Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chán ăn do bệnh lý tâm thần, đừng để quá lâu
Thứ hai: 10:32 ngày 10/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ám ảnh ăn uống, chán ăn không chỉ trong giới nghệ sĩ mà hiện nay khá phổ biến ở các bạn trẻ.

Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc và nhiều mối lo toan khiến chúng ta ăn không ngon, thậm chí không buồn ngó ngàng đến thức ăn. Mà quan trọng là chán ăn bệnh lý, chán ăn thụ động gây ra cơ thể suy nhược, ảnh hưởng đến tính mạng.

Chán ăn kéo dài gây một loạt hậu quả tiêu cực

Chỉ trong 1 tuần suy nhược tinh thần dẫn đến chán ăn, chị L.T.T.L (25 tuổi, Đồng Nai) từ 50kg đã xuống còn 43kg.

“Hồi đó do buồn nên mình không muốn ăn, nhìn thức ăn thấy ghê, nuốt vào rồi nhưng chỉ chực ói ra, miệng nhạt nhẽo không có cảm giác gì với thức ăn. Vốn bị đau dạ dày sẵn, chứng chán ăn càng khiến dạ dày đau hơn nhưng lúc đó chỉ thấy đau mà không phản ứng gì lại được, cũng không khóc được, nước mắt như bị khô rồi vậy. Lúc đó, mình như con robot…”- chị L. kể lại tình trạng chán ăn của mình do tâm bệnh kéo dài 3 tháng ròng rã.

Chị L. cũng chia sẻ thêm tình trạng đó vẫn lặp đi lặp lại nhiều lần sau này nhưng không kéo dài như chị bị lần đầu tiên vào năm 3 đại học.

PGS.TS.BS Nguyễn Duy phong, Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết chán ăn tâm lý vẫn thường xuyên xảy ra nhưng may là vẫn có người thân bên cạnh ép nuốt thức ăn, dù ít hay nhiều cũng không làm cơ thể bị quá suy nhược dẫn đến tổn thương thực thể, giảm hệ miễn dịch và phát sinh các bệnh lý nhiễm trùng khác.

Chán ăn lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng kéo dài, lượng đạm trong máu giảm sẽ dẫn đến phù dinh dưỡng.

Còn theo BS.CKII Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, “do căng thẳng về tâm lý, trầm cảm về tinh thân gây ức chế cảm giác đói, đôi khi còn gây cảm giác buồn nôn, thức ăn tiêu hóa kém. Bệnh lý tâm thần gây ra chán ăn trầm trọng và kéo dài gây tử vong nhanh chóng...”

Chính vì vậy, theo các bác sĩ, nếu tinh thần bất ổn nên giải tỏa sớm, nếu không chủ động được thì đến gặp bác sĩ sớm để điều trị và giảm stress với các biện pháp thích hợp như thay đổi môi trường sống, công việc, người chăm sóc... hoặc cũng có thể dùng thuốc được bác sĩ kê đơn hỗ trợ trong quá trình điều trị.

Nên đi khám tổng quát

“Nếu bệnh nhân để ý sẽ thấy mỗi lần bác sĩ đều hỏi có ăn ngon miệng không hoặc có ăn được không trong mỗi lần thăm khám. Đây là tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng bệnh tiến triển như thế nào. Ví dụ bệnh nhân viêm gan siêu vi.

Dựa vào việc chán ăn bác sĩ có thể chẩn đoán được, nếu cơ thể vẫn mệt mỏi hay vẫn sốt như ăn ngon miệng hơn có nghĩa cơ thể đang được cải thiện. Còn nếu ăn không ngon tức là bệnh chưa ổn định”- BS Duy Phong lưu ý.

Bên cạnh đó, do cơ thể bị bệnh cấp tính như như cảm cúm, viêm nhiễm hoặc bị các bệnh mãn tính như lao, sốt rét, ung thư… cũng dẫn đến chứng chán ăn.

“Cần điều trị bệnh lý và điều trị dinh dưỡng trong lúc bệnh và chú ý phục hồi dinh dưỡng sau bệnh cũng như tăng cường dinh dưỡng sau bệnh để bù lại sự thiếu hụt do lúc bệnh thường ăn ít hơn”- BS Yến Thủy cho biết.

Và như một vòng luẩn quẩn, do ăn uống thiếu chất dinh dưỡng kéo dài do nhiều nguyên nhân như bệnh tật, hoàn cảnh, thời gian, công việc bận rộn, thói quen ăn uống không hợp lý hoặc ăn uống quá kén chọn... nên cơ thể bị thiếu chất (thiếu đạm, thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu vitamin...) làm cơ thể bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, ăn không ngon, kém khả năng tiêu hóa thức ăn...

“Đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn đa dạng thực phẩm và chế độ ăn thích hợp. Nếu thấy người bệnh chán ăn kéo dài, sụt cân, mệt mỏi, giảm khả năng lao động, học tập, vui chơi... nên đi khám sức khỏe tổng quát”- BS Yến Thủy cho lời khuyên.

Bác sĩ Thủy chú ý các nguyên tắc ăn uống đa dạng thực phẩm, ăn 20-30 loại thực phẩm khác nhau mỗi ngày, thay đổi món thường xuyên, nên làm các món thập cẩm, chế biển nhanh kiểu hấp luộc, ăn các thực phẩm gần với nguồn gốc thiên nhiên như gạo lứt, khoai, bắp, đậu... hơn là thức ăn công nghiệp.

Chú ý khám sức khỏe định kỳ hàng năm, cân bằng trong học tập, làm việc, nghỉ ngơi thư giãn, thể thao , giải trí... để giảm stress và trẩm cảm. Nếu thấy mất ngủ kéo dài, chán ăn, sụt cân nhanh thì cần đi khám sớm là những lời khuyên mà các chuyên gia khuyến cáo mọi người chú ý đến việc giữ gìn sức khỏe tốt hơn.

Giảm cân bằng cách móc họng rất nguy hiểm!

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong lưu ý nhiều bạn trẻ muốn giảm cân nhưng lười vận động, tập thể dục nên nhịn ăn lâu ngày dẫn đến phản xạ. Thậm chí có bạn ăn vào rồi móc họng để thức ăn nôn ra, trong cơ thể không còn chất sẽ giảm mỡ. Đây là cách giảm cân rất nguy hiểm!

Giảm cân cần phối hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp với việc luyện tập thể thao.

Tránh tình trạng suy dinh dưỡng sinh ra nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe lâu dài, thậm chí tính mạng.

Nếu bỗng nhiên chán ăn không vì tâm lý hay các bệnh cấp tính trên cần đến gặp bác sĩ ngay để được tìm hiểu nguyên nhân do nhiều bệnh gây ra như ung thư, rất nhiều trường hợp ung thư giai đoạn đầu không có biểu hiện gì rõ rệt, chỉ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn.

Hoặc có thể mắc các bệnh về lao như lao phổi, lao ruột, lao cột sống, lao màng phổi, lao màng bụng, lao ổ bụng… Người bị bệnh lao hay chán ăn kèm theo sốt. Sức đề kháng và hệ miễn dịch của người bị lao thường yếu đi, do đó vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng, nhất là vitamin, kẽm, sắt…

Chán ăn do các bệnh lý về tiêu hóa cũng chiếm tỷ lệ đáng kể. Bởi hệ tiêu hóa kéo dài từ miệng đến hậu môn, nếu một trong các bộ phận “có sự cố” đều ảnh hưởng đến việc ăn uống. Ví dụ như tuyến nước bọt ở miệng không làm việc sẽ không kích hoạt được cả hệ thống bên dưới hoạt động gây chán ăn.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục