Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cây da tàn dù
Thứ bảy: 23:16 ngày 22/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mùa nước nổi, gốc cây chìm trong nước hồ lênh láng, chiều chiều từng bầy chim cò đủ loại từ các ngả thi nhau bay về ngủ đêm trên cành cây.

Cây da cổ thụ có từ khi nào không ai biết. Thân cây sừng sững, cành nhánh cao vút sum suê, phần vỏ từ gốc đến lưng chừng thân cây xù xì, chi chít những khối u nần lởm chởm. Những miểng bom, miểng đạn găm chặt vào thân cây như lớp lớp da vảy con trúc, con sấu. Mùa nước nổi, gốc cây chìm trong nước hồ lênh láng, chiều chiều từng bầy chim cò đủ loại từ các ngả thi nhau bay về ngủ đêm trên cành cây.

Chân trời phía Đông vừa ửng hồng, lũ chim cò trên cây da thức giấc thi nhau tấu bản hoan ca, đủ các âm điệu râm ran, xao động cả một vùng. Từng loài ý ới gọi nhau bằng thứ “ngôn từ” riêng, từng bầy cùng cất cánh bay về các phương trời quen thuộc, nơi chúng tha hồ tự do kiếm ăn.

Hoàng hôn buông xuống từng bầy lại tụ về tàn cây, chúng hỏi han nhau ríu rít, khoe khoang thành quả trong ngày. Có con buồn rười rượi, bạn tình của nó sập bẫy, bỏ nó bơ vơ. Dưới gốc cây da ngọn đèn dầu leo lét đã tắt, tiếng hai người nói chuyện rù rì, đứa trẻ cất tiếng ọ ẹ thức giấc đòi mẹ.

Vợ chồng Bảy Hiểu cất căn chòi dưới gốc cây da tàn dù tá túc qua ngày, hành nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ, chờ ngày vợ nở nhuỵ khai hoa. Cây da có tự hồi nào không ai biết, khi hồ Dầu Phước khởi công xây dựng, một vùng rừng nguyên sinh bạt ngàn được đốn hạ. Chả hiểu nguyên cớ vì sao, chỉ còn duy nhất cây da lừng lững không ai đốn hạ.

Cây có cành cao vút sum suê, từ xa nhìn thấy cây có hình hài như cái dù khổng lồ che nắng che mưa cả một vùng rộng lớn. Ai đó đặt tên là “Cây da tàn dù”, người nọ truyền lời người kia rồi ai ai cũng gọi tên cây da tàn dù. Mùa nước nổi, gốc cây da tàn dù ngập sâu cả thước, vài tháng hồ xả nước tưới, gốc cây mới thấy trên mặt đất. Dưới gốc cây ngập nước, trên trời tàn cây toả bóng che mát, gió thổi mát rười rượi. Dưới bóng mát tàn cây là nơi tụ tập những “căn nhà nổi di động” của những gia đình kiếm sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Phước.

Ngày vợ mang bầu sắp sanh con, Bảy Hiểu lên đảo lựa đốn những cây rừng chồi, gốc cây to bằng bắp vế, đem tới gốc cây da tàn dù dựng căn chòi trên mặt nước hồ. Một đầu căn chòi cột chặt vào gốc cây da tàn dù, đầu còn lại nhô ra phía ngoài, một hàng cọc cắm chắc nịch vừa làm vách, vừa làm trụ cột.

Sàn chòi cao hơn mặt nước nửa mét, phòng khi có sóng lớn nước hồ dâng lên cao không làm ướt đồ, một đầu tựa vào gốc cây da vững chãi, mái che chỉ cao hơn mét, lợp bằng cỏ tranh, người nào có thân hình cao to, ngồi trong chòi đầu chạm mái lợp. Mùa hồ xả tưới, nước rút khỏi gốc cây da, căn chòi tựa căn “nhà sàn” tí hon nép mình dưới gốc cây cổ thụ.

Buổi tối, Bảy Hiểu vừa đi giăng lưới về gần đến chòi thì trời đổ mưa tầm tã, mình mẩy ướt sũng, nửa đêm lên cơn sốt, vợ phải cạo gió thoa dầu cho hạ sốt. Anh nằm nghỉ, chị nổi lửa nấu lại nồi cháo bữa ăn chiều còn lại, cho thêm củ hành tép tỏi xắt nhỏ, thêm tí tiêu bột, tô cháo nóng hổi. Anh húp xong tô cháo, chị đưa cho ly nước nóng nấu với vài lát gừng tươi. Toàn thân toát mồ hôi, chị lấy chiếc khăn nhúng nước ấm ân cầnlau mặt, lau mình anh cho khô:

- Anh mắc mưa bị cảm lạnh, ăn cháo hành ra mồ hôi lát là bớt.

- Ừa! Anh cảm ơn em.

- Vợ chồng mà anh làm như người quen vậy.

Anh nhìn chị âu yếm, ngả người nằm xuống tấm đệm, lát sau chìm vào giấc ngủ. Gần sáng ngủ dậy, bơi ghe đi gỡ lưới, vừa về đến chòi anh hỏi vợ:

- Đêm qua có mấy anh bộ đội đến trú mưa em có biết không? Họ nói đóng quân gần đây, trời mưa lạnh quá, họ khen căn chòi đẹp. Chị vợ nghe vậy mỉm cười:

- Chắc là anh cảm sốt mê man nên mơ thấy vậy.

- Không phải mơ. Thật. Thật mà, rõ ràng họ nói đóng quân dưới mí nước, lâu lắm không liên lạc được với đơn vị, có anh còn ước gì đơn vị cũng làm được căn chòi như mình.

- Thì mơ cũng gần giống với cuộc sống thật.

- Có anh còn đưa cho anh lá thư nhờ gửi về nhà giúp nè.

- Chỉ được cái xạo.

- Có thật mà.

- Đâu! Thư đâu anh lấy ra coi?

Bảy Hiểu đưa tay vào túi áo ngực lấy ra tờ giấy cũ mèm, hoen ố, chữ viết đã phai mờ không sao đọc được, chỉ có con số 1967 ở cuối tờ giấy còn nhìn thấy lờ mờ.

- Anh đừng gạt em, anh tính bày trò gì vậy?

- Thật mà, rõ ràng anh bộ đội nói giọng miền Bắc, ảnh bị thương băng bó ở đầu, ở cánh tay bên trái. Ảnh đưa cho anh lá thư, còn dặn là...

Hai vợ chồng đang trao đổi, bà mối mua cá bơi ghe đến chòi cân cá như mọi ngày, câu chuyện lá thư của anh bộ đội tạm gác lại.

*   *   *

    Sau khi hai vợ chồng ăn xong bữa tối, Bảy Hiểu giành phần dọn dẹp, rửa chén đũa, anh cẩn thận dùng muỗng vét chỗ cơm còn lại trong nồi ra chiếc tô, lấy cái dĩa đậy miệng tô cơm, hai lát cá kho cũng cho ra một chiếc chén riêng, để tô cơm, chén cá kho vào giỏ xách treo lên vách chòi.

Đấy! Khẩu phần ăn bữa sáng mai của hai vợ chồng. Rửa xong nồi xoong, chén đũa, anh vào chòi kiếm bình nước nóng pha trà, bình trà chỉ mình anh hưởng thụ như là một phần thưởng “đặc biệt” vợ dành riêng cho chồng. Trước khi đi chợ, chị kiểm tra hộp trà xem còn hay sắp hết, thấy sắp hết chị không quên ghé tiệm trà mua một bịch trà Bắc, thứ trà anh ghiền từ khi còn trong quân ngũ. Thành thói quen, cứ nấu xong bữa cơm, chị nấu luôn bình nước sôi, rót đầy nước vào chiếc bình thuỷ dành cho anh pha trà.

Cho con bú xong, đứa bé no bụng đã ngủ, vợ Bảy Hiểu đặt con vào chiếc nôi, buông mùng chống muỗi, dùng tay khẽ đu đưa chiếc nôi nhè nhẹ. Chị nhẹ nhàng khom người bước ra cửa chòi, ánh trăng non đầu tháng sáng mờ bàng bạc, làn gió thổi nhẹ mái tóc chị xoã xuống bờ vai bay bay vấn vít ôm lấy khuôn mặt thanh tú.

Mặt nước hồ gợn sóng lao xao, dưới sàn chòi tiếng cá đớp mồi tí tách. Nồi nước nấu với nắm lá sả, lá bưởi, trái bồ kết nướng cháy vỏ phả mùi thơm nồng nàn quyến rũ, tất cả do anh chuẩn bị cho chị gội đầu. Uống xong tuần trà, anh bước ra đứng sau lưng vợ, nhẹ nhàng đưa hai tay đặt lên hai vai vợ:

- Để anh xối nước cho em gội đầu nhé.

- Anh chỉ khéo nịnh vợ- chị nhõng nhẽo quay người lại hôn nhẹ lên má anh.

Dưới ánh trăng bàng bạc lung linh, mái tóc mượt mà đen óng ánh, chị dùng hai bàn tay xoã ra thả xuống sát mí nước hồ. Anh nhẹ nhàng dùng chiếc gáo dừa múc từng gáo nước xối lên mái tóc chị, ánh trăng phản chiếu làm cho mái tóc như dòng suối long lanh chảy xuống mặt hồ.

