Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 29.10, nhân kỷ niệm 65 năm sự kiện tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức khánh thành tượng đài tưởng niệm sự kiện tập kết, họp mặt những người lính Cụ Hồ tập kết chuyển quân ra Bắc năm xưa, và trao cho họ những kỷ vật gửi lại miền Bắc trước khi “hồi kết” về Nam - thời bấy giờ gọi là “đi B”.
Lãnh đạo Cục Hồ sơ lưu trữ quốc gia trao lại hồ sơ kỷ vật cho cán bộ tập kết “đi B”.
Cuộc họp mặt có khoảng 500 chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” thời “chín năm kháng Pháp” ở khắp các tỉnh, thành miền Nam tham dự. Trong khi 65 năm trước, bên bờ sông Tiền, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) có tới 13.508 cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam tập kết về đây 100 ngày để chuyển quân ra miền Bắc.
Ngày kỷ niệm hôm nay đúng vào ngày chuyến tàu cuối cùng chở đoàn quân tập kết rời bến Cao Lãnh- ngày 29.10.1954. Trong hơn một vạn ba ngàn cán bộ, chiến sĩ tập kết, có 3.479 quân của tỉnh Gia Định Ninh (Gia Định, Tây Ninh), nhưng tham dự cuộc họp mặt 65 năm sau chỉ có khoảng 30 người đến từ Tây Ninh. Hơn sáu thập niên trôi qua, biết bao người đã hy sinh, qua đời, những người còn sống đều đã tuổi cao, sức yếu, 80-90 tuổi, đi lại hết sức khó khăn, không thể trở lại nơi xưa từng “giã gia đình...” xuống tàu ra đi như ý thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm - một nhà thơ thời kháng Pháp.
Trong đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh, Đại tá Lê Nga, người được nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ tỉnh nhà thường gọi một cách thân thương là “ông Tư Nga” bồi hồi kể lại, lúc tập kết ở Cao Lãnh ông mới 25 tuổi, nay đã 90 tuổi. 65 năm trôi qua, đồng đội kẻ mất người còn, trở lại nơi xưa ông vô cùng xúc động. Ông Tư Nga kể: ngày 7.5.1954, quân ta toàn thắng ở trận Điện Biên Phủ. Ngay hôm sau 8.5, Hội nghị Genève khai mạc. Hơn hai tháng sau, ngày 20.7.1954, văn bản Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình được ký kết.
Thực hiện Hiệp định, quân đội hai bên phải ngừng bắn; vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) được xác định là ranh giới tạm thời, quân đội nhân dân Việt Nam tập trung ra miền Bắc, quân đội Pháp vào miền Nam, để đến hai năm sau - ngày 20.7.1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử, thống nhất đất nước.
Ở miền Nam chia 3 vùng tập kết quân đội để chuyển ra Bắc gồm: Khu vực Hàm Tân, Xuyên Mộc 80 ngày (tính từ ngày ký Hiệp định Genève), khu vực Đồng Tháp Mười 100 ngày, khu vực Cà Mau 200 ngày. Tại khu vực Đồng Tháp Mười, ngày 23.8.1954, toàn bộ quân đội Pháp (kể cả các lực lượng giáo phái thân Pháp) rút ra, giao lại cho quân đội nhân dân Việt Nam để tập kết, bao gồm lực lượng các tỉnh Mỹ Tân Gò (Mỹ Tho, Tân An Gò Công), Long Châu Sa (Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc), các tỉnh Phân liên khu miền Đông, Thủ Biên (Thủ Dầu Một, Biên Hoà), Bà Chợ (Bà Rịa, Chợ Lớn) và Gia Định Ninh (Gia Định, Tây Ninh), cùng lực lượng tình nguyện quân Việt Nam ở Campuchia...
Địa điểm xuống tàu ra Bắc là bến phà Cao Lãnh và Doi Me. Tiểu đoàn 311 của tỉnh Long Châu Sa là đơn vị đầu tiên vào tiếp quản thị trấn Cao Lãnh để đón tiếp lực lượng miền Nam tập kết cùng thân nhân, gia đình đến tiễn đưa. Hơn 13,5 ngàn quân, mỗi người có hai, ba người thân đến tiễn, khu vực Cao Lãnh và các xã lân cận vốn là vùng nông thôn vắng lặng bỗng trở nên nhộn nhịp, thắm đượm tình quân dân, rồi lại diễn ra cảnh chia ly bịn rịn…
Đoàn đi có ông Tư Nga gồm hơn 500 người thuộc Tiểu đoàn 306 chủ lực và Bộ đội địa phương các huyện Trảng Bàng, Châu Thành (thời ấy địa bàn Tây Ninh chỉ có hai huyện ở phía Bắc và phía Nam). Bộ đội rời Cao Lãnh bằng nhiều chuyến “tàu há mồm” của quân đội Pháp vào chiều ngày 10.10.1954. Hôm sau ra đến cửa biển Cần Giờ, “tàu há mồm” cập mạn cho bộ đội lên tàu Etoil Planc Shalupe - tàu khách lớn của một hãng tư nhân người Pháp được quân đội Pháp thuê để chuyển bộ đội Việt Nam ra Bắc, rồi chuyển quân Pháp vào Nam thực hiện Hiệp định Genève.
Ông Tư Nga xúc động kể, mấy ngày trên tàu, quân ta bảo đảm giữ kỷ luật nghiêm, chủ tàu và thuỷ thủ đoàn cũng rất nghiêm chỉnh, nhưng lại xảy ra một chuyện không may mà đến bây giờ kể lại ông vẫn còn ngậm ngùi. Đó là việc người đồng đội tên Nguyễn Văn Một, bộ đội địa phương huyện Châu Thành, vốn có bệnh nên đi tàu say sóng, bệnh trở nặng đột ngột, qua đời.
Chủ tàu cho biết, theo tập tục đi biển, khi có người đi tàu bị chết, nếu sau 24 giờ tàu chưa cập bến để đưa xác lên đất liền an táng thì phải “thuỷ táng”, tức là đưa người chết… xuống biển! Toàn quân ta trên tàu không ai chấp nhận, đồng lòng đấu tranh không cho thuỷ thủ đoàn làm chuyện “bất nhân” ấy. Buộc lòng chủ tàu phải cho tìm ván gỗ để đóng quan tài liệm xác ông Một quàn lại trên tàu.
Đến ngày 14.10.1954, tàu lớn chở quân đến biển Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), “tàu há mồm” trong bờ ra đón, quân ta tập hợp trên boong đứng nghiêm tiễn quan tài đồng chí Một xuống tàu nhỏ vào đất liền trong tiếng nhạc tưởng niệm của dàn kèn thuỷ thủ, chung quanh là hàng hàng lớp lớp những cánh buồm nâu của nhân dân Thanh Hoá dong thuyền ra đón đoàn quân chiến thắng tập kết ra Bắc.
Những ngày sau đó, bộ đội tập kết trú tạm tại Sầm Sơn, sống trong tình quân dân chan hoà đoàn kết của đồng bào Thanh Hoá. Sau đó, từng đoàn được đưa ra các tỉnh miền Bắc phiên chế vào các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết là các Sư đoàn 330, 338 bắt đầu được học tập quân sự, chính trị để tiến lên xây dựng quân đội chính quy. Hai năm sau, chính quyền miền Nam do đế quốc Mỹ thay chân quân đội thực dân Pháp dựng lên, trắng trợn vi phạm không thi hành tổ chức tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève, đất nước ta phải tiếp tục bị chia cắt và thêm mười chín năm nữa cho đến khi ta quét sạch quân xâm lược Mỹ ra khỏi bờ cõi.
Về các cán bộ, chiến sĩ Tây Ninh tập kết ra Bắc, ông Tư Nga cho biết, sau khi đối phương “lật lọng”, đến khi nhân dân miền Nam anh hùng vùng lên chống Mỹ, phần lớn đã lần lượt “đi B” về Nam, khoảng một phần ba quân số chuyển ngành ở lại miền Bắc tham gia xây dựng xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn chi viện cho miền Nam kháng chiến giải phóng đất nước. Các cán bộ ra Bắc đợt đầu tiên có ông Út Thới (Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng); ông Trần Ngọc No (tức Đại tá Trần Nam Hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ) được quân đội đưa đi học quân sự ở thành phố Nam Ninh (Trung Quốc).
Những người đi các đợt sau học tập trong nước rồi lần lượt “đi B” về Nam, trở thành cán bộ chỉ huy đơn vị quân đội, lập nhiều chiến công vang dội. Đợt đầu “đi B” có các ông Sáu Thượng (Đại tá Đặng Văn Thượng, nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh); ông Út Liêm (Trung tướng Bùi Thanh Vân, nguyên Tư lệnh Quân khu 7); đợt kế tiếp có các ông Nguyễn Thới Bưng, Tư Nga (Đại tá Lê Nga, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tây Ninh) là những người sau khi về miền Nam đã được Trung ương Cục cử đi miền Tây Nam bộ nhận quân đưa về Trung ương Cục thành lập Sư đoàn 5, Sư đoàn 9, các đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam.
