Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chính sách, chế độ đối với giáo viên:
Câu trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo
Thứ năm: 17:48 ngày 20/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 12.1.2022, Sở GD&ĐT có công văn gửi cơ sở giáo dục trực thuộc, các phòng giáo dục hướng dẫn một số nội dung để giải quyết một số chế độ làm việc, chế độ chính sách năm học 2020-2021.

Những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Báo Tây Ninh đăng tải một số bài viết liên quan đến việc thực hiện chính sách, chế độ đối với giáo viên cũng như dấu hiệu lạm thu đối với học sinh phổ thông. Ngay sau đó, một số trường phổ thông, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có động thái khắc phục, tháo gỡ. Mới đây, Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên

Mời phụ huynh vào trường nhận lại tiền

Trong bài viết vào cuối tháng 11.2021, Báo Tây Ninh đề cập việc một trường THPT thu tiền không có trong quy định, đó là tiền sổ tay. Sổ này ghi một số nội quy, quy chế của nhà trường đối với học sinh. Khoản thu này vừa vô lý (vì không có trong quy định) vừa không cần thiết.

Tại thời điểm đó (và cả hiện tại), học sinh đang học tại nhà, chưa thể xác định bao giờ tất cả học sinh các khối lớp được học trực tiếp, do đó, yêu cầu học sinh đóng tiền mua sổ tay để học nội quy, quy chế của nhà trường là không cần thiết. Điều quan trọng, theo quy định, nhà trường không được phép thu, không được tự ý đặt ra những khoản thu ngoài quy định.

Sau khi báo đăng một thời gian, trường THPT này (bài viết hôm tháng 11.2021 và cả bài này, chúng tôi không muốn nêu tên đơn vị cụ thể) thông báo mời phụ huynh vào trường để nhận lại khoản tiền mua sổ tay.

Điều khó hiểu là, khi thu khoản tiền này, nhà trường yêu cầu phụ huynh nộp cho giáo viên chủ nhiệm lớp, nhưng khi trả lại, trường không thông qua giáo viên chủ nhiệm mà lại thông báo cho phụ huynh đến trường gặp thủ quỹ để nhận.

“Có lẽ chẳng có mấy phụ huynh đến tận trường để nhận lại khoản tiền ít ỏi đó đâu. Nhà trường thông báo trả lại tiền cho phụ huynh nhưng trả có đúng có đủ cho từng phụ huynh hay không, chúng tôi không nắm rõ. Khi thu tiền, trường yêu cầu giáo viên thu, nhưng khi trả, giáo viên không tham gia vào việc này”- một người nêu ý kiến.

Rắc rối việc tính chế độ thừa giờ

Trở lại nội dung chính, một điều tưởng chừng vô lý nhưng lại xảy ra ở bậc học phổ thông, đó là chuyện xác định một năm học có bao nhiêu tuần. Như từng trình bày trong bài viết đăng cuối tháng 12.2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng chủ trương giảm tải chương trình giáo dục phổ thông năm học 2020-2021 và cả năm học 2021-2022, biên chế năm học, kế hoạch thời gian năm học do Bộ GD&ĐT hướng dẫn, chỉ có 35 tuần.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương trong cả nước cụ thể hoá kế hoạch thời gian năm học, cũng chỉ 35 tuần. Song, trong các văn bản do Bộ GD&ĐT ban hành (đang có hiệu lực), thời gian năm học là 37 tuần. Mọi việc rắc rối phát sinh từ đây.

Năm học 2020-2021 kết thúc, giáo viên làm bảng tổng hợp thừa giờ, sau khi đã trừ đi số tiết theo định mức và khoản tiền thừa giờ của năm học 2020-2021 giáo viên đã được lãnh.

Bất ngờ, trong những ngày cuối năm 2021, tất cả giáo viên (có thừa giờ) ở một trường THPT được yêu cầu trả lại tiền thừa giờ, vì một năm học có 37 tuần chứ không phải 35 tuần. Sau hai đợt truy thu, những giáo viên có thừa giờ do dạy vượt định mức đã trả lại tiền để “nhà trường nộp vào ngân sách”. Ngoài trường THPT trên thu hồi xong tiền thừa giờ, hiện nay, những trường còn lại cũng thông báo thu hồi.

Trong khi câu chuyện thu hồi tiền thừa giờ ở cấp THPT năm học 2020-2021 đang “bùng nhùng” thì chuyện này lại “lan” xuống cấp THCS năm học 2021-2022. Kết thúc học kỳ I năm học 2021-2022, khi làm bảng tổng hợp số tiết dạy vượt định mức, nhiều giáo viên ở cấp học này được yêu cầu tính theo năm học 37 tuần chứ không phải 35 tuần (học kỳ I 19 tuần, học kỳ II 18 tuần).

Tính theo số tuần này, những giáo viên lẽ ra được hưởng tiền thừa giờ lại không được. “Chúng tôi tìm đủ cách để quy đổi các hoạt động khác của giáo viên thành giờ dạy nhưng không thể được. Chỉ giáo viên nào dạy bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc kiêm nhiệm các chức vụ mới quy đổi được. Những trường hợp chỉ dạy, không làm gì khác, không thể quy đổi thành tiết dạy, vì không có minh chứng. Ví dụ yêu cầu giáo viên lên trực trường để quy đổi thành tiết dạy cũng không thực hiện được, vì hai lý do.

Thứ nhất, những giáo viên thừa giờ họ đã dạy nhiều tiết, không có cơ sở nào để phân công họ trực cơ quan. Mặt khác, đang trong thời gian học trực tuyến, chỉ ban giám hiệu, bộ phận hành chính, bảo vệ có mặt ở nhà trường. Dù giáo viên chất vấn gay gắt nhưng đành chịu, không thể tính chế độ thừa giờ theo 35 tuần được; kế hoạch thời gian năm học, phân phối chương trình cũng chỉ 35 tuần”- một vị phó hiệu trưởng cho biết.

“Tôi cũng lúng túng, không biết có nên thu hồi tiền thừa giờ hay không. Vì căn cứ hướng dẫn chưa thật sự rõ ràng. Mấy hôm nay tôi “nhức đầu” vì giáo viên chất vấn liên tục, đến mức đang tập huấn mà tôi không thể nào yên tâm để học”- ý kiến của một hiệu trưởng.

Xin nhắc lại, câu chuyện nêu trên phát sinh khi ngày 16.11.2021, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, trực thuộc Bộ GD&ĐT có công văn phúc đáp Sở GD&ĐT Tây Ninh về việc “chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên giảng dạy trong năm học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”.

Văn bản của Bộ GD&ĐT nêu: “Chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07 năm 2013 của liên Bộ GD&ĐT, Nội vụ, Tài chính.

Theo đó, số tuần giảng dạy trong năm học là 37 tuần” (kèm theo công thức tính chế độ thừa giờ). Ngoài công văn phúc đáp của Bộ GD&ĐT, theo Thông tư 03/VBHN-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (có hiệu lực ngày 1.8.2017), giáo viên phổ thông có 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Hiệu trưởng một trường THPT bình luận rằng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, trực thuộc Bộ GD&ĐT có công văn phúc đáp Sở GD&ĐT Tây Ninh hồi tháng 11.2021 thực ra “chưa đúng người đúng việc”.

Theo ý kiến này, để phúc đáp công văn của Sở GD&ĐT Tây Ninh, Vụ Giáo dục trung học trực thuộc Bộ GD&ĐT trả lời mới đúng chức năng, thẩm quyền được giao, vì biên chế năm học, số tuần chuyên môn, phân phối chương trình… thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Vụ Giáo dục trung học chứ không phải của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục.

Sẽ thu hồi toàn bộ?

Giải quyết câu chuyện thu hồi tiền thừa giờ như thế nào, vì không thể để tồn tại cùng một cấp học, bậc học nhưng chính sách, chế độ khác nhau?

Ngày 12.1.2022, Sở GD&ĐT có công văn gửi cơ sở giáo dục trực thuộc, các phòng giáo dục hướng dẫn một số nội dung để giải quyết một số chế độ làm việc, chế độ chính sách năm học 2020-2021.

Văn bản của Sở nêu, theo quy định tại khoản 2 Điều 5, Văn bản số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23.6.2017, hợp nhất Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21.10.2009 và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9.6.2017 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, thời gian dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo kế hoạch thời gian năm học là 37 tuần đối với giáo viên THCS, THPT.

Trước diễn biến của dịch bệnh Covid- 19, Bộ GD&ĐT điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học theo Quyết định số 2084/QĐ-BGDĐT ngày 27.7.2020 về khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ít nhất là 35 tuần thực dạy đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Nhằm thực hiện đúng chế độ làm việc, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong điều kiện dạy học linh hoạt của dịch bệnh Covid-19, Sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị thực hiện các nội dung.

Theo đó, chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8.3.2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính. Tính đúng, tính đủ cho nhà giáo số tiết thừa bằng số tiết thực dạy 35 tuần cộng với số tiết quy đổi theo văn bản hiện hành (nếu có) thành số tiết thực hiện trừ cho tổng số tiết tiêu chuẩn 37 tuần.

Các trường đã tính thừa giờ cho giáo viên trên cơ sở số tiết thực dạy trừ đi số giờ tiêu chuẩn 35 tuần thì phải điều chỉnh lại cho đủ số giờ tiêu chuẩn 37 tuần theo nội dung hướng dẫn của các Văn bản số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23.6.2017, hợp nhất Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21.10.2009 và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9.6.2017 của Bộ GD&ĐT.

Đối với chế độ bồi dưỡng và trang phục của giáo viên giáo dục thể chất, căn cứ đặc trưng chuyên môn của môn Giáo dục thể chất là giáo viên vẫn phải sử dụng phương pháp thực hành để dạy học nội dung thực hành khi dạy học trực tuyến.

Vì vậy, các đơn vị thực hiện chi đầy đủ chế độ bồi dưỡng, chế độ trang phục đối với giáo viên giáo dục thể chất trong thời gian dạy học trực tuyến ở tất cả các tiết thực hành trong chương trình theo mức chi được quy định tại Quyết định số 51/2012/QĐ-TTg, ngày 16.11.2012 của Thủ tướng Chính phủ (quy định về chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao).

Chế độ bồi dưỡng giờ giảng và trang phục đối với giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh, do đặc thù của bộ môn Giáo dục quốc phòng - an ninh, các đơn vị thực hiện chi đầy đủ chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục thực hiện theo Điều 2, Điều 3 của Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BQP-BCA-BNV-BTC ngày 16.7.2015 quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên GDQPAN.

Việt Đông

“Căn cứ nội dung công văn, tôi thấy chưa giải quyết triệt để câu chuyện có thu hồi tiền thừa giờ của giáo viên hay không. Hầu hết các trường chưa thu hồi và đang tìm cách quy đổi các hoạt động khác thành tiết dạy nhưng không phải giáo viên nào cũng làm công tác kiêm nhiệm để quy đổi. Nghe đâu có trường thu hồi khoản tiền này nhập vào làm quỹ tăng thu nhập cuối năm”- ý kiến của một giáo viên.

Tin liên quan