- Nước có đủ ấm hay nguội rồi em? Hỏi thế thôi, trước lúc múc nước xối lên mái tóc vợ, anh đã dùng hai ngón tay nhúng vào nồi nước kiểm tra rồi.

- Vừa đủ ấm anh à.

Hương thơm vấn vít phả ra từ dòng suối tóc mây, tinh dầu theo dòng nước lan toả lênh loang trên mặt nước hồ.

- Anh cũng gội đi cho ấm.

- Ừ em gội xong còn nước anh sẽ gội.

- Em gội xong rồi, để em xối nước cho anh nhé.

*   *   *

Bữa tiệc mừng cu Tý đầy tháng khá thịnh soạn, những người bạn chài lưới trong hồ Dầu Phước được vợ chồng Bảy Hiểu mời dự, ai đến cũng đem theo những đặc sản họ đánh bắt được. Vợ chồng Tuyết Tuyết mang theo cặp cá lóc đen bự chảng, mỗi con nặng hơn ký lô.

Những chiếc ghe sát lại với nhau, chiếc trong cùng sát vào mí chòi, đồ ăn được bày trong những bẹ thân cây chuối cắt ra từng khúc, ghim hai đầu như chiếc ghe tí hon, cái đựng gỏi, cái đựng con cá lóc nướng trui với mớ rau sống, lá sầu đâu, muối ớt. Đồ ăn thức uống được chuyền tay từ người trên chòi đến tay từng người dưới các ghe. Bảy Hiểu đứng ở cửa chòi lên tiếng:

- Hôm nay vợ chồng tui mời anh chị em dùng bữa mừng cho gia đình tui, mừng cho cu Tý đầy tháng.

Vợ chồng Tuyết Tuyết được ưu tiên mời lên ngồi trong chòi, chị cúi người bước tới bên chiếc nôi, đưa hai tay bế đứa trẻ lên cất tiếng hỏi:

- Thế ba má đặt tên cho con là gì nào?

- Em còn chờ hỏi ý kiến hai bác đấy- vợ Bảy Hiểu lên tiếng.

- Sao phải hỏi tụi tui?- Trần Văn đang ngồi nói chuyện với Bảy Hiểu, nghe hai bà vợ ở phía trong chòi nói chuyện với nhau, anh lên tiếng hỏi lại.

- Bữa ấy, không có hai bác cứu giúp, chả biết nó có thành người không.

- Hai bác là ân nhân của cháu, việc đặt tên phải nhờ hai bác chứ- vợ Bảy Hiểu tiếp lời chồng.

- Ờ mà chúng em không có đăng ký kết hôn, cháu lại không có giấy chứng sanh, chả biết có khai sanh được không nữa.

- Chuyện ấy để sau tính, bi giờ lo làm lễ cúng quảy đi- Bảy Hiểu nhắc vợ.

  Mâm lễ cúng được đặt trịnh trọng trước sàn chòi, Bảy Hiểu quỳ gối vái lạy, miệng lầm rầm cầu khấn, khói nhang bảng lảng, ngọn đèn cầy bị gió thổi lay lắt. Gần tàn tuần nhang, Bảy Hiểu lên tiếng nhờ Tuyết Tuyết thắt chỉ cổ tay cho bé, nhờ Trần Văn đặt tên cho con trai. Trần Văn đặt ly trà trên tay xuống sàn, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ rất lung.

Trời bất chợt nổi gió ào ào, bầy chim sáo như đám mây từ trời xanh sà xuống ngọn cây da tàn dù, cơn mưa trái cây rào rào từ ngọn cây trút xuống. Mọi người ngơ ngác không hiểu chuyện gì, vô số những trái trâm chín mọng, thơm lựng nằm la liệt trên sàn chòi, sàn ghe. Tiếng người lơ lớ phát ra từ trên ngọn cây da vọng xuống “Chiến thắng! Chiến thắng”. Mọi người đều ngước mắt nhìn lên, tìm kiếm.

- Ai ở trển đó ta?

- Làm gì có người nào.

- Kỳ lạ! Hổng lẽ ma?

- Ma nào giữa ban ngày ban mặt này?

- Hôm hổm bên cù lao xỉn, giữa trưa trời trong xanh, nước trong xanh, mấy đứa tụi tui đang nhậu, bỗng nghe tiếng reo hò, ca hát rần rần ngoài mí nước, cả bọn ngưng nhậu nhìn ra, chả đứa nào nhìn thấy ai. Vậy chả phải là ma giữa ban ngày là gì?

Không để mọi người tranh luận thêm, Trần Văn đứng lên, hai tay vỗ vào nhau:

- Không phải người đâu, đó là con sáo nâu của tui đó- nói cho mọi người biết, anh vỗ tay hai cái lại nói- Xuống đây. Xuống đây nâu nâu.

Con chim sáo nâu bay xuống đậu trên vai trái Trần Văn, anh khen- Giỏi! Giỏi lắm nâu nâu. Con sáo lại lên tiếng- “Chiến thắng! Chiến thắng”. Tận mắt nhìn, tai nghe rõ con sáo nói tiếng người, ai cũng trầm trồ khen ngợi, tràng pháo tay kéo dài lốp bốp, trên ngọn cây da, bầy chim sáo cũng thi nhau hót líu lô. Chờ cho mọi người trở lại trạng thái bình thường, Trần Văn lên tiếng:

- Vậy là cu Tý đã có tên chính thức. Tên là Chiến Thắng. Họ của Chiến Thắng được ghép họ của cha và họ của mẹ. Chiến Thắng có họ tên đầy đủ là Nguyễn Trần Chiến Thắng.

Mọi người cùng vỗ tay lốp bốp, tất cả lên tiếng:

- Chúc mừng công dân Nguyễn Trần Chiến Thắng. Chúc mừng! Chúc mừng!

Vợ chồng Bảy Hiểu cùng đáp lời- Gia đình em cảm ơn hai bác, cảm ơn mọi người thật nhiều ạ.

Trên sàn chòi có bốn người, vợ chồng gia chủ, vợ chồng Tuyết Tuyết, hơn chục người ngồi tại các ghe cùng thưởng thức các món ăn đặc sản của hồ Dầu Phước. Cá lóc nướng trui cuốn lá sầu đâu chấm muối ớt, gỏi tép bông súng cuốn bánh tráng, lươn um lá mì nước cốt dừa…

Cánh đàn ông chuyền tay nhau ca đựng rượu đế, người nhận ca trước khi chuyền cho người khác phải tự uống một hớp. Bảy Hiểu và Trần Văn ở trên sàn chòi được ưu tiên một chai rượu riêng, anh rót rượu ra ba cái chén, một chén dành riêng để “mời các chiến sĩ” còn lại mỗi người một chén.

Vừa ăn uống vừa nói chuyện rất xôm tụ. Bảy Hiểu dùng hai tay nâng chén rượu lên anh trịnh trọng: “Xin mời các chiến sĩ đến nhậu mừng với tụi tôi”. Cất lời mời rồi, anh đặt chén rượu gần các món đồ ăn, lại dùng hai tay nâng chén rượu của mình lên mời Trần Văn, hai người cụng chén vào nhau trước khi uống cạn.

Anh chị em ở các ghe cùng vỗ tay, chúc mừng, vài người đứng hẳn lên nhún nhảy làm cho các ghe dập dềnh, chao qua chao lại, nước dưới hồ bắn lên tung toé. Một người nói lớn, át cả tiếng nói cười của người khác: “Anh Bảy! Anh Bảy kể lại khúc anh dìu chị lên bờ hồ, nghe tiếng súng nổ chị nhà hạ sinh hoàng tử đi anh Bảy”. Mọi người cùng hô vang khích lệ Bảy Hiểu, mặt vợ đỏ lựng chị nói như quát:

 - Không kể! Không kể, mắc cỡ thấy bà kể chi.

 - Để tui kể cho mọi người cùng nghe. Ui cha! Tui mới thấy lần đầu nha, lâm li bi đát lắm nha- Tuyết Tuyết đỡ lời.

- Thôi mà! Kể chi chị Hai, tui là tui hận tiếng súng nổ hôm hổm lắm, đến giờ tui còn chiêm bao, giật mình thon thót nè.

- Ờ mà hôm hổm, hai thằng đó nó sợ quá bỏ chạy mất súng là sao?- Bảy Hiểu lên tiếng hỏi mà không biết hỏi ai.

- Hai thằng đó không phải là nhân viên bảo vệ của công ty, mà nó là hai thằng trong băng xã hội đen đòi bảo kê, khẩu súng AR15 gãy báng tụi nó cướp của người đi đào sắt vụn…

Hoàng hôn từ từ buông xuống, ông mặt trời đã khuất hẳn sau ngọn núi Thánh, bữa tiệc cũng đã đến hồi kết thúc, mọi người chuẩn bị cho một đêm hành nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ.

Vợ chồng Bảy Hiểu lúc này mới hết ngỡ ngàng, biết rõ sự thật. Từ khi bé trai cùng cha mẹ về ở căn chòi dưới gốc cây da này, chiều chiều khi hoàng hôn buông xuống, cả hai vợ chồng nghe thấy giọng người nói trên ngọn cây da vọng xuống.

N.K.L

Tin cùng chuyên mục