Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chăm sóc an toàn cho trẻ sau Covid-19
Thứ sáu: 07:59 ngày 01/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau thời gian dài phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ giữa tháng 2.2022, các trường tiểu học, mẫu giáo mở cửa cho các em trở lại học trực tiếp.

Bác sĩ thăm khám trẻ đang điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Tây Ninh.

Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng phụ huynh cũng cần chủ động hỗ trợ cho học sinh chuẩn bị tốt về thể lực và các biện pháp phòng, chống dịch để các em được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn trong thời gian học tại trường.

Chăm sóc trẻ an toàn

Sau khi trường học tổ chức cho học sinh học trực tiếp, số ca mắc Covid-19 cũng tăng cao, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 12 tuổi khi chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Nhiều gia đình lo lắng cho con em mắc Covid-19, dù không nặng nhưng vẫn đưa con vào bệnh viện để được chăm sóc, theo dõi. Số gia đình khác cho con ở nhà để chăm sóc con tốt hơn.

Chị Phan Thanh Hoa (34 tuổi, ngụ phường 2, TP. Tây Ninh) có con gái 11 tuổi bị mắc Covid-19 trong thời gian học trực tiếp tại trường. Sau 10 ngày điều trị tại nhà, con chị có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, tuy nhiên, các triệu chứng hậu Covid-19 vẫn còn âm ỉ: “Từ ngày khỏi bệnh, chứng ho và chóng mặt vẫn còn kéo dài, sức khoẻ cháu sa sút, ảnh hưởng đến sức khoẻ và việc học, tôi lo lắng nhiều hơn khi con tiếp tục đến trường mà vẫn chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Tôi đã đưa con gái đi khám và điều trị ở bệnh viện. Hy vọng sức khoẻ cháu ổn định để tiếp tục đến trường”, chị Hoa nói.

Ngay từ khi tổ chức cho học sinh học trực tiếp, các trường học đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 với các phương án, kịch bản để xử lý tình huống khi có ca F0 hoặc dịch bệnh lây lan phù hợp với tình hình thực tế của trường, đồng thời bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Trường tiểu học Tân Phú A (xã Tân Phú, huyện Tân Châu) là trường đầu tiên thí điểm mô hình “Mỗi xã một trường tiểu học” trên địa bàn huyện Tân Châu từ tháng 7.2021. Ngoài 27 lớp với hơn 820 học sinh, trường còn có 6 điểm trường tại 6 ấp trên địa bàn xã.

Giáo viên, học sinh trong giờ học trực tiếp tại Trường Tiểu học Tân Phú A (xã Tân Phú, huyện Tân Châu).

Bên cạnh công tác phòng dịch, nhà trường lên kế hoạch học tập chi tiết cho nhiều học sinh. Cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện trường có 9 em mắc Covid-19, để bảo đảm việc học cũng như sức khoẻ cho các em, trong thời gian cách ly, giáo viên tổ chức giao bài tập qua nhóm Zalo, sau đó chụp ảnh nộp lại qua Zalo, nhưng không hối thúc học sinh làm bài.

Đối với những giáo viên mắc Covid-19, nhà trường phân công giáo viên còn lại dạy thay thế”. Cô Thuỷ cho biết thêm, hiện nhà trường tổ chức học 2 buổi cho hơn 90% học sinh học trực tiếp, không tổ chức bán trú cũng như dừng việc bán thức ăn trong căn-tin trường học. Trước đó, nhà trường đã triển khai lấy ý kiến cha mẹ học sinh về việc này và có hơn 90% phụ huynh đồng tình.

“Điều chúng tôi lo lắng nhất là các em cấp tiểu học vẫn chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Vì vậy, các em cần được quan tâm và giám sát chặt chẽ hơn, gia đình nên chuẩn bị đầy đủ kiến thức và biện pháp phòng, chống dịch khi cho con em trở lại trường học, đặc biệt là 10 điều trẻ cần làm tại nhà mỗi ngày để phòng, chống dịch Covid-19 và bệnh lây qua đường hô hấp. Để học sinh trở lại trường an toàn, trước hết mỗi gia đình phải thực sự an toàn, sau đó là các phương án chống dịch ở nhà trường”, cô Thủy chia sẻ.

Gia đình không nên chủ quan

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có trên 160.480/200.477 em từ mầm non đến trung học cơ sở đang học trực tiếp tại trường và các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, số còn lại học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tập tại nhà. So với thời gian đầu, tổng số học sinh đến trường học trực tiếp tăng đáng kể. Đây là tín hiệu khả quan không riêng ngành Giáo dục mà còn đối với ngành Y tế tỉnh nhà sau thời gian phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo bác sĩ Võ Thị Ánh Hà- Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, việc cần nhất để bảo đảm an toàn cho trẻ là ở ba công đoạn: “ở nhà, trên đường đi và tại trường học”. Trong đó, ở nhà quan trọng nhất, bởi mỗi gia đình có một lối sống khác nhau, cách thức phòng, chống dịch cũng khác nhau.

Tuy nhiên, cha mẹ học sinh cũng không nên trầm trọng hoá vấn đề khiến các em lo lắng, mà phải hướng dẫn cho các em hiểu rằng đó là những kỹ năng, cách thức để bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh như việc đeo khẩu trang hay rửa tay thường xuyên…

Cha mẹ học sinh không nên có cảm giác lo sợ về dịch bệnh khiến tâm lý bất an, mà hãy tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ thật tốt.

Bác sĩ Hà cho biết thêm, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhưng chúng ta không nên chủ quan, mà phải thận trọng. Ngành Y tế đã cung cấp các kiến thức cần thiết cho cha mẹ học sinh và các cơ sở giáo dục. Phía nhà trường cũng cung cấp đầy đủ các kiến thức phòng dịch cho học sinh, đồng thời hướng dẫn các em biện pháp phòng dịch đúng, đầy đủ, để các em đến trường vui khoẻ, an toàn, như: thường xuyên rửa tay, mang khẩu trang, hạn chế tập trung nói chuyện với nhau, thực hiện 5K...

“Người lớn trong gia đình cần tuân thủ 5K, tiêm vaccine đầy đủ để giảm thiểu sự lây lan dịch cho các em học sinh. Cha mẹ học sinh không nên có cảm giác lo sợ về dịch khiến tâm lý bất an, mà hãy tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ thật tốt”- bác sĩ Ánh Hà nhấn mạnh.

Không chỉ dạy trẻ những kiến thức, kỹ năng và thói quen lành mạnh, gia đình cần bảo đảm dinh dưỡng cho các em thật tốt. Bởi một hệ miễn dịch khoẻ mạnh giúp các em phát triển tốt nhất, chống lại cảm lạnh, cúm và các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác.

“Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào như sốt, nghẹt mũi, đau họng hoặc ho, cha mẹ không nên cho con đến trường mà cần thực hiện các hướng dẫn của y tế địa phương về việc tự cách ly, điều trị tại nhà. Thực sự tất cả những trẻ chưa tiêm vaccine khiến chúng tôi lo lắng nhiều hơn. Tuy nhiên, đối với những trẻ đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng không nên chủ quan.

Mặc dù đã tiêm vaccine có thể giảm triệu chứng nặng, lướt nhanh những giai đoạn của bệnh, nhưng thực sự vaccine chỉ là một phần, chúng ta cần thực hiện những biện pháp phòng bệnh mới là chủ yếu trong giai đoạn hiện nay”, bác sĩ Hà nói.

“Covid-19 đã tác động không nhỏ tới việc dạy và học của Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn quan tâm đến con trẻ nhiều hơn để có những phương pháp hỗ trợ cho trẻ kịp thời và đúng cách nhất. Luôn khuyến khích con học tập, trở thành bạn thân thiết của con để chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong học tập. Hãy học cùng con, chơi cùng con và giúp con quay lại trường lớp sau dịch bệnh một cách thoải mái, an toàn và khoẻ mạnh nhất”- bác sĩ Hà bày tỏ.

Những việc trẻ em cần làm tại nhà mỗi ngày để phòng, chống dịch Covid-19 và bệnh lây qua đường hô hấp: rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi; không đưa tay lên mắt, mũi miệng; không dùng chung các đồ dùng cá nhân với người khác; không khạc, nhổ bừa bãi; không tụ tập đông người trong các giờ nghỉ giữa giờ, giờ ra chơi; đeo khẩu trang đúng cách; tránh kỳ thị, xa lánh hay trêu chọc bạn bè; bỏ rác đúng nơi quy định.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục