Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cậu học trò đam mê sáng tạo
Thứ ba: 11:34 ngày 29/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không có điều kiện tốt nhất để nghiên cứu, sáng tạo, nhưng với niềm đam mê và sự cần cù, em Trần Quốc Khanh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành) đã xuất sắc giành giải Nhất tại Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh THPT năm học 2018-2019 với đề tài “Phân hữu cơ từ cây lục bình và xơ dừa”.

Quốc Khanh xay lục bình.

Nhà Khanh ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, nơi có sông Vàm Cỏ Đông chảy qua. Hằng năm, vào cao điểm mùa khô, tầm tháng 2 đến tháng 6 dương lịch, dòng sông cạn nước cũng là lúc lục bình sinh sôi, nảy nở dày đặc, khiến cho tàu bè không đi lại được, người dân khó khăn trong việc vận chuyển thóc lúa, phân tro, thuỷ sản trên sông. Với mong muốn làm việc có ích cho cộng đồng từ những kiến thức đã được học, Quốc Khanh bắt đầu thử nghiệm làm phân hữu cơ từ cây lục bình. 

Nghĩ là làm, sau gần 2 tháng nghiên cứu, với sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn, Khanh bắt tay vào làm phân hữu cơ cho cây trồng. Từ tháng 6.2017, Khanh thử nghiệm về quy trình tạo ra sản phẩm phân hữu cơ từ cây lục bình và xơ dừa. Quốc Khanh cho biết, em đi vớt lục bình từ kênh rạch hoặc ngoài sông Vàm Cỏ, xơ dừa được mua từ các vựa cây cảnh.

Bước đầu tiên là em xay hoặc băm nhỏ lục bình ra, càng nhuyễn càng dễ phân huỷ. Sang bước thứ 2, em chọn tỷ lệ lục bình và xơ dừa theo công thức 87,5% lục bình trộn với 12,5% xơ dừa. Tuy nhiên, xơ dừa phải lược để lấy phần cám đưa vào trộn (nếu ủ cả phần xơ thì thời gian ủ sẽ lâu) và kèm theo phụ gia men vi sinh và phân chuồng.

Quá trình trộn rất quan trọng, nếu trộn không đều giữa các thành phần, phân sẽ không mịn, thậm chí bị vón cục, thành phẩm sẽ không đạt yêu cầu. Sau đó, Khanh đem ủ kín số phân này trong nhà để không bị nước mưa vào, thời gian ủ từ 20 đến 30 ngày, rồi thu gom vào bao để bón cho cây trồng. 

Thầy Đoàn Minh Quang- giáo viên hướng dẫn đề tài cho biết, đề tài nghiên cứu của Khanh được ban giám khảo đánh giá cao. Đây là mô hình mới, ưu điểm là xử lý được số lượng lớn lục bình, sản xuất phân hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp sạch; hạn chế phân hoá học; giảm chi phí sản xuất; giảm sự thoái hoá của đất; kỹ thuật làm rất dễ dàng, mọi người, mọi nhà đều có thể thực hiện. Về mặt xã hội, loại phân này làm giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ sức khoẻ của người sản xuất và người tiêu dùng. 

Hay tin con mình đoạt giải Nhất cuộc thi, ông Trần Văn Tiên, ba của Khanh xúc động cho biết: “Lúc đầu thấy Khanh mày mò, dậy sớm, thức khuya thực hiện mấy công đoạn làm phân hữu cơ, vợ chồng tôi lo lắng và khuyên cháu nên tập trung vào việc học, vì là năm cuối cấp. Sau đó, thầy cô trong trường đến động viên, giúp đỡ để cháu có thành phẩm đi dự thi. Nào ngờ, cháu được giải nhất, cả nhà vui lắm!”. Hiện tại, Khanh được gia đình hỗ trợ đi vớt và xay lục bình, mua xơ dừa cùng một số công đoạn khác.

Mỗi tháng, gia đình Khanh sản xuất khoảng vài trăm ký phân hữu cơ từ cây lục bình và xơ dừa dùng bón cho cây cao su, ớt của gia đình và bà con trong xóm. Bà Phạm Thị Cứ, một người dân ở địa phương cho biết, nhà bà trồng 5 công ớt. Sử dụng phân hữu cơ do Khanh sản xuất, bà Cứ giảm chi phí mua phân hoá học, đất lại xốp, cây ớt phát triển nhanh, ít sâu bệnh, năng suất cao.

Thầy Nguyễn Văn Hùng- Hiệu trưởng nhà trường vui vẻ nói: “Khi sản phẩm của Khanh đạt giải cao, nhà trường đến nhà động viên, đồng thời tuyên dương em trước toàn thể học sinh trong trường, xem đây là tấm gương tự học, tự sáng tạo và đã đem lại vinh dự cho nhà trường”.

Hỏi về tương lai của mình, Quốc Khanh mỉm cười tiết lộ: “Năm nay lớp 12, em sẽ tập trung học thi tốt nghiệp và đăng ký vào Trường đại học Công nghệ-Thông tin tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình”.

Quang Hà

Tin cùng chuyên mục