Cán bộ tập kết “đi B” có người trong kháng chiến chống Pháp không chiến đấu tại quê nhà Tây Ninh như ông Năm Ngà (Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam); ông Sáu Đăng (Thiếu tướng Nguyễn Đăng, người được Bác Hồ “phát hiện” là kỹ sư nông học tốt nghiệp bên Pháp và phân công xây dựng rồi cử làm Hiệu trưởng Trường đại học Nông nghiệp đầu tiên của nước ta. Sau ngày giải phóng, ông cũng về quê và được bầu làm đại biểu Quốc hội đơn vị Tây Ninh…).
Những người ở lại miền Bắc, sau ngày giải phóng trở về Tây Ninh xây dựng lại quê hương như các ông Ba Hài (Phạm Văn Hài, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh), ông Trần Vạn An (Bảy Vân An, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên huấn, kiêm Giám đốc Đài PT-TH, Tổng biên tập Báo Tây Ninh), ông Hai Tôn (Lâm Phước Tôn, nguyên Chủ nhiệm Liên hiệp Hợp tác xã tỉnh), ông Hai Vinh (Lâm Quang Vinh, chiến sĩ Rừng Rong 1946, nguyên Phó Giám đốc Sở Công nghiệp), ông Sáu Màng (bác sĩ Nguyễn Màng, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh)… cùng rất nhiều cán bộ tập kết khác được đào tạo ở miền Bắc trở về làm nòng cốt trong khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà thời kỳ đổi mới.
Cán bộ chiến sĩ tập kết tỉnh Tây Ninh cùng gia đình viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Trở lại Cao Lãnh sau 65 năm, các cán bộ, chiến sĩ tập kết đều đã lên chức “cụ”. Các cụ tiếc nuối mãi vì không được đi trên con đường hành quân khi xưa từ Tây Ninh, Dầu Tiếng, Củ Chi băng qua sông Vàm Cỏ, Đồng Tháp Mười, rồi xuôi thuyền dòng kênh Dương Văn Dương đến Cao Lãnh. Nơi họ từng ở 100 ngày đậm đà tình nghĩa quân dân với đồng bào xứ sen hồng Đồng Tháp, từng trùng tu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, rồi chụp ảnh mang ra Bắc trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bởi lẽ, tuy ngày nay đã có rất nhiều tuyến đường bộ dọc ngang, mà ngắn nhất là đường N2 từ huyện Đức Hoà, Long An đến huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cũng đã có tới hơn ba mươi chiếc cầu kiên cố, độ tĩnh không khá cao, xe cộ qua lại không tránh khỏi dằn xóc, nên những người hướng dẫn đoàn đi là cán bộ chính sách, lái xe, quân y thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Bảo vệ sức khoẻ Tỉnh uỷ phải chọn đường cao tốc, qua quốc lộ 1, quốc lộ 30 đi cho êm ái, bảo đảm sức khoẻ các cụ.
Khi đến khu vực tập kết năm xưa, các cụ được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, con cháu của đồng bào Cao Lãnh 65 năm trước đón tiếp rất chu đáo, nồng ấm, nhiệt tình. Các cụ được đưa đi thăm nơi chính các cụ đã xây dựng là Khu di tích lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Các cụ được đưa đi tham quan cầu Cao Lãnh, chiếc cầu dây văng hiện đại bắc qua sông Tiền, gần vị trí tập kết chuyển quân năm xưa, vừa mới khánh thành cách nay vài tháng.
Chiếc cầu này cùng với cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu chính thức khép lại chuyện qua sông luỵ phà của thời trăm năm độc đạo con đường cái quan hành phương Nam. Vì từ nay không chỉ có quốc lộ số 1 xuyên Việt về miền Tây qua cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ mà còn có đường Hồ Chí Minh từ miền Bắc qua Tây Nguyên, Đông Nam bộ, băng đồng Tháp Mười qua hai chiếc cầu mới Cao Lãnh, Vàm Cống đi đến miền đất tận cùng Tổ quốc.
Tuổi chín mươi mới tận thấy non sông một dải khiến các cụ vui mừng không kể xiết. Trên đường hướng tới tương lai giàu đẹp của đất nước hôm nay có một phần công lao của các cụ. Điều này mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử hào hùng, truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt.
Nguyễn Tấn Hùng