Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chậm thi hành án, có phải vì… vướng luật ?
Thứ sáu: 20:11 ngày 01/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Nguyễn Văn Minh, ngụ ấp Tân Trung, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh là người được thi hành án trong vụ án “xin ly hôn” giữa ông và vợ ông là bà Phan Thị Ánh Sương vào năm 2015. Tuy nhiên, từ bấy đến nay, dù ông có đơn yêu cầu thi hành án gửi các cấp có thẩm quyền, vụ việc vẫn giẫm chân tại chỗ.

VƯỚNG KHÂU NÀO?

Theo bản án, ngoài các nội dung phân chia về tài sản, toà tuyên bà Sương có nghĩa vụ giao cho ông Minh số tiền chênh lệch chia tài sản chung trên 178 triệu đồng.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Minh làm đơn yêu cầu thi hành án và đơn yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án gửi Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Tây Ninh.

Chi cục THADS Thành phố cũng đã ra quyết định thi hành án. Do bà Sương không tự nguyện thi hành, Chi cục THADS Thành phố ra quyết định cưỡng chế chuyển giao tài sản của bà Sương là QSDÐ thuộc thửa số 87, tờ bản đồ số 19, toạ lạc tại ấp Tân Trung, xã Tân Bình với diện tích 8.709m2. Sau đó, Chi cục THADS Thành phố đã thông báo đến bà Sương về nội dung cưỡng chế, thời gian vào lúc 8 giờ ngày 14.6.2016. Tuy nhiên, đến thời điểm ấn định cưỡng chế, Chi cục THADS Thành phố lại không thực hiện được.

Tiếp theo đó hơn 4 tháng, ông Minh nhiều lần liên hệ với chấp hành viên yêu cầu thi hành án, nhưng chấp hành viên đã viện dẫn nhiều lý do như: người phải thi hành án bị bệnh, rồi sau đó lại chờ qua tết trung thu, chờ tổng kết năm, chờ cơ quan công an... để không thi hành án. Ngày 20.10.2016, ông Minh viết đơn gửi Thành uỷ, UBND Thành phố, Cục THADS tỉnh, Chi cục THADS Thành phố khiếu nại việc chậm thi hành án kể trên.

Nhận được đơn khiếu nại của ông Minh, ngày 28.10.2016, Văn phòng Thành uỷ có Công văn số 319-CV/VPTU gửi Chi cục THADS Thành phố “truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thành uỷ” yêu cầu Chi cục THADS Thành phố xem xét giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo Thường trực Thành uỷ kết quả giải quyết vụ việc chậm nhất là ngày 28.11.2016.

Tuy nhiên, cho đến nay việc được thi hành án của ông Minh vẫn giẫm chân tại chỗ. Chỉ có điều hơi khác là, vụ việc thi hành án của ông Minh đã được giao lại cho một chấp hành viên khác. Ðược biết, đối với vụ việc này, TAND cấp cao tại TP.HCM có công văn yêu cầu hoãn thi hành án 3 tháng (từ ngày 13.3.2017 đến ngày 13.6.2017). Và, đến khi hết thời gian hoãn, việc thực hiện quyết định cưỡng chế giao quyền sử dụng đất cho ông Minh vẫn tiếp tục… được hoãn cho đến nay.

Gần đây, ngày 11.7.2017, ông Minh viết đơn kêu cứu đến Chủ tịch HÐND thành phố Tây Ninh. Trong đơn, ông Minh bức xúc cho biết, sau khi ly hôn “Tôi phải đi nơi khác sống, không có nơi ăn chốn ở với hai bàn tay trắng… Hiện tại tôi không có chỗ ở, không có đất sản xuất, không có công ăn việc làm, bị bệnh hẹp van tim, lại còn phải gánh thêm tiền lãi do vay tiền đóng phí thi hành án với số tiền hơn 48 triệu đồng. Trong khi đó, với việc chậm thi hành án, cơ quan chức năng đã làm thiệt hại cho tôi rất lớn. Cụ thể, với 945 cây mãng cầu đang thu hoạch, hằng năm có thể đem lợi nhuận trên 100 triệu đồng”.

Sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Minh, ngày 21.8.2017, Văn phòng HÐND và UBND có Công văn số 64/VP gửi Chi cục trưởng Chi cục THADS Thành phố nêu rõ: “Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, Văn phòng HÐND và UBND Thành phố chuyển đơn xin cứu xét của ông Nguyễn Văn Minh đến Chi cục trưởng Chi cục THADS Thành phố, nội dung khiếu nại việc chậm thi hành án, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đề nghị Chi cục trưởng Chi cục THADS Thành phố giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo cụ thể Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo THADS Thành phố”.

 Ðược biết, lãnh đạo thành phố Tây Ninh vẫn chưa nhận được văn bản báo cáo của Chi cục THADS Thành phố về trường hợp khiếu nại của ông Minh đang “còn vướng khâu nào”.

ÁCH TẮC Ở ÐÂU?

Cũng tại thành phố Tây Ninh, một vụ việc thi hành án khác đang bị ách tắc. Ngày 8.8.2017, các ông Thái Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Thanh Tâm (đại diện theo uỷ quyền là ông Cao Minh Thiện) có đơn khiếu nại lần 3 gửi Cục THADS tỉnh, đồng kính gửi Trưởng Ban Chỉ đạo THADS Thành phố, Chi cục THADS Thành phố, VKSND Thành phố. Nội dung đơn cho biết, họ là những người được thi hành án theo quyết định thi hành án được Chi cục THADS thụ lý thi hành đã hơn 4 năm nay, dù người phải thi hành án hoàn toàn có khả năng trả nợ nhưng không hiểu bị vướng mắc chỗ nào mà đến nay vẫn chưa thể thi hành án.

Ðược biết, trước đó, ông Tuấn, ông Tâm đã có đơn khiếu nại về việc chậm thi hành án, được Chi cục THADS Thành phố có văn bản trả lời, nhưng hai ông không đồng tình.

Theo đó, ngày 23.10.2013, Chi cục THADS Thành phố đã ban hành quyết định thi hành án với nội dung: Công ty CP Hoa cương Ðất Việt do ông Ðỗ Hiếu Nghĩa làm tổng giám đốc có trách nhiệm trả cho ông Tuấn, ông Tâm số tiền trên 3 tỷ đồng và lãi suất chậm thi hành án, nếu công ty không có khả năng thanh toán thì người bảo lãnh số nợ trên là bà Nguyễn Thị Phượng phải có nghĩa vụ trả nợ thay.

Sau khi có quyết định thi hành án, bà Phượng xin trả dần mỗi tháng 20 triệu đồng, nhưng hai ông Tuấn, ông Tâm không đồng ý mà yêu cầu kê biên tài sản của Công ty CP Hoa cương Ðất Việt để thi hành án.

Hơn 2 năm sau, ngày 17.11.2015, chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản của người phải thi hành án gồm 4 máy đào, 1 máy nghiền đá, 1 máy cưa tổ hợp máy đá, 1 xe máy xúc, trạm biến áp 400kV, trạm biến áp 560kVA của công ty để bảo đảm thi hành. Tiếp đó, chấp hành viên có văn bản gửi Sở Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh thành phố Tây Ninh, UBND xã Thạnh Tân yêu cầu hỗ trợ tạm dừng chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tặng cho, tạm dừng chứng thực cho vay vốn, đáo hạn ngân hàng với mọi hình thức đối với tài sản của ông Nghĩa và bà Phượng cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.

Mặc dù vậy, khi hai ông Tuấn, ông Tâm gửi đơn khiếu nại vì vẫn chưa được thi hành án, Chi cục THADS Thành phố đã mời hai ông đến giải thích: ông Thiện (người đại diện theo uỷ quyền của ông Tuấn, ông Tâm) đã đồng ý rút nội dung yêu cầu Chi cục THADS Thành phố ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của ông Nghĩa, bà Phượng và một số nội dung khác, chỉ yêu cầu xử lý tài sản khác của doanh nghiệp này để thi hành án, vì tài sản kê biên trước đó đưa ra bán đấu giá 3 lần không có người mua.

Chi cục THADS cho biết, yêu cầu của ông Tuấn, ông Tâm không thể thực hiện được với lý do được viện dẫn là: khoản 2, khoản 3, Ðiều 104 Luật THADS quy định: “Từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được THA có quyền nhận tài sản bán đấu giá để trừ vào số tiền được thi hành án. Trường hợp người được THA không đồng ý nhận tài sản để THA thì chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá”.

Theo Chi cục THADS Thành phố, hướng xử lý tiếp theo là sẽ tiếp tục giảm giá tài sản để bán đấu giá theo quy định. Nếu giảm giá bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế, Chi cục THADS Thành phố sẽ xử lý tài sản của bà Nguyễn Thị Phượng để tiếp tục thi hành án cho ông Tuấn, ông Tâm.

Sau khi nhận văn bản trả lời như trên của Chi cục THADS Thành phố, ông Tuấn, ông Tâm không đồng tình và có đơn khiếu nại gửi các cơ quan có thẩm quyền. Ông Tuấn, ông Tâm cho hay, kể từ năm 2013, khi hai ông có đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục THADS Thành phố không tiến hành các thủ tục thi hành án là kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án, mà mãi đến năm 2015 mới tổ chức kê biên tài sản là các máy móc của công ty.

Theo ông Cao Minh Thiện- người đại diện theo uỷ quyền, tại buổi làm việc với Chi cục THADS Thành phố, ông chỉ đồng ý rút nội dung yêu cầu Chi cục THADS Thành phố có biện pháp ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán tài sản, vì đơn vị này cho biết, Chi cục THADS Thành phố đã có văn bản ngăn chặn. Ðối với nội dung khác, Chi cục THADS Thành phố cho rằng ông Thiện rút khiếu nại là chưa đúng.

Ông Thiện cho biết, khi ông yêu cầu Chi cục THADS Thành phố có biện pháp thu tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty (vì ông đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty có doanh thu cao, có khả năng bảo đảm thi hành án hơn), Chi cục THADS Thành phố giải thích rằng, trước đây, công ty đề nghị trả 20 triệu đồng/tháng, ông Thiện không đồng ý nên không chấp nhận yêu cầu này, chứ ông không rút khiếu nại nội dung này.

Theo ông Thiện, việc người được thi hành án không đồng ý thoả thuận trả 20 triệu đồng/tháng khác với việc yêu cầu Chi cục THADS tiến hành kê biên tài sản bảo đảm thi hành án, trong đó có nội dung thu tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bởi vì, số tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để thi hành án cao hơn số tiền mà công ty đề nghị trả 20 triệu đồng là quyền lợi của người được thi hành án, phù hợp quy định pháp luật thì Chi cục THADS Thành phố phải đáp ứng.

Ðược biết, về nội dung khiếu nại của ông Tuấn, ông Tâm, ngày 21.8.2017, Văn phòng HÐND và UBND Thành phố có công văn đề nghị Chi cục trưởng Chi cục THADS Thành phố xem xét lại quá trình tổ chức thi hành án và niêm phong tài sản sau kê biên, báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo THADS Thành phố.

Thiết nghĩ, qua hai trường hợp khiếu nại nêu trên, Trưởng Ban Chỉ đạo THADS Thành phố cần quan tâm chỉ đạo Chi cục THADS Thành phố xem lại quá trình tổ chức thi hành án, có quyết định giải quyết khiếu nại trả lời đương sự đúng quy định pháp luật.

ÐỨC TIẾN

Tin cùng chuyên mục