Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cây mía trong phát triển chuỗi giá trị và ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh
Thứ sáu: 06:02 ngày 04/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành một số sản phẩm nông nghiệp gắn với chiến lược tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã đưa ra các con số thống kê về đóng góp của ngành đường cho ngân sách, sử dụng nguồn nhân lực… chưa đúng với những con số thực tế mà ngành đường đã thực hiện.

Thu hoạch mía bằng phương tiện cơ giới. Ảnh: Nguyễn Minh Thiện

LTS: Báo Tây Ninh vừa nhận được bài viết của ông Phan Minh Thành - một cán bộ hưu trí, hiện làm việc cho Tập đoàn Thành Thành Công (TTC). Bài viết thể hiện một góc nhìn về vấn đề quy hoạch, thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển ngành mía đường của tỉnh. Để rộng đường dư luận, Báo Tây Ninh đăng tải bài viết này một cách khách quan và mong nhận được thông tin phản hồi tích cực từ bạn đọc.

Cây mía có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trên địa bàn Tây Ninh, đây có thể nói là một trong các cây thế mạnh của tỉnh từ năm 2000, sau khi nhà máy đường Bourbon - Tây Ninh đi vào hoạt động. Tây Ninh được Trung ương đánh giá là một trong ba vùng trọng điểm trồng mía của cả nước (bao gồm Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Tây Ninh). 

Ngành mía đường tỉnh ta đã có một thời “vàng son”, và cây mía được coi là một trong những cây trồng truyền thống của nông dân với cả một vùng nguyên liệu được quy hoạch lên đến 60.000 ha. Diện tích trồng mía cao nhất (năm 2006) là 37.963 ha với ba nhà máy chế biến có công suất 14.800 tấn mía/ngày. Tây Ninh từng tự hào về cây mía khi giới thiệu với khách trong và ngoài nước cũng như đối với các bộ, ngành Trung ương.

Nay thì đã qua rồi niềm tự hào đó. Trong bối cảnh hội nhập và chịu sự chi phối, tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, giá cả luôn là động lực điều chỉnh diện tích cây trồng. Hầu hết diện tích cây trồng không ổn định, giá thu mua nông sản nào cao thì nông dân đổ xô chạy theo trồng cây đó. Vì vậy mà diện tích giữa cây mía và một số cây trồng khác luôn biến động, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các nhà máy, thậm chí có nguy cơ sẽ phải đóng cửa nếu không đủ nguyên liệu để sản xuất. Và thực tế đã chứng minh đối với cây mía ở Tây Ninh. Điều đáng lưu ý là chỉ có ngành đường Tây Ninh chủ động đầu tư cho nông dân và bảo đảm bao tiêu sản phẩm.

Trước tình hình này, Tập đoàn TTC - chủ sở hữu 3 nhà máy TTC, Biên Hoà và Nước Trong đã phải thực hiện nhiều biện pháp tổ chức và tái cơ cấu để có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh khá khốc liệt. TTC đã không ngừng hạ giá thành từ khâu trồng, chế biến để có giá thành đường tốt nhất, đồng thời đa dạng hoá sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, khó khăn, lâu dài cần phải được thường xuyên đánh giá để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách phù hợp.

Mía được đưa về chế biến ờ nhà máy đường Nước Trong (ảnh Hoàng Anh).

Tập đoàn TTC bắt đầu tái cơ cấu từ 3 năm qua - kể từ khi sở hữu nhà máy đường ở Tây Ninh. Tập đoàn kiên trì và luôn tìm kiếm các giải pháp phù hợp với diễn biến của thị trường để có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, ngành mía đường Tây Ninh đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức và có nhiều nguy cơ ngày càng thu hẹp đáng kể vùng nguyên liệu.

Gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập định hướng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cây trồng trên vùng nguyên liệu vốn dĩ trước đây là của nhà máy đường Nước Trong - thuộc sở hữu Nhà nước (đã được cổ phần hoá chuyển đổi quyền sở hữu cho Tập đoàn TTC). Trước kia, vùng nguyên liệu cho cây mía tại đây có diện tích gần 3.800 ha.

Giờ đây, đề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành một số sản phẩm nông nghiệp gắn với chiến lược tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh lại đưa ra các con số thống kê về đóng góp của ngành đường cho ngân sách, sử dụng nguồn nhân lực… chưa đúng với những con số thực tế mà ngành đường đã thực hiện.

Tỉnh đang thực hiện những giải pháp thu hẹp diện tích trồng mía, cụ thể: đến năm 2020 chỉ còn 15.000 ha, năm 2025 còn 14.800 ha và năm 2030 còn 14.500 ha. Tỉnh cũng định hướng chỉ duy trì 1 nhà máy của TTCS (nhà máy BourBon trước đây). Nguyên nhân thu hẹp diện tích trồng mía cũng như giảm công suất chế biến của các nhà máy đường (cụ thể là xoá bỏ 2 nhà máy) là do cây mía không có hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác. Điều này là không công bằng và không theo quy luật kinh tế thị trường.

Theo quan điểm của Chính phủ, tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ thay đổi diện tích cây trồng mà phải phát triển sản xuất quy mô lớn. Muốn vậy, phải tháo gỡ chính sách hạn điền vốn dĩ là một ngăn trở lớn cho sản xuất trong nông nghiệp; phải cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp hiện đại; thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân thông qua các hợp đồng sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và dịch vụ tư vấn…

Thời gian qua, Tập đoàn TTC đang nỗ lực làm việc này để không ngừng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong quá trình tái cơ cấu, TTC không chỉ đơn thuần quan tâm đến việc duy trì diện tích vùng nguyên liệu, hoạt động sản xuất như đề án đã thực hiện, mà còn chú ý đến khâu dẫn dắt của thị trường để sản xuất nên sản phẩm gì, thông qua khẩu hiệu “Chỉ sản xuất cái mà thị trường cần”.

TTC hiện có hơn 46 loại sản phẩm đường, trong đó có cả đường organic cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua thực tế, chúng tôi đã nhận thấy rằng khâu dẫn dắt thương mại chính là khâu quyết định sản xuất; và muốn bán hàng, người sản xuất phải đi ra chợ và TTC đã xuất khẩu được 89.000 tấn đường các loại.

Do đó, để giúp ngành mía đường tỉnh nhà đứng vững trong quá trình tái cơ cấu, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét một cách cẩn trọng, thấu đáo, có tính liên hệ chiến lược để tính toán định hướng phát triển cây mía hợp lý trên địa bàn tỉnh.

Như đã nói ở trên, tái cơ cấu trong thời đại hội nhập là mục tiêu sống còn. Tuy nhiên, tái cơ cấu trong nông nghiệp không phải chỉ có biện pháp duy nhất là thu hẹp diện tích cây trồng này để trồng cây khác, khi mà các loại cây trồng mới này còn nhiều điều phải bàn, từ khâu hợp đồng, hợp tác, thu mua, bảo quản, chế biến, dẫn dắt thương mại, các điểm yếu... Hầu hết các sản phẩm thuộc nhóm khuyến khích phát triển chưa cho thấy rõ nét hiệu quả sản xuất của nó, chưa xác định tính khả thi mà chỉ mang tính định hướng thăm dò.

Vì thế, nên chăng Nhà nước chỉ tập trung cho khâu định hướng giải quyết các chính sách, trong đó đi đầu là chính sách hạn điền để "cởi trói" giúp các doanh nghiệp tiến đến đầu tư cho cánh đồng mẫu lớn. Còn quy hoạch diện tích là trách nhiệm của nhà đầu tư sau khi họ tìm thấy được tín hiệu của thị trường để dẫn dắt họ bắt đầu thực hiện các liên kết và định đoạt quy mô khi bắt tay vào sản xuất. Trong thực tế, muốn có hiệu quả sản xuất - kinh doanh, không một nhà đầu tư lớn nào mà không tìm cách liên kết đủ 4 nhà.

Cơ giới hoá trong thu hoạch mía (ảnh Hoàng Anh).

Tóm lại, việc tái cơ cấu trong nông nghiệp là cần thiết. Nhưng tái cơ cấu mà chỉ chú ý khâu nguyên liệu dưới hình thức giảm diện tích cây trồng này để tăng diện tích cho cây trồng khác, nhất là những cây không phải thế mạnh, truyền thống theo sự phân công lao động xã hội của mỗi địa phương, mỗi vùng và đã được đầu tư bài bản, thực hiện đầy đủ hợp đồng hợp tác, thu mua, có cả cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ và nhất là đã bảo đảm đem lại thu nhập cho hàng vạn lao động trong nhiều năm qua để chạy theo “đơn đặt hàng” của cái mới, tính bền vững chưa rõ nét, thì theo chúng tôi, việc thực hiện tái cơ cấu đó cần được xem lại.

Phan Minh Thành

Tin cùng chuyên mục