Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chính quyền các cấp:
Chăm lo tốt cho nhiều đối tượng
Thứ sáu: 06:26 ngày 11/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong năm 2018, vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” được hơn 7 tỷ đồng, qua đó, xây mới 116 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 141 căn nhà tình nghĩa khác. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số, người nghèo luôn được chú trọng; các chính sách về y tế, giáo dục v.v… luôn được các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: Tâm Giang

Thỉnh thoảng lên cơn khó thở, ông Nguyễn Thanh Long- 69 tuổi, ngụ khu phố Ninh Lợi, phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh phải mở máy phun khí dung, chụp mặt nạ vào mũi. Ông bảo: “May là nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, nếu không, với tình trạng sức khoẻ hiện nay, tôi chưa biết phải xoay xở cuộc sống ra sao”.

Nhiều đối tượng được quan tâm

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Thanh Long từng vào sinh ra tử ở các chiến trường miền Tây, miền Đông Nam bộ khốc liệt. Khi hoà bình, thống nhất, ông trở về quê nhà với một miểng bom ghim sâu trong lồng ngực. Vì miểng bom nằm ở vị trí nguy hiểm nên bao năm qua, không thể phẫu thuật lấy ra được, sức khoẻ ông bị ảnh hưởng rất nhiều.

Những năm đầu mới xuất ngũ, ông trở về địa phương làm Xã đội trưởng xã Ninh Thạnh (cũ, nay là phường Ninh Thạnh). Mấy năm gần đây, tuổi cao, sức yếu, ông nghỉ việc, lại bị bệnh tim, tràn dịch màng phổi, tắc nghẽn mạch máu. Hằng ngày, ông thường ngồi trên chiếc ghế bố đặt trong nhà. Bên cạnh ông là chiếc máy phun khí dung. Khi nào nghe khó thở, ông bảo vợ đổ thuốc vào ống, mở máy phun khí dung một lúc mới qua cơn được.

Vợ chồng ông Long có 4 người con. Đến nay, các con của ông đều đã lớn. Hai người con gái đã gả chồng, còn lại 2 con trai thì 1 người bị tai biến, không còn khả năng lao động, người con trai út gánh vác hết mọi việc gia đình. Anh này làm thợ hồ, tiền công ba cọc ba đồng, cũng chỉ đủ nuôi vợ con và trang trải trong cuộc sống. Hai vợ chồng ông Long không có ruộng, nghề nghiệp, không có nguồn thu nhập nào khác ngoài lương hưu, chế độ thương binh bậc 3/4 với số tiền hơn 1 triệu đồng/tháng và chế độ thương binh không có khả năng tự phục vụ hơn 400.000 đồng.

Ông Long kể, trước đây vợ chồng con cái ông ở trong căn nhà tôn, vách ván xiêu vẹo. Năm 2012, gia đình được chính quyền địa phương tặng căn nhà tình nghĩa này. Nhờ vậy mà có nơi trú ngụ khang trang, sạch sẽ. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7, những dịp lễ, tết đều được quan tâm. “Tôi rất mừng khi được Đảng và Nhà nước quan tâm tốt như thế”- ông Long nói.

Gia đình bà Hồ Thị Điệp, 66 tuổi, thuộc diện cận nghèo ở khu phố Ninh Phúc, phường Ninh Thạnh cũng cảm thấy ấm lòng trước sự quan tâm của chính quyền địa phương. Lẽ ra, đã cao niên, bà phải được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hằng ngày bà Điệp phải đi làm nhiều việc để kiếm tiền nuôi hai đứa cháu ngoại. Bà lãnh việc quét dọn văn phòng khu phố Ninh Phúc, rồi bán bảo hiểm y tế cho người dân trong khu phố. Ngoài ra, bà Điệp còn đảm nhận vai trò Chi hội phó Chi hội Nông dân khu phố, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố, làm Tổ trưởng tổ vay vốn...v.v…

Chồng bà Điệp- ông Mai Ngọc Tuyến, 67 tuổi, hơn 20 năm nay kiếm sống bằng nghề nhặt củi cao su. Hằng ngày, ông chạy chiếc Cub “cánh én” cà tàng vào các vườn cao su trong phường, tìm nhặt những cành củi khô rơi rụng. Sau đó, ông cưa nhánh cao su ra từng đoạn ngắn, bó lại thành những bó củi nhỏ. Những khúc củi to, ông chở về nhà, chẻ ra thành nhiều miếng nhỏ, phơi khô, bó lại và đem ra chợ bỏ mối hoặc bán cho những quán nấu bánh canh, hủ tiếu.

Trung bình mỗi ngày, ông kiếm được từ 50.000 - 100.000 đồng. Trừ chi phí xăng nhớt, sửa chữa xe cộ, ông cũng còn được vài chục ngàn. Vợ chồng bà Điệp có 3 người con gái, đã lớn và gả chồng. Hai vợ chồng người con gái đầu lòng đều mắc bệnh, sớm qua đời, để lại cho vợ chồng bà Điệp 2 đứa cháu nhỏ dại. Chính vì thế, gần 20 năm qua, hai vợ chồng bà Điệp không một ngày ngơi nghỉ.

Lúc nào cũng tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập trang trải gia đình và nuôi hai đứa cháu. Đến nay, đứa lớn đã là sinh viên năm nhất Trường cao đẳng Sư phạm, đứa nhỏ học lớp 8. Bà Điệp bộc bạch: “Những năm qua, nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện bằng cách giao cho nhiều việc để làm, từ đó có thêm chút ít tiền nuôi gia đình và nuôi hai đứa cháu. Thấy lãnh đạo xã quan tâm, hai vợ chồng tôi cũng có thêm động lực, cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.

Lễ trao tặng nhà tình thương cho hộ nghèo ở huyện Dương Minh Châu.

Ở tận miền biên giới xa xôi thuộc ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, anh Thạch Thành Lợi, 36 tuổi, người dân tộc Khmer cũng thấy ấm lòng vì nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương mà gia đình anh vươn lên thoát nghèo. Những năm trước đây, gia đình anh Lợi thuộc diện nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương. Vợ chồng anh không có ruộng vườn, nghề nghiệp ổn định, nên chỉ biết “nai lưng” ra làm thuê, làm mướn cho bà con trong xóm, kiếm tiền nuôi hai đứa con.

Năm 2015, anh được chính quyền địa phương giúp đỡ bằng cách cho vay không lãi suất 30 triệu đồng để mua 3 con bò cái đem về nhà nuôi. Sau một thời gian chăm sóc, những con bò của anh đã lớn và lần lượt sinh được 4 con bê khác. Anh tiếp tục nuôi lớn và bán hết cả đàn. Số tiền thu được từ đàn bò, anh dùng trả vốn vay và thuê 4 ha đất trồng mì. Vụ mì vừa qua trúng mùa, được giá nên anh kiếm được một số tiền khá lớn.

Hiện nay, người đàn ông này vẫn tiếp tục canh tác cây mì trên phần đất thuê. Anh Lợi chậm rãi kể: “Một phần nhờ sự phấn đấu của bản thân, nhưng nhờ chính quyền quan tâm, hỗ trợ vốn chăn nuôi sản xuất. Chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm”.

Chăm lo về mọi mặt

Ông Nguyễn Hoà Bình- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết, để đồng bào có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, hằng năm, Ngân hàng CSXH và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai cho đồng bào được vay các nguồn vốn với lãi suất thấp, như Chương trình quốc gia giải quyết việc làm, các nguồn vốn do các hội, đoàn thể của huyện thực hiện.

Đến nay, đa số các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đều được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, hằng năm, huyện còn thực hiện nhiều hoạt động khác, như cấp thẻ BHYT người dân tộc, người nghèo, tiếp nhận quà từ các đoàn từ thiện, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện để trao tặng cho các đối tượng cần giúp đỡ.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số, người nghèo luôn được chú trọng. Các chính sách về y tế, giáo dục v.v… luôn được UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện, và đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Văn Vy- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh cho hay, ngay từ đầu năm 2018, Uỷ ban MTTQVN tỉnh đã có nhiều kế hoạch chăm lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, như Ban Vận động tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch trong năm với chỉ tiêu vận động toàn tỉnh là 12 tỷ đồng; chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các huyện, thành phố tổ chức vận động Quỹ “Vì người nghèo”; thực hiện công tác an sinh xã hội; chăm lo cho người nghèo trong dịp tết nguyên đán; thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Kết quả, trong năm 2018, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động được hơn 33 tỷ đồng, đạt 276,45% so với chỉ tiêu (12 tỷ đồng). Trên cơ sở đó, Mặt trận các cấp tổ chức xây tặng 964 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ban Vận động huyện, xã xây tặng 322 căn nhà và sửa 63 căn nhà khác cho người nghèo.

Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh tiếp tục hỗ trợ 329 con trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp hỗ trợ 1.668 suất học bổng cho học sinh trị giá gần 1,7 tỷ đồng. “MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền vận động, chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách trong thực hiện Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, và Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 11.4.2018 của Tỉnh uỷ về tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020”- ông Vy khẳng định.

Bà Hồ Thị Điệp được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho làm nhiều việc để kiếm tiền nuôi hai đứa cháu ngoại mồ côi cha mẹ.

Về góc độ an sinh xã hội người nghèo, gia đình chính sách, ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cung cấp thêm thông tin, trong năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đã hoàn thành tốt nhiều chương trình, như giải quyết việc làm tăng thêm cho gần 20 ngàn lao động, đạt 117% chỉ tiêu được UBND tỉnh giao. Đào tạo nghề lao động nông thôn, toàn ngành tổ chức được 151 lớp với hơn 4,7 ngàn lượt học viên, đạt 103% so với kế hoạch.

Đặc biệt, nét mới trong công tác đào tạo nghề lao động nông thôn năm nay là tập trung đào tạo nghề theo nhu cầu và gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Đào tạo chậm, chắc và bảo đảm sau khi học nghề, người dân có được việc làm. Đối với chính sách người có công, hiện nay toàn ngành đang quản lý, chi trả hằng tháng cho hơn 10 ngàn đối tượng, với kinh phí hơn 186 tỷ đồng.

Trong năm 2018, vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” được hơn 7 tỷ đồng. Qua đó, xây mới 116 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 141 căn nhà tình nghĩa khác- những căn nhà đã xây dựng hơn 10 năm, nay đã xuống cấp.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh