Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện thời sự
Cao cả vô cùng, tấm lòng của Bác 
Thứ hai: 12:18 ngày 18/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày mai là đến kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác Hồ rồi ông hả. Nhớ mới hồi nào tỉnh mình xuất bản tập sách Lòng dân Tây Ninh với Bác Hồ mà đã 30 năm trôi qua…

-Vâng, thời gian qua nhanh thật, thoáng một chốc đã 30 năm, đủ để trưởng thành một thế hệ. Nhớ năm ấy, nhân sinh nhật lần thứ 100 của Bác Hồ, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hoá thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Nhiều quốc gia trên hành tinh này tổ chức sự kiện tôn vinh Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Ở tỉnh mình, qua việc xuất bản tập sách, đã tập hợp, lưu giữ được nhiều câu chuyện rất cảm động về tấm lòng người dân Tây Ninh hướng về Bác Hồ, vị lãnh tụ của Đảng quang vinh.

Nội dung những câu chuyện ấy cho thấy lòng tin của dân với Bác, với Đảng chính là nguồn sức mạnh vô biên để toàn dân cả nước nói chung, người dân tỉnh ta nói riêng đã không quản gian khổ, hy sinh, đoàn kết một lòng theo Bác, theo Đảng đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do cho đất nước ta, dân tộc ta.

-Đúng là như vậy. Nhưng trong những câu chuyện ấy, không chỉ thể hiện tấm lòng của Bác Hồ đối với nhân dân miền Nam nói chung, mà còn dân Tây Ninh mình nói riêng không?

-Tôi đọc đi đọc lại mãi những câu chuyện ấy, làm sao mà không nhớ chứ. Chẳng hạn như chuyện Bác Hồ và Bác Tôn gửi thư thăm hỏi, động viên thầy, trò Trường Hoàng Lê Kha do anh Lương Hoài Vũ, cố Giám đốc Đài PT-TH tỉnh ghi lại.

Chuyện kể rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm nào đến ngày 19.5 học sinh Trường Hoàng Lê Kha trong chiến khu đều có gửi thư báo cáo kết quả học tập dâng lên chúc mừng sinh nhật Bác Hồ.

Thật bất ngờ, ngày 25.9.1965, thầy trò Trường Hoàng Lê Kha hết sức vinh dự nhận được thư của Bác Hồ và Bác Tôn từ Thủ đô Hà Nội gửi vào thăm. Trong thư, hai Bác khen ngợi “các cháu đã làm được nhiều việc có ích như giúp gia đình sản xuất, làm công tác thông tin liên lạc, đào hầm, vót chông, giúp các cô bác xây dựng làng chiến đấu…

Hai Bác càng mừng được biết các cháu luôn cố gắng học tập tốt trong hoàn cảnh rất khó khăn, dù là những nơi quân lính giặc luôn càn quét xóm làng, máy bay luôn bắn phá trường học, nhiều cháu đã tỏ ra gan dạ, thông minh, xứng đáng là con cháu của miền Nam anh hùng…”.

Đặc biệt là đoạn cuối bức thư, Bác Hồ và Bác Tôn còn tặng bốn câu thơ cho học sinh Trường Hoàng Lê Kha:

“Hai Bác tin rằng:

Bắc Nam sẽ sum họp một nhà

Bác cháu ta họp mặt, trẻ già vui chung

Nhớ thương các cháu vô cùng

Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.

-Bài thơ Bác Hồ, Bác Tôn tặng học sinh Hoàng Lê Kha cũng chính là lời dạy của Bác đối với tất cả thiếu nhi trên toàn miền Nam thời chiến tranh đấy ông ạ. Mà ông nhớ trong sách Lòng dân Tây Ninh với Bác Hồ còn chuyện nào nói lên sự quan tâm, lòng yêu thương của Bác đối với đồng bào ở tỉnh mình nữa không?

-Cuộc đời của Bác Hồ vĩ đại dành trọn cho đất nước, dân tộc ta, và đặc biệt là cho miền Nam trong thời kỳ còn bị kẻ thù xâm lược thống trị, đàn áp dã man, trong đó có Tây Ninh là nơi Trung ương Cục miền Nam đứng chân để lãnh đạo cách mạng miền Nam kháng chiến cứu nước.

Trong số các cán bộ, chiến sĩ Tây Ninh bị thương tích trong chiến đấu có một nữ cán bộ tên là Võ Thị Thu Hà, tên thường gọi là Tư Dung, được đưa ra miền Bắc chữa trị đã được Bác Hồ hai lần đến bệnh viện vào tận giường bệnh để thăm hỏi bệnh tình.

Câu chuyện đầy lòng nhân ái này của Bác Hồ, do cố nhà văn Vân An, nguyên lãnh đạo ngành Tuyên giáo và Đài, Báo Tây Ninh kể lại trong sách đấy.

Rồi còn một chuyện nữa cũng về tấm lòng của Bác đối với Tây Ninh, được nhà thơ Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh kể lại bằng thơ. Bài thơ in trong sách tôi nhớ nhất là mấy câu: 

“Đồng chí Nguyễn Văn Linh kể rằng

Năm 69, lần cuối cùng gặp Bác

Bác vẫn hỏi: Tây Ninh, Bình Long bao trận thắng

Và cuộc sống đồng bào trong đó ra sao?”

-Thật là hết sức cảm động. Mặc dù cả cuộc đời cách mạng của Bác, sau khi rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước năm mới 21 tuổi, cho đến khi Bác yên nghỉ trong lăng, Bác Hồ chưa được vào lại miền Nam, nhưng rõ ràng đất và người miền Nam vẫn luôn ở trong tim của Bác.

Và đối với quê hương Tây Ninh chúng ta, miền đất biên viễn phía Tây Nam Tổ quốc, phải chịu đựng rất nhiều khó khăn gian khổ qua nhiều cuộc chiến tranh, tuy Bác cũng chưa một lần đến nhưng lòng ưu ái, sự quan tâm của Bác vẫn hết sức sâu sắc, ân cần ông nhỉ!

-Ông nói chí phải. Biết được như thế, chúng ta càng phải hết sức phấn đấu xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, đẹp tươi mới thật xứng đáng với lòng thương yêu, ưu ái của Bác Hồ.

BÀN DÂN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh