Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chỉ còn 4 ngày nữa là cụm công trình giao thông gồm cao tốc Hạ Long - Bạch Đằng và cầu Bạch Đằng sẽ chính thức được thông xe. Đây được coi là những công trình tiêu biểu cho hình thức đối tác công-tư (PPP) và là thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc thu hút vốn tư nhân vào hạ tầng.
Cầu Bạch Đằng - niềm tự hào của người dân tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Báo Giao thông.
Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh về 2 dự án cao tốc Hạ Long- Bạch Đằng và cầu Bạch Đằng cũng như những định hướng sắp tới về phát triển giao thông của tỉnh Quảng Ninh.
Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh như Hạ Long, Vân Đồn, Quan Lạn, Trà Cổ… cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, tiềm năng phát triển kinh tế lớn. Đây có phải là lý do khiến Quảng Ninh nhanh chóng “nhìn ra” nhu cầu cấp thiết phải phát triển hệ thống giao thông không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Long: Theo đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” với mục tiêu “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”, Quảng Ninh sẽ có 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không.
Đặc biệt là việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, trên diện tích đất 320 ha theo tiêu chuẩn hàng không cấp 4E (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO), có thể đón được các máy bay lớn như Boeing 777. Đây được coi là điểm nhấn quan trọng trong kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Ninh, động lực để phát triển Vân Đồn thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt.
Tuyến giao thông đường bộ, huyết mạch của nền kinh tế sẽ được đầu tư, xây dựng, nâng cấp với cao tốc Hà Nội - Hạ Long, tổng vốn đầu tư trên 13.000 tỷ đồng (bao gồm cầu Bạch Đằng), Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn – Mông Dương có tổng đầu tư 10.062 tỷ đồng. Tuyến Vân Đồn – Móng Cái, có thể coi là tuyến hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc của Việt Nam với Trung Quốc, tạo nên sự phát triển liên vùng.
Ngày 1/9 tới đây, Quảng Ninh sẽ thông tuyến cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng và dự án cầu Bạch Đằng. Xin ông cho biết chi tiết hơn về quá trình đầu tư 2 dự án trọng điểm này?
Ông Nguyễn Đức Long: Tuyến cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng sẽ nối với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đây là tuyến đường đường tỉnh Quảng Ninh nhận định là có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng là khu vực trọng điểm kinh tế phía Bắc. Cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng với chiều dài 24,6 km, thiết kế 4 làn xe và được đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, sẽ thông xe vào ngày 1/9 tới.
Dự án do tỉnh Quảng Ninh chủ động đề xuất lên Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện.
Tuyến cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng được chia làm 2 dự án thành phần gồm: Tuyến cao tốc nối Hạ Long đến đường dẫn vào câù Bạch Đằng dài 19,8km do tỉnh Quảng Ninh dành ngân sách hơn 6.400 tỷ đồng thực hiện và dự án cầu Bạch Đằng với đường dẫn dài 5,4km bằng hình thức huy động đầu tư ngoài ngân sách (BOT) với tổng vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng, ngân sách của tỉnh dành cho công tác giải phóng mặt bằng.
Sau hơn 3 năm rưỡi thi công với nhiều khó khăn vì điều kiện địa chất đến nay công trình đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu, đánh giá và đồng ý đưa vào khai thác sử dụng ngày 24/8 vừa qua.
Khi cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng đi vào vận hành, quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm từ 75km xuống còn 25km. Đồng thời, giúp Hạ Long kết nối thuận lợi hơn với các vùng kinh tế động lực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng. Cụ thể, cao tốc này rút ngắn quãng đường và thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long từ 180km xuống còn 130km, thời gian giảm từ 3,5 giờ còn 1,5 giờ di chuyển.
Cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng rút ngắn quãng đường từ Hà Nội xuống Hạ Long chỉ còn 1,5 giờ di chuyển. Ảnh: Báo Giao thông.
Ông đã từng chia sẻ với báo chí rằng “nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì Quảng Ninh phải chờ đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa”. Đây có phải lý do khiến Quảng Ninh mở rộng cửa để thu hút vốn của các nhà đầu tư tư nhân, mà tiêu biểu là dự án cầu Bạch Đằng vừa hoàn thành?
Ông Nguyễn Đức Long: Theo như quy hoạch, dù chúng tôi có thấy lợi ích to lớn trước mắt nhưng nguồn lực không có thì chỉ là giấc mơ viển vông. Con số hàng chục ngàn tỷ đồng cần đầu tư trong điều kiện ngân sách chưa cho phép sẽ đặt Quảng Ninh vào thế khó nếu như Quảng Ninh không có quyết tâm, mạnh dạn tìm nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa, bằng chính sách thông thoáng, hài hòa các lợi ích.
Đến nay, nguồn vốn xã hội hóa qua các dự án BT, BOT… mà Quảng Ninh đã huy động được lên tới trên 30 ngàn tỷ đồng với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư. Trong đó phải kể đến nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Sun Group, với gần 7.500 tỷ đồng xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh. Các nhà đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long- Hải Phòng, Hạ Long -Vân Đồn- Mông Dương với số vốn bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng...
Có thể nói, cầu Bạch Đằng sắp được thông xe tới đây không chỉ là niềm tự hào của tỉnh Quảng Ninh mà còn là niềm tự hào của những người kỹ sư cầu đường khi cây cầu này 100% kỹ sư Việt Nam làm chủ công nghệ cũng như thi công.
Đây cũng là dự án tiêu biểu cho sự thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc kêu gọi vốn tư nhân kết hợp với nguồn vốn ngân sách trong giải phóng mặt bằng. Có vốn, có công nghệ, cầu Bạch Đằng cũng có tiến độ thực hiện rất nhanh chóng, không chậm trễ dù điều kiện thi công còn gặp nhiều khó khăn.
Có được kết quả như ngày hôm nay, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận sự phối hợp sát sao, tích cực của các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, thành phố Hải Phòng. Đặc biệt, chúng tôi cảm ơn sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà đầu tư BOT cầu Bạch Đằng, các nhà thầu thi công không quản ngại nắng mưa, khó khăn vất vả trong suốt thời gian vừa qua.
Được biết, sắp tới tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai tuyến Hạ Long-Vân Đồn và Vân Đồn-Móng Cái hướng đến hoàn thiện tuyến hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc với Trung Quốc. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch này?
Ông Nguyễn Đức Long: Tháng 9/2018 tỉnh Quảng Ninh sẽ khởi công cao tốc Vân Đồn-Móng Cái cũng bằng nguồn vốn BOT, phấn đấu tới cuối năm 2020 sẽ thông toàn bộ tuyến cao tốc tới Móng Cái.
Như vậy, có thể nói, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực từ ngân sách tỉnh, cũng như nguồn lực từ tư nhân để triển khai được gần 200km cao tốc trong mạng lưới đường bộ cao tốc toàn quốc.
Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo nên sự liên kết, hỗ trợ giữa các vùng miền giàu tiềm năng: Khu kinh tế Vân Đồn; Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế Đầm Nhà Mạc - Quảng Yên và các trung tâm hành chính - văn hóa – kinh tế Hạ Long – Uông Bí – Quảng Yên – Đông Triều.Cùng với các công trình giao thông cầu biên giới như Bắc Luân II, Hoành Mô (kết nối với Trung Quốc), trong tương lai gần khi các tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn – Móng Cái hoàn thành sẽ tạo kết nối giao thông trong trục tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh.
Chắc chắn, lợi thế về địa lý của tỉnh là cửa ngõ vùng Đông Bắc sẽ được phát huy, sức hấp dẫn với các nhà đầu tư sẽ gia tăng đáng kể. Như vậy, việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, đa dạng, hiện đại, hiệu quả cũng chính là nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng an ninh; đồng thời phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia, vùng, lãnh thổ.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn chinhphu