Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cắt sóng “hotgirl” bình luận World Cup: Xin đừng hờn ghen với nhan sắc
Thứ hai: 10:02 ngày 28/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một người đẹp bình luận bóng đá hay là của hiếm nhưng nếu không hay thì bản thân nhan sắc đã là một “pha bóng hấp dẫn”, hơn tất cả những lời bình. Bởi vậy, gọi sai tên cầu thủ, tên đội bóng có thể xem như đó là những nhầm lẫn... đáng yêu.

Dàn hotgirl "đốt nóng" World Cup 2022 trên sóng truyền hình đã gây xôn xao dư luận.

Cuối cùng thì sau những ồn ào, tranh cãi trên mạng xã hội, 32 hotgirl tham gia cổ vũ, bình luận World Cup trên sóng VTV đã không còn xuất hiện. Tin tôi đi, sẽ có rất nhiều đàn ông mê bóng đá cảm thấy tiếc nuối vì điều này, cho dù nếu có một chiếc phiếu công khai để lựa chọn, họ có thể gạch phương án… người đẹp bình luận bóng đá. Đàn ông Việt là vậy, vừa đeo kính râm ra bãi biển ngắm phụ nữ diện bikini nhưng ngay lập tức có thể ngồi hàng giờ nói về thuần phong mỹ tục.

Chỉ cần một cô gái đẹp đi ngang qua nơi 4 người đàn ông đang uống bia chém gió, kiểu gì cũng xảy ra “chiến tranh ngôn ngữ”, huống chi các hotgirl xuất hiện trên sóng truyền hình, bình luận về World Cup trước hàng triệu khán giả. Nhan sắc, tự cổ chí kim hiện diện ở bất kỳ đâu trên thế giới đều ồn ào. Càng ồn ào hơn khi nó xuất hiện tại World Cup, một sự kiện thể thao hấp dẫn nhất hành tinh, nơi có hàng tỷ đàn ông theo dõi, cỗ vũ, bình luận, cuốn niềm đam mê lăn theo trái bóng.

Tranh cãi về nhan sắc và trí tuệ, cái nào hơn cái nào là cuộc cãi vã “thế kỷ” khó tìm ra đáp án. Một người đẹp bình luận bóng đá hay là của hiếm nhưng nếu không hay thì bản thân nhan sắc đã là một “pha bóng hấp dẫn”, hơn tất cả những lời bình.

Bóng đá, thoạt tiên là trò chơi mang tính giải trí. Chương trình bình luận bóng đá vì thế là một chương trình giải trí – thương mại thuần túy. Hotgirl xuất hiện ở một sự kiện giải trí, có gì mà phải căng?

Gọi sai tên cầu thủ, tên đội bóng có thể xem như một sự nhầm lẫn đáng yêu. Sự xuất hiện của họ không phải với tư cách chuyên gia, BLV chuyên nghiệp, họ là cổ động viên nói về bóng đá.

Xung quanh môn thể thao vua không chỉ là câu chuyện về bóng đá. Với sự phát triển vượt bậc của truyền thông, trong mấy thập kỷ qua, bóng đá vươn vai trở thành một ngành công nghiệp giải trí khổng lồ. Để tạo ra sức hấp dẫn cho bóng đá, cả trong và ngoài sân cỏ cả trước, sau và trong trận đấu, người ta đã nghĩ ra nhiều chiêu trò giải trí ăn theo trái bóng hay nói chính xác là kinh doanh từ bóng đá.

Về mặt giải trí, việc mời các hotgirl tham gia cổ vũ, bình luận bóng đá là một chiêu trò hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả. Khán giả, nhất là đàn ông, vừa ngồi xem đá banh, vừa được xem thi… hoa hậu, còn gì thú vị hơn. Tựa như lễ kỷ niệm hay hội nghị, kiểu gì cũng phải có màn văn nghệ chào mừng. Phần ấy chỉ xem như phụ họa, như một thứ gia vị cuộc sống, không phải xương sống của chương trình.

Chương trình bình luận bóng đá trước và sau trận đấu trên truyền hình cũng vậy, nó không quyết định được kết quả trận đấu và các pha bóng hấp dẫn. Nếu không thích, hãy bật tivi vào sát giờ bóng lăn.

Các hotgirl liệu có bị hụt hẫng khi nhà đài cắt sóng giữa chừng?.

Chúng ta đã quá khắt khe khi cho rằng, mời hotgirl lên sóng bình luận World Cup khi họ không am hiểu về bóng đá, chỉ thuần giải trí là thiếu tôn trọng phụ nữ. Bóng đá suy cho cùng là một môn thể thao phục vụ nhu cầu giải trí. Cho dù nó có được ví như thánh đường, tôn giáo hay gánh lên vai bất kỳ sứ mệnh cao cả nào thì thoạt tiên, nó vốn là trò chơi. Bóng đá trong thời đại ngày nay, tính giải trí và thương mại ngày càng cao. Và vì thế, một chương trình giải trí mà không đạt được mục tiêu giải trí thì đó là một chương trình thất bại.

Bóng đá không phải triết học. Một chương trình thể thao không phải một hội thảo khoa học. Trước giờ bóng lăn, không ai đi bàn chuyện mối quan hệ biện chứng giữa bóng đá và người hâm mộ.

Mời 32 hotgirl lên sóng rồi bỗng nhiên “cắt sóng”, những người đẹp liệu có bị hụt hẫng? Đó mới là vấn đề đặt ra về tôn trọng phụ nữ. Họ đẹp, họ có quyền được “khoe” nhan sắc trước đông đảo khán giả.

Nếu chúng ta cứ tỵ hiềm, hờn ghen với nhan sắc, ép nhan sắc phải quấn thêm vỏ bọc của trí tuệ, ấy chính là không biết trân trọng cái đẹp. Bản thân cái đẹp đã là một dạng… trí tuệ. Biết đâu, mấy ngày nay, những người đàn ông Việt xem World Cup đã bớt hào hứng đi mấy phần?

* Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả.

Nguồn giadinhonline

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục