Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cập nhật 7h ngày 27/3: Số ca Covid-19 thế giới vượt 500.000, Mỹ thành ổ dịch lớn nhất, cơ hội 'hãm' dịch tại châu Phi hẹp dần
Thứ sáu: 09:42 ngày 27/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo số liệu của trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 27/3, thế giới ghi nhận 529.132 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra, với 23.967 ca tử vong và 123.380 ca bình phục.

Số ca mắc Covid-19 thế giới vượt 500.000. (Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images)

Số liệu của Worldometers cho thấy, Mỹ đã vượt Trung Quốc về số ca nhiễm Covid-19, với 83.206 ca, trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới. Số ca tử vong tại Mỹ là 1.201 ca.

Trong bối cảnh dịch bùng phát, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua một tuyên bố về tình trạng thảm họa đối với bang Illinois, mở đường cho việc bổ sung hỗ trợ liên bang đối với bang Illinois, một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19.

Như vậy, tính đến giờ này, Mỹ đã ban bố tình trạng thảm họa với 6 bang gồm New York, California, Florida, Washington, Louisiana và Illinois.

* Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho hay, ngày 26/3, nước này ghi nhận 88 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, mức tăng cao nhất trong ngày, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 trên toàn quốc lên 694 người.

Trước đó cùng ngày, Bộ Tài chính Ấn Độ đã công bố gói cứu trợ kinh tế trị giá 1,7 nghìn tỷ Rupee (khoảng 22,5 tỷ USD) để đối phó với những tác động từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Thông qua gói cứu trợ, Chính phủ sẽ chuyển tiền trực tiếp và đảm bảo an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người nghèo đang lao đao vì lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc.

* Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nước này có thể chỉ cần chưa tới 2-3 tháng để đối phó với dịch Covid-19.

Ông Putin cũng đã phê chuẩn sửa đổi “Luật lưu hành thuốc” để cho phép chính phủ điều tiết giá thuốc.

Trước đó, Nội các Nga đã trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện) một dự luật để chính phủ có quyền áp đặt tình huống cảnh giác cao và tình trạng khẩn cấp ở Nga, kể cả trong trường hợp dịch bệnh.

Nga cũng đưa ra mức phạt nếu vi phạm các quy định vệ sinh dịch tễ gây lây lan SARS-CoV-2 trong sửa đổi Luật vi phạm hành chính của LB Nga, theo đó, nếu công dân khỏe mạnh vi phạm chế độ cách ly và gây tổn hại cho sức khỏe người khác, mức phạt sẽ từ 15.000-300.000 Rouble. Chức sắc phải đối mặt với mức phạt từ 50.000-300.000 Rouble. Đối với các pháp nhân, số tiền phạt sẽ từ 200.000-1 triệu Rouble trong trường hợp vi phạm nhiều lần. Với người Nga nhiễm virus vi phạm cách ly có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

* Ngày 26/3, Anh ghi nhận thêm 115 ca tử vong sau khi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên thành 578 người.

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng lên 11.658 người từ mức 9.529 trong ngày trước đó.

* Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 26/3, nước này ghi nhận thêm 6.153 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca Covid-19 tại nước này lên 80.539 trường hợp, đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc.

Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 trong ngày tại Italy tăng cao trở lại sau 4 ngày ghi nhận đà giảm. Số ca tử vong tăng lên 8.165 trường hợp (tăng 662 ca). Số ca hồi phục tăng lên 10.361 ca (tăng 999 ca). Trong tổng số ca mắc bệnh hiện tại có 24.753 trường hợp phải nhập viện, 3.612 ca điều trị tích cực và 33.648 ca cách ly tại nơi ở.

* Bộ Y tế Nam Phi ngày 26/3 thông báo, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tăng thêm 218 trường hợp, đưa tổng số ca nhiễm bệnh lên 927 người, gần gấp đôi so với thời điểm đầu tuần vừa rồi trong bối cảnh chỉ vài tiếng nữa, Nam Phi bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 21 ngày.

Đáng chú ý, rất nhiều ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại Nam Phi bắt nguồn từ tình trạng lây lan trong cộng đồng và trong gia đình.

Tổng thống Cyril Ramaphosa kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đặc biệt là các thành viên có nền kinh tế phát triển nhất, hỗ trợ các gói kích thích phát triển kinh tế cho châu Phi trong. Tổng thống Nam Phi và lãnh đạo các quốc gia trong khu vực cũng đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới xem xét việc dãn và xóa nợ cho các nước châu Phi.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 khai mạc ngày 26/3, ông Ramaphosa đã yêu cầu các nước phát triển trong G20 cần tiếp tục thực hiện các chương trình cung cấp thuốc men và thiết bị y tế cho châu Phi. Các quốc gia trong châu lục đã lập ra Quỹ phòng chống Covid-19 với số tiền đóng góp ban đầu trị giá 17 triệu USD.

* Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát khoa học về diễn biến của đại dịch Covid-19, Algeria đã ghi nhận thêm 65 trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca Covid-19 lên 367 người, trong đó có 25 ca tử vong.

Tính đến thời điểm hiện tại, Algeria đứng thứ 3 về số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 ở châu Phi sau Nam Phi và Ai Cập, tuy nhiên số lượng người tử vong lại đứng đầu với 25 trường hợp tử vong.

Hiện Algeria đang đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Chính quyền yêu cầu tất cả mọi người bắt buộc phải ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.

* Ngày 26/3, truyền thông khu vực dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Phi Matshidiso Moeti nhận định, khoảng một nửa các quốc gia khu vực cận Sahara châu Phi vẫn còn “cơ hội hẹp” để kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, bà Moeti cho rằng, tình hình đang diễn biến rất phức tạp và các chính phủ khu vực cần nỗ lực tầm soát tất cả những người có tiếp xúc với các ca lây nhiễm trở về từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, bà Moeti kêu gọi các quốc gia tại châu Phi cần chuẩn bị cho kịch bản dịch Covid-19 có thể lan rộng hơn, tăng cường các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm đảm bảo người dân duy trì cách ly xã hội để giúp hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đồng thời thực thi các giải pháp cần thiết khác như tạm ngừng hoạt động giao thông hàng không.

Trong khi đó, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong cho biết, các nhà lãnh đạo châu Phi đang phối hợp với các đối tác nhằm đảm bảo nguồn cung trang bị y tế thiết yếu như máy thở trong trường hợp ca lây nhiễm gia tăng.

Tính đến 7h ngày 27/3, Việt Nam ghi nhận 153 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 17 ca đã bình phục hoàn toàn.

136 ca còn lại đang được điều trị tại 21 cơ sở y tế trên cả nước, hầu hết có sức khỏe ổn định, trong đó, nhiều bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-4 lần gồm:

- 27 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 1;

- 8 bệnh nhân âm tính lần 3;

- 4 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 3;

- 4 bệnh nhân đã âm tính 4 lần là bệnh nhân 29, 45, 53 và 66, trong đó các bệnh nhân 45, 53, 66 đã bình phục và dự kiến trong hôm nay sẽ được chuyển cơ sở y tế khác để theo dõi sức khoẻ.

Ngoài ra, có 3 ca trong tình trạng rất nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, trong đó, 1 bệnh nhân chỉ định can thiệp ECMO, 2 bệnh nhân còn lại thở oxy.

Bên cạnh đó, có 1.729 ca nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ. 57.104 ca tiếp xúc với người nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi (cách ly) tại các khu cách ly tập trung và tại nhà, nơi lưu trú.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục