Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vướng mắc dẫn đến việc chậm, hoặc không giao được tài sản đã bán đấu giá thành cho người trúng đấu giá, thi hành án, không khỏi gây bức xúc cho người mua tài sản và làm giảm uy tín, niềm tin của nhân dân với cơ quan Nhà nước nói chung, cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng.
Cục trưởng Cục THA Tây Ninh Lê Văn Tiễn phát biểu tại phiên giải trình.
Mới đây, Thường trực HÐND tỉnh tổ chức phiên giải trình đối với Cục Thi hành án dân sự (THA) và các ngành có liên quan về vấn đề chậm giao tài sản phải thi hành án.
Kết quả khảo sát của HÐND tỉnh cho thấy, thời gian qua, việc thi hành giao tài sản bán đấu giá trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; giải quyết số lượng án tồn đọng ở các cơ quan Thi hành án dân sự, rút ngắn thời gian thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Nhưng bên cạnh đó, còn không ít khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc chậm, hoặc không giao được tài sản đã bán đấu giá thành cho người trúng đấu giá, thi hành án, không khỏi gây bức xúc cho người mua tài sản và làm giảm uy tín, niềm tin của nhân dân với cơ quan Nhà nước nói chung, cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng.
26,4% do chấp hành viên
4 tháng đầu năm 2018, THA toàn tỉnh đã tổ chức kê biên, bán đấu giá 567 vụ, với tổng số tiền gần 357 tỷ đồng. Số vụ việc kê biên, đưa ra bán đấu giá nhưng chưa bán được tài sản là 218/567 vụ, chiếm 38,4%; việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao 5 vụ; bán đấu giá thành nhưng chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá 19 vụ, chiếm 5,44%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá như: sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ của chấp hành viên (có 5/19 vụ, chiếm 26,4%).
Trong đó, các sai sót cụ thể như: kê biên diện tích thực tế mà người phải thi hành án đang sử dụng nhiều hơn diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kê biên không hết số tài sản hiện hữu trên đất; không trích lục sơ đồ hiện trạng đất, không khảo sát thực tế khi kê biên, chỉ căn cứ giấy CNQSDÐ; quá trình lập hồ sơ bán đấu giá, chấp hành viên sử dụng chứng thư thẩm định giá của đơn vị chưa có giấy phép hoạt động trên địa bàn và chấp hành viên thay đổi địa bàn. Ðây là những vụ việc có giá trị tài sản lớn, gây bức xúc trong dư luận, dễ dẫn đến việc người được thi hành án yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác, như có 7/19 vụ đương sự chống đối nên chậm THA, chiếm 36,8%, các vụ việc này sẽ tiến hành cưỡng chế, ngành Thi hành án dân sự đang chờ sự phối hợp của ngành Công an. 7/19 vụ còn lại chậm THA do chưa thống nhất giữa các cơ quan có liên quan trong áp dụng pháp luật, chiếm 36,8%.
Ðó là các trường hợp: tài sản bán đấu giá xong thì Toà án cấp cao huỷ án, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự chưa đồng thuận cho cơ quan Thi hành án giao tài sản, Viện Kiểm sát chưa đồng thuận việc giao tài sản bán đấu giá, huỷ kết quả bán đấu giá.
Công tác phối hợp chưa “ăn ý”
Công tác phối hợp THADS giữa các cơ quan hữu quan còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Bởi lẽ, việc phối hợp đôi lúc còn phụ thuộc vào kế hoạch công tác của các đơn vị có liên quan. Ðiển hình như ngành Tài nguyên - Môi trường, hiện chưa có quy chế phối hợp giữa Thi hành án dân sự với ngành Tài nguyên - Môi trường, trong khi hầu hết các hoạt động kê biên tài sản đều cần đến sự phối hợp của ngành Tài nguyên - Môi trường. Có nhiều trường hợp chậm tổ chức đấu giá do Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin không kịp thời cho việc kê biên tài sản.
Với ngành Công an, việc phối hợp trong cưỡng chế thi hành án còn bị động, do chờ phía Công an sắp xếp lịch bố trí lực lượng tham gia. Có những trường hợp ngành Thi hành án có văn bản đề nghị phối hợp cưỡng chế, ngành Công an lại có văn bản yêu cầu hoãn để tạo điều kiện cho 2 bên thoả thuận, hướng dẫn, giải thích quy định của pháp luật. Việc thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa phối hợp được, do ngành Công an có văn bản chỉ đạo không tham gia cùng ngành Thi hành án trong thực hiện biện pháp này.
Việc phối hợp với ngành Ngân hàng cũng gặp khó khăn khi thực hiện Nghị Quyết 42 của Quốc hội thí điểm xử lý nợ xấu do chưa có hướng dẫn rõ hoạt động thi hành án trong xử lý nợ xấu, dẫn đến khâu thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án trong xử lý nợ xấu ngân hàng chưa hiệu quả và còn lúng túng.
Cơ quan chức năng nói gì ?
Theo Ðại tá Phạm Văn Cao- Phó Giám đốc Công an tỉnh, có những vụ Công an không tham gia là do chấp hành viên sai sót mà Công an tham gia vào là sai theo. Do vậy, ông cho rằng, muốn THA tốt phải chọn chấp hành viên “có tâm, có tầm”. Một số vụ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng không giao Công an nên Công an không tham gia được. “Ðề nghị những vụ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, THA phải giao bằng văn bản, Công an mới tham gia được”- Ðại tá Cao nói.
Ông Bùi Ðức Xuân- Chánh án Toà án nhân dân tỉnh cho biết, hiện nay có những quy định mới, quyền xét xử lại thuộc Toà án cấp cao. Ở Tây Ninh hiện có khoảng 10 vụ Toà tỉnh xét thấy Toà huyện xử sai, nhưng kiến nghị lên Toà án nhân dân tối cao hơn 2 năm nay chưa xét xử lại. Từ đó cũng dẫn đến việc chậm thi hành án.
Ông Nguyễn Văn Vũ- Phó Giám đốc Sở Tư pháp chia sẻ, ở tỉnh ta có 8 tổ chức bán đấu giá tài sản đang hoạt động, trong đó có một trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp. Hiện tại, còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc bán đấu giá tài sản. Thời gian tới, THA và Viện Kiểm sát tỉnh sẽ bàn bạc thêm, xem xét trách nhiệm của từng bên để công tác bán đấu giá tài sản hiệu quả hơn.
Ðối với những vấn đề đã đặt ra, nhất là với những hạn chế, Cục trưởng Cục THA Tây Ninh Lê Văn Tiễn nhận trách nhiệm và hứa sẽ có lộ trình giải quyết. Theo ông Tiễn, nhìn chung, công tác phối hợp giữa THA với các ngành chức năng trong thời gian qua có một vài “trục trặc” nhưng thuộc lỗi kỹ thuật, có thể khắc phục được.
Ông Tiễn nhìn nhận, hiện có một số quy chế cần phải bổ sung, sửa đổi để phù hợp với những quy chế cấp trên thay đổi. Mặt khác, muốn thay đổi chất lượng hoạt động THA phải thay đổi từ đội ngũ cán bộ. Ông Tiễn cho biết thêm, toàn bộ hoạt động của THA đều được sự giám sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát.
Phát biểu tại phiên giải trình, ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Ban Pháp chế HÐND tỉnh đề nghị ngành THA chú trọng công tác phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng.
Qua thực tế cho thấy có hơn 90% vụ việc THA có liên quan đến đất đai. Vấn đề trùng thửa, lộn thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng cần có sự thống nhất để cấp dưới thực hiện hiệu quả. Việc chậm THA còn liên quan đến chất lượng bản án.
“Như có vụ tranh chấp, Toà tuyên án phải di dời cây cao su trên đất. Cây cao su trồng trên đất làm sao di dời được? Sao Toà không tuyên án tự khắc phục cây cao su trồng trên đất. Chính vì bản án như thế, nên vụ việc kéo dài hơn 10 năm nay chưa giải quyết được”, ông Thái dẫn chứng.
Ông còn chỉ ra, hiện nay, ở tỉnh ta có tới hơn 26% vụ không giao tài sản bán đấu giá thành được là do sai phạm của chấp hành viên. Ngành THA đã xử lý các cán bộ sai phạm, nhưng chưa kịp thời, chưa nghiêm. “Cần xử lý mạnh hơn nữa mới nâng cao ý thức của cán bộ và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật”- ông Thái đề nghị.
Thi hành án một vụ trồng cây trên đất bao chiếm trái phép ở huyện Tân Châu.
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đánh giá, những vụ việc chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua. Nguyên nhân chủ quan là do năng lực của chấp hành viên còn hạn chế.
Trong khi đó, việc xem xét, xử lý sai phạm đối với trường hợp chấp hành viên vi phạm chưa kịp thời, chưa nghiêm túc. Chủ tịch HÐND tỉnh chỉ đạo HÐND tỉnh tiếp tục giám sát việc chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Ông đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm ký kết quy chế phối hợp với THA, chỉ đạo ngành Công an làm tốt chức năng phối hợp và xem xét trách nhiệm các bên có liên quan làm chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân đối với THA.
Trường Sơn