Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cầu siêu hội – Nét văn hoá tín ngưỡng đạo Cao Đài
Thứ hai: 07:18 ngày 17/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với mong muốn cho tất cả mọi chơn hồn được cứu độ, siêu thoát sau khi rời khỏi thể xác, mỗi năm, vào ngày 16 tháng Giêng, Hội thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh tổ chức lễ cầu siêu hội cho tất cả.

Theo Phối sư Ngọc Hồng Thanh- Tổng quản Văn phòng Ngọc Chánh Phối sư kiêm Thượng thống Lại viện, hằng năm, có rất nhiều người mất đi nhưng không được cầu siêu, hoặc những ông bà Tổ phụ, Cửu huyền Thất tổ lâu đời mất trước đây khi đạo Cao Đài chưa được khai mở, nên chưa được cầu siêu. Từ khi đạo ra đời, Hội thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh tổ chức lễ cầu siêu cho tất cả những chơn linh đó gọi là cầu siêu hội.

Khách Đình – nơi tổ chức lễ cầu siêu cho các chơn linh theo hàng phẩm Thần vị.

“Rằm tháng Giêng là lễ Thượng Ngươn. Đây là ngày mà tại Ngọc Hư cung- cõi thiêng liêng, Đức Chí Tôn ân tứ cho các chơn hồn. Chúng ta có thể hình dung, như ở trần thế, Nhà nước có một ngày ân xá cho tù nhân, thì ở cõi thiêng liêng, Đức Chí Tôn cũng chọn ngày Thượng Ngươn để ân tứ cho các chơn linh”- Phối sư Ngọc Hồng Thanh cho biết.

Để người thân, ông bà được hưởng “ân tứ” của đấng tối cao, ngay từ mùng Mười tháng Giêng, tại Lễ viện đã bắt đầu phát sớ cho mọi người ghi chép thông tin người thân cần cầu nguyện. Dưới sự hướng dẫn của Lễ viện, mỗi gia đình viết một tờ sớ với tên tuổi ông bà, tổ tiên, cha mẹ đã quá vãng lâu đời dâng lên Đức Chí Tôn. Vào đêm lễ Thượng Ngươn – giờ Tý ngày 14 tháng Giêng, tại Đền Thánh, sau nghi thức cúng đàn, hàng ngàn tờ sớ được đốt dâng lên cõi thiêng liêng.

“Ngoài những tờ sớ của các cá nhân, Hội thánh sẽ dâng một tờ sớ cầu nguyện chung cho “các chơn linh hữu công hành đạo (người có công trong nền đạo), cùng tiền vãng thất tổ, hậu vãn cửu huyền, cùng chư chiến sĩ trung thành dũng cảm vị quốc vong thân, và toàn thể lê dân thống khổ chiến tranh đồng thời tử nạn” được siêu thăng tịnh độ”- Phối sư Ngọc Hồng Thanh cho biết thêm.

Tang gia chuẩn bị bàn lễ cho buổi lễ cầu siêu tại Báo Ân từ.

Năm nay, 16 tháng Giêng nhằm ngày 14.2, vào 14 giờ, đông đảo đồng đạo xa gần, trong và ngoài tỉnh cùng về Toà Thánh Tây Ninh dự lễ truy điệu (lễ cầu siêu) cho các chơn linh theo hàng phẩm Thánh vị (từ hàng phẩm Giáo hữu trở lên) tại Báo Ân từ và chơn linh theo hàng phẩm Thần vị tại Khách Đình (từ hàng phẩm Lễ sanh xuống đạo hữu). Từ sáng, nhiều gia đình đã có mặt tại Khách Đình và Báo Ân từ để gửi linh vị người mất, viết sớ nguyện cầu cho người thân.

Ngoài những gia đình đưa người thân về làm lễ, đông đảo đồng đạo từ các nơi cũng về dự lễ. Anh Phan Trường Vũ (43 tuổi) cho biết, năm nào cũng vậy, họ đạo của anh ở Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh cùng hợp đồng xe về Tây Ninh dự lễ cầu siêu hội.

“Mình cầu nguyện “Ơn trên” phù hộ cho vong hồn của những người chết trên toàn thế giới được siêu thoát. Không chỉ cầu cho chơn linh những người đã mất mà còn nguyện cầu luôn cả cho những trẻ nhỏ không may chưa được sinh ra được về cõi trời. Càng đông người cầu nguyện sẽ giúp cho chơn hồn dễ siêu thoát hơn”- anh Vũ chia sẻ.

Sau lễ cầu siêu, vào 19 giờ, tại Báo Ân từ và Khách Đình, hai đội gồm Tổng Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương, Tổng Khậu và 12 bá trạo thực hành nghi lễ chèo thuyền.

“Chèo thuyền Bát Nhã do Đức Di lạc Vương Phật vâng lệnh của Đức Phật Mẫu xuống dưới thế gian này để đưa các chơn linh về với Mẹ, về cõi thiêng liêng hằng sống. Chính vì nghi lễ long trọng này, nhiều người cũng muốn đưa người thân vào để được đi thuyền Bát Nhã”- Phối sư Ngọc Hồng Thanh chia sẻ.

Hoá trang vai Tổng Thương chuẩn bị cho buổi chèo thuyền.

Chị Võ Thị Thuỳ Trang (phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) cho biết, những năm trước đây, chị vẫn đi dự lễ cầu siêu hội để cầu nguyện cho bá tánh tại Khách Đình. Năm nay, chị đi lễ với linh vị của mẹ.

“Mẹ tôi mới mất gần 1 tháng. Trước đây, bà là chức việc ở họ đạo. Theo quy định của Đạo, lễ chèo thuyền dành cho người có phẩm từ Lễ sanh trở lên. Nên khi có lễ cầu siêu hội, gia đình cũng muốn đưa linh vị mẹ vào dự lễ, để mẹ được hưởng ân huệ của Đức Chí Tôn, Đức Phật mẫu đi thuyền Bát Nhã”- chị Thuỳ Trang cho biết.

Đông đảo các tang gia có mặt xem biểu diễn chèo thuyền tại Khách Đình.

Còn chị Lê Vũ Thanh Thuỷ cho biết, gia đình chị từ huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, có mặt tại Tây Ninh từ ngày 14 tháng Giêng để tối dự lễ cúng đàn Thượng Ngươn và chiều 16 dự lễ cầu siêu hội.

“Đây là lần đầu tôi dự lễ cầu siêu hội. Tôi đưa cả ba và mẹ về đây cầu nguyện. Ba tôi có phẩm Giáo sư, khi mất theo nghi lễ của đạo phải chèo thuyền đưa mới đủ lễ. Nhưng lúc ba mất ở địa phương không có lễ này. Tôi nghe một số bạn đạo của ba cho biết, ngày 16 tháng Giêng có lễ cầu siêu hội và chèo thuyền cho tất cả các vị chức sắc, đạo hữu nên gia đình sắp xếp đưa bài vị của ba xuống đây làm lễ.

Tôi cũng viết sớ cầu nguyện cho mẹ tại Khách Đình. Mẹ tôi là đạo hữu, mất cách đây 3 năm. Chúng tôi làm tất cả những điều này với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp cho cha mẹ nơi cõi vô hình”- chị Thanh Thuỷ nói.

Tổng Thương và Tổng Khậu làm dâng hương cầu nguyện cho các vị chức sắc đã quy tiên.

Lễ cầu siêu hội từ lâu đã trở thành một nét văn hoá đặc sắc trong tín ngưỡng của các tín đồ Cao Đài giáo. Ở đó, mọi người dù không thân thích, chưa từng quen biết, nhưng đồng lòng hợp sức nguyện cầu cho tất cả với niềm tin: qua lời kinh, tiếng kệ sẽ giúp sức, trợ lực các chơn linh được nhẹ nhàng, siêu thoát về cõi vô hình.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục