốc BHYT tập trung đã trúng thầu năm 2019 chỉ có hiệu lực trong vòng 24 tháng. Đến cuối năm 2021, các cơ sở KCB không còn mua được thuốc BHYT do đã hết hạn thực hiện hợp đồng.

Công tác đấu thầu thuốc BHYT tập trung cấp địa phương chậm dẫn đến tình trạng thiếu thuốc BHYT trong thời gian dài, đến cuối năm 2022 mới triển khai đấu thầu và phải đến cuối tháng 6.2023 mới hoàn thành được 2 gói thầu thuốc Generic, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu thuốc BHYT. Đến cuối tháng 5.2024, gói thầu thuốc Generic số 3 và gói thầu thuốc đông dược hoàn thành.

Từ năm 2023 đến nay có 4 gói thầu trúng thầu tập trung tại Sở Y tế với 1.217 danh mục thuốc/1.570 danh mục thuốc được phê duyệt kế hoạch, đạt tỷ lệ 77,52%. Do đó, đến tháng 6, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh mới cơ bản đủ danh mục để mua thuốc BHYT phục vụ tốt cho công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, do còn một số danh mục thuốc không lựa chọn được nhà thầu nên vẫn còn thiếu cục bộ một số loại thuốc.

Tình trạng thiếu hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao xảy ra trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, khám chữa bệnh tại nhiều đơn vị y tế công lập gây dư luận không tốt cho ngành Y tế tỉnh nhà. Cuối năm 2023, các cơ sở KCB công lập sắp hết các vật tư y tế. Các đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác đấu thầu kéo dài. Do đó, dù thuốc BHYT cơ bản có đủ nhưng tình trạng thiếu hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao làm ảnh hưởng đến chất lượng KCB cho người dân có BHYT.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đến nay, hầu hết các trung tâm y tế (TTYT) cấp huyện đã hoàn thành đấu thầu các gói thầu hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao, cơ bản giải quyết được các khó khăn trên. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, do khối lượng công việc lớn, số lượng danh mục cần đấu thầu rất nhiều trong khi nhân lực y tế thực hiện đấu thầu ít, năng lực còn hạn chế; thậm chí, một số viên chức còn sợ trách nhiệm không muốn làm dẫn tới công tác chấm thầu gói thầu hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao kéo dài.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đến nay đã có kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu hoá chất xét nghiệm, vật tư gói tim mạch can thiệp, dự kiến sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu vào giữa tháng 7.2024.

Khi công tác đấu thầu hoàn thành, tất cả các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh sẽ bảo đảm đủ thuốc, hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh.

Bệnh viện công lập: Ít nhân lực - Nhiều khó khăn

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết thêm, công tác đấu thầu thuốc BHYT đã hoàn thành nhưng một số đơn vị KCB nhà nước vẫn chưa mua được thuốc. Nguyên nhân: các đơn vị KCB nhà nước hiện nay thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ: khi tính toán doanh thu của từng đơn vị làm căn cứ xác định mức tự chủ phải căn cứ vào doanh thu của 5 năm liền kề.

Nhưng do các nguyên nhân đã kể trên, chất lượng dịch vụ KCB không đạt yêu cầu, số lượng bệnh nhân KCB giảm dẫn đến doanh thu của các đơn vị KCB giảm. Trong khi đó, các chi phí như tiền lương, tiền điện, tiền nước... không những không giảm mà còn tăng cao làm cho các đơn vị KCB nhà nước mất cân đối trong thu - chi (thu không đủ chi) trong thời gian dài.

Để duy trì công tác khám, chữa bệnh, các đơn vị KCB nhà nước phải sử dụng tiền mua thuốc của các công ty cung ứng thuốc trả cho các chi phí nêu trên, dẫn đến tình trạng nợ tiền kéo dài, nhiều công ty khi trúng thầu thuốc vẫn không cung cấp theo thoả thuận khung đã ký.

Bên cạnh đó, nhân lực y tế công lập trong thời gian qua thiếu trầm trọng. Tổng số nhân viên toàn ngành tính đến tháng 6 năm 2024 là 6.644 người. Số bác sĩ sau đại học là 382 người, trong đó, hoạt động trong bệnh viện nhà nước là 180 người, BVĐK tư nhân là 199 người, số còn lại là ở phòng khám đa khoa và các cơ sở y tế tư nhân khác. Tính sơ qua cũng có thể thấy số lượng bác sĩ có trình độ sau đại học của các bệnh viện tư nhân cao hơn so với tất cả các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh cộng lại.

Tình trạng nhân viên y tế công lập đào tạo sau đại học về làm việc một thời gian thì nghỉ việc, bỏ việc ra làm ở các bệnh viện tư nhân dẫn tới tình trạng “chảy máu chất xám” ngành y tế công lập, thiếu hụt nhân viên y tế, đặc biệt là các y, bác sĩ và điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong giờ làm việc.

Từ những nguyên nhân trên, tình hình khám bệnh, chữa bệnh và chất lượng phục vụ tại các đơn vị y tế công lập giảm so với trước khi đại dịch Covid 19 xảy ra. Cụ thể, tổng số lượt khám bệnh ngoại trú từ 2.602.644 lượt năm 2018 giảm xuống còn 1.613.513 lượt năm 2023. Trong đó, số lượt khám, chữa bệnh trong các cơ sở KCB nhà nước giảm hơn một nửa.

Công suất sử dụng giường bệnh giảm từ 103,54% năm 2019 xuống còn 73% năm 2023. Mặc dù số lượng khám, chữa bệnh chung đang phục hồi nhưng tình hình khám, chữa bệnh công lập- cả nội trú lẫn ngoại trú- năm 2023 chỉ còn khoảng 60% so với năm 2018.

Trong văn bản trả lời, Sở Y tế bày tỏ lo ngại về tình trạng “chảy máu chất xám” từ cơ sở y tế công lập sang y tế tư nhân. Nhưng, cũng có quan điểm nhìn nhận khác: nhân viên y tế dù trong hay ngoài nhà nước cũng làm nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, không nên quá lo. Cơ sở y tế ngoài công lập “ăn nên làm ra” còn chứng minh tính đúng đắn của chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực này.

Vấn đề ở chỗ, đa số người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập, vì thế, vẫn phải không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ. Tất cả vì sức khoẻ của người dân.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục