Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Những ngày này, càng gần đến Tết Nguyên đán, đường phố Thủ đô Hà Nội càng trở nên đông đúc, mật độ phương tiện giao thông tăng đột biến, gây ùn tắc giao thông (UTGT) nghiêm trọng tại nhiều tuyến phố, cửa ngõ. Mặc dù TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực giảm UTGT nhưng sau khi giảm 20 trong số 44 điểm ùn tắc trong năm 2016 thì hiện nay, lại phát sinh bốn điểm cũ và 13 điểm mới khiến số điểm ùn tắc tăng lên 41.
Một số tuyến đường hướng tâm, vành đai, đường huyết mạch, chung quanh khu vực bến xe… có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên UTGT trong giờ cao điểm và khi có sự cố giao thông, thời tiết xấu. Những tuyến đường trọng điểm như Trần Duy Hưng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Kim Mã, Láng, Chùa Bộc, Thanh Xuân… ùn tắc đã đành, nhiều tuyến đường trước đây ít khi ùn tắc như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… thì nay lại tắc nghiêm trọng, kể cả không vào giờ cao điểm.
Theo đánh giá, nguyên nhân gây UTGT có nhiều, trong đó phải kể đến kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh kết nối hạ tầng khung theo quy hoạch. Các tuyến đường sắt đô thị (trên cao, ngầm) đang được đầu tư xây dựng nhưng tiến độ rất chậm, nhiều đoạn cản trở giao thông.
Phương tiện giao thông cá nhân ở Hà Nội tăng nhanh, hiện nay, có khoảng hơn 5,045 triệu chiếc xe máy, tăng trung bình 7,66% so với giai đoạn 2010-2015; hơn 546 nghìn ô-tô các loại, tăng trung bình 12,9%, hơn 1 triệu xe đạp, hơn 10 nghìn xe đạp điện. Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của TP Hà Nội chỉ đạt bình quân 3,9%/năm. Sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông dẫn đến ùn tắc ngày càng nghiêm trọng. Chưa kể khu vực nội đô ngày càng mọc lên nhiều khu đô thị, công trình cao tầng với mật độ rất cao, trong khi giao thông tĩnh chưa phát triển tương xứng, thiếu bãi đỗ xe ô-tô nghiêm trọng, gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông,...
Bài toán giao thông đô thị luôn nan giải đối với các cấp chính quyền, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của Chính phủ, các bộ, ngành; thành phố, với các giải pháp đồng bộ. Trong đó, quan trọng nhất là tuân thủ và thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị; có đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Chính phủ cần có cơ chế đặc thù cho TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đầu tư và triển khai các dự án giao thông cấp bách; xem xét, phân cấp, ủy quyền cho TP Hà Nội tổ chức thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm về chủ trương đầu tư hai dự án kết cấu hạ tầng nhóm A vốn ngân sách thành phố. Cho phép thành phố áp dụng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án hợp tác đối tác công - tư (PPP) kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng và cấp bách. Tổ chức và phân làn giao thông phù hợp tại các tuyến đường, nhất là khu vực trung tâm thành phố, chú trọng việc tổ chức giao thông một chiều để tránh xung đột, tăng cường ưu tiên cho phương tiện giao thông công cộng. Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng, nhất là đẩy mạnh phát triển mạng lưới tuyến xe buýt…
Về lâu dài, việc quy hoạch các khu đô thị phải bảo đảm đáp ứng quỹ đất dành cho giao thông theo Luật Giao thông đường bộ từ 16 đến 26%; quy hoạch xây dựng các khu chung cư cao tầng hoặc các cơ sở dịch vụ phải bảo đảm diện tích để xe máy, ô-tô; xây dựng các bãi đỗ xe nhiều tầng tại khu vực nội thành và các đường vành đai đô thị. Tiếp tục thực hiện di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, trường đại học, cao đẳng, cơ sở sản xuất, bệnh viện ra khỏi nội đô, không đầu tư các chung cư, tòa nhà cao tầng tại những cơ sở đã di dời; không mở rộng các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố…
Nguồn Báo Nhân dân