Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Công dân có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, bất cứ ngày nào trong tuần, có thể thực hiện ở bất cứ nơi đâu có kết nối internet; không phụ thuộc vào giờ hành chính của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận...
Đây là thông báo vừa được UBND tỉnh ban hành thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID (ứng dụng VNeID), kể từ ngày 1.12.2024 đến 30.6.2025.
Đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết
Hiện nay, việc tiếp nhận và trả kết quả yêu cầu cấp Phiếu LLTP được thực hiện qua các phương thức gồm trực tiếp, bưu chính và trực tuyến. Theo thống kê của Sở Tư pháp, từ ngày 1.1 đến hết 31.10.2024, Sở đã tiếp nhận 11.349 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP, đã giải quyết 11.297 hồ sơ; hồ sơ giải quyết sớm, đúng hạn 11.175/11.297 (chiếm 98,92%).
Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, Tây Ninh đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID. Theo đó, từ tháng 7.2024, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo khác về triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP.
Là cơ quan chủ trì, Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) khẩn trương triển khai, chuẩn bị các nội dung công việc được phân công, nhất là việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống phần mềm.
Hiện tại, Sở Tư pháp, Sở TT-TT phối hợp Cục Công nghệ thông tin- Bộ Tư pháp, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06)- Bộ Công an đã hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Hệ thống quản lý LLPT dùng chung của Bộ Tư pháp và ứng dụng VNeID của Bộ Công an; bảo đảm vấn đề bảo mật, an toàn an ninh mạng và đã thử nghiệm thành công việc cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn công chức, viên chức, người lao động thực hiện công tác hỗ trợ, hướng dẫn và tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân trên địa bàn tỉnh.
“Ngoài việc kết nối giữa các hệ thống, Sở Tư pháp còn thực hiện công tác truyền thông nhằm thông tin rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh qua các hình thưc như: nhắn tin SMS, đăng tải thông báo trên báo, đài và các trang thông tin điện tử... Tỉnh đã bảo đảm các điều kiện cần thiết để chính thức triển khai thí điểm việc cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID” - ông Phạm Văn Đặng nhấn mạnh.
Hiểu đúng về Phiếu lý lịch tư pháp
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp (năm 2009), Phiếu LLPT là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
“Việc cấp Phiếu LLTP phải tuân theo quy trình, thủ tục nghiêm ngặt, phải thực hiện tra cứu, xác minh thông tin tại một số cơ quan có liên quan để xác định một người có án tích hay không có án tích, đồng thời phải bảo đảm bí mật đời tư của người yêu cầu cấp LLTP” - ông Phạm Văn Đặng thông tin.
Giám đốc Sở Tư pháp cho biết có 2 phiếu LLTP, Phiếu số 1 cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam; cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Phiếu số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Nội dung 2 phiếu được nêu rõ tại Điều 42, Điều 43 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
Trên thực tế, vẫn còn không ít cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa hiểu đúng về phiếu LLTP và quy trình cấp phiếu. Có tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp phiếu LLTP, mặc dù pháp luật không quy định Phiếu LLTP trong hồ sơ giải quyết công việc nhưng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (hộ gia đình) vẫn yêu cầu người dân phải có. Điều này gây phiền hà cho người dân, ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và cấp phiếu LLTP, quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP của người dân.
Tại phiếu số 1, nếu người được cấp phiếu không bị kết án hoặc được xoá án tích, thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào LLTP hoặc được đại xá, thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào LLTP thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung. Phiếu LLTP số 1 yêu cầu ghi thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
Phiếu số 2 có phần chặt chẽ hơn, ngoài những thông tin cá nhân (họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, căn cước công dân, hộ chiếu...), phiếu có thêm thông tin về cha, mẹ, vợ và chồng người được cấp; phải ghi đầy đủ các thông tin về án tích như: án tích đã được xoá, thời điểm xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án. Trường hợp nếu không bị cấm, phiếu số 2 vẫn phải ghi rõ “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”; chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong Phiếu LLTP số 2, mặc dù không có yêu cầu của cá nhân hay tổ chức nào.
Đổi mới quy trình, tạo tiện ích cho người dân
Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Luật LLTP năm 2009 không quy định về điều kiện cấp Phiếu LLTP. Nếu là công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam đều có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP của mình. Thành phần hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP rất đơn giản, dễ thực hiện”.
Cá nhân chỉ nộp tờ khai yêu cầu cấp phiếu theo mẫu quy định và bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người yêu cầu; nộp văn bản uỷ quyền đối với trường hợp thực hiện theo uỷ quyền. Trường hợp không cần văn bản uỷ quyền đối với người yêu cầu là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp phiếu LLTP, tuy nhiên chỉ áp dụng đối với yêu cầu cấp phiếu số 1.
Theo thông báo của UBND tỉnh, việc triển khai thực hiện thí điểm đến ngày 30.6.2025. Để bảo đảm hiệu quả công tác triển khai, Sở Tư pháp đã đẩy mạnh công tác truyền thông đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ cấp phiếu LLTP; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn nộp hồ sơ đề nghị cấp phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID cho công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở và các đơn vị liên quan thuộc UBND cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn việc cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh trong thời gian thí điểm.
Song song đó, Sở Tư pháp tổ chức sắp xếp, bố trí nhân sự thực hiện nhiệm vụ cấp Phiếu LLTP nói chung (bản giấy) và Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID nói riêng; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP “đúng, đủ, sạch, sống” nhằm bảo đảm cho việc tra cứu cấp phiếu LLTP.
Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ Công an tỉnh, Sở TT-TT, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan để xử lý, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VneID.
Cá nhân và tổ chức thuộc đối tượng cấp Phiếu LLTP thực hiện kê khai hồ sơ trên ứng dụng VNeID; thanh toán lệ phí trực tuyến theo quy định mà không phải đến trực tiếp cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận. Phiếu LLTP được cấp bằng bản điện tử (được ký số bởi người có thẩm quyền) có giá trị pháp lý như bản giấy. Phiếu LLTP điện tử có thể sử dụng nhiều lần, nộp tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác nhau, người dân không phải mất phí đề nghị cấp thêm bản giấy. Ngoài bản điện tử được cấp trên ứng dụng VNeID, cá nhân có thể nhận thêm bản giấy phiếu LLTP (được trả trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích). Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp Tây Ninh |
Tâm Giang