Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Câu chuyện cuối tuần
Cây tăm - không phải là chuyện nhỏ
Thứ sáu: 17:38 ngày 02/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tăm, là dụng cụ làm sạch răng hoặc để đưa thức ăn vào miệng, xuất hiện lâu đời nhất trong tất cả các nền văn hoá của loài người. Trước khi bàn chải đánh răng ra đời, tăm có chức năng như một dụng cụ nha khoa.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những cây tăm bằng đồng, bạc trong các ngôi mộ thời tiền sử ở miền Bắc nước Ý, ở dãy Ðông Alps và vùng Lưỡng Hà (1). Ðến thế kỷ 17, tăm còn được làm bằng kim loại quý và đá đắt tiền, được các nghệ nhân chế tác tỉ mỉ, cách điệu và tráng men nghệ thuật, trở thành một thứ đồ dùng cao cấp và có giá trị tương đương như một món đồ trang sức quý giá.

Ðó là cây tăm của giới quý tộc, của các nhà quyền thế và những người giàu. Người nghèo ngày xưa cũng biết xỉa răng, nhưng tăm của họ được làm bằng tre, trúc, cây phong, xương động vật hoặc các loại gỗ thích hợp…

Hiện nay, ở Việt Nam ta, cây tăm vẫn được dùng phổ biến để làm sạch răng, tuy nhiên không phải ai cũng để ý đến vấn đề văn hoá và vệ sinh khi xỉa răng. Nhiều người không biết che miệng khi xỉa răng, thậm chí còn hay phun bừa chất bám răng xuống sàn nhà! Không ít người uống nước (hoặc uống trà) khi còn ngậm cây tăm trong miệng, vừa tạo ra một “hình ảnh không đẹp”, vừa có nguy cơ… uống luôn cây tăm.

Cũng không ít người đi ăn phở, cơm tấm, sau khi xỉa răng, thuận tay vứt luôn cây tăm vào tô, đĩa thức ăn còn thừa. Có người xỉa răng xong cứ ngậm luôn cây tăm mà đi về nhà, có lẽ để khoe rằng “tui vừa ăn sáng xong đây bà con”! Lại có người vừa ngậm tăm vừa trò chuyện với người đối diện, trông ghê ghê gớm gớm thế nào.

Cũng có người ăn cơm xong, lên giường hoặc võng nằm xỉa răng, ngậm tăm trong miệng rồi ngủ quên đi, đã có trường hợp nuốt tăm vào bụng…

***

Ở các nhà hàng ăn uống tại Seoul (Hàn Quốc) hiện nay, người ta không bày hũ (ống, bịch, hộp) tăm trên bàn ăn nữa mà đặt tại quầy thu ngân, thực khách ăn xong đến quầy thu ngân trả tiền cho bữa ăn, ai có nhu cầu xỉa răng thì tự lấy một vài chiếc tăm tại quầy rồi đi ra cửa luôn. Ðiều làm nhiều du khách Việt Nam ngạc nhiên là không thấy cây tăm bằng tre, gỗ (loại tăm ta quen dùng) mà chỉ thấy toàn tăm làm bằng một thứ chất dẻo có màu xanh lá.

Trên đường về khách sạn, có du khách đem “những điều trông thấy” về “cây tăm Seoul” hỏi hướng dẫn viên người Hàn gốc Việt, chị giải thích như sau: cũng giống như ở Việt Nam ta, người Hàn Quốc thường dùng thức ăn thừa để nuôi gia súc. Trước đây, các nhà hàng cũng để tăm tre, gỗ tại bàn ăn.

Một số khách ăn xong, xỉa răng và tiện tay vứt cây tăm vào các đĩa, tô thức ăn thừa, hậu quả là nhiều gia súc đã chết vì bị tăm tre, gỗ đâm thủng bao tử, ruột non. Do vậy mà có quy định từ chính quyền: các nhà hàng không để tăm tại bàn ăn, mà để tại quầy tính tiền. Sau đó, người ta thống kê hằng năm thấy gia súc chết (do nuốt phải những cây tăm tre, gỗ) ít hơn trước rất nhiều.

Ðể cho cây tăm xỉa răng có tầm vóc văn hoá hơn nữa, người Hàn Quốc đã ứng dụng công nghệ Oobleck (2) sản xuất ra cây tăm bằng bột bắp (ngô) có màu xanh lá như nói ở trên. Mục đích: Một là, không làm hỏng men chân răng, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào răng miệng (nếu dùng tăm tre).

Hai là, tránh nguy hiểm cho con người và gia súc vì nuốt, ăn, giẫm phải cây tăm tre, gỗ chuốt nhọn. Ba là, góp phần vào việc bảo vệ rừng, gìn giữ và phát triển bền vững màu xanh cho hành tinh.

Rất khoa học, rất nhân văn! Phải không, thưa bạn đọc?

THIÊN HẠ

-------------

(1) Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

(2) Hỗn hợp bột ngô (bắp) và nước tạo ra loại dung dịch dẻo rắn, gọi là chất lỏng hoá­­ rắn Oobleck, khoa học gọi là loại “chất lỏng phi Newton”.

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh