PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè: Cần một giải pháp căn cơ hơn
Thứ sáu: 09:18 ngày 12/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán diễn ra tại nhiều nơi, nhiều tuyến đường khu vực đô thị, khu công nghiệp trên bàn tỉnh. Thực trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Mặc dù được các địa phương thường xuyên ra quân chấn chỉnh, thế nhưng tình trạng này vẫn tái diễn mỗi khi lực lượng chức năng rút đi.

Một cửa hàng kinh doanh xe máy tại chợ Long Hoa dựng xe lấn chiếm hết vỉa hè cho người đi bộ.

Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán.

Tại nhiều tuyến đường đô thị của thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và Trảng Bàng, việc người đi bộ phải đi dưới lòng đường trở thành “chuyện bình thường” nhiều năm qua. Bởi vỉa hè dành cho người đi bộ đã bị các hộ kinh doanh chiếm dụng, thậm chí, nhiều người còn bày hẳn xuống lòng đường, giữa dòng xe cộ qua lại và xem đó như là đất của nhà mình, gây cản trở giao thông khiến nhiều người bức xúc.

Ông N.C.T, người dân tại phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành cho biết, khu vực chợ Long Hoa vào giờ cao điểm các buổi sáng và chiều (từ 5 giờ sáng đến hơn 9 giờ và từ 16 giờ đến hơn 19 giờ) thường xuyên diễn ra tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông do các tiểu thương, người dân mang hàng hoá bày bán lấn chiếm lòng lề đường, thậm chí nhiều người còn bày ra giữa đường, tạo thành một hàng dài, gây cản trở giao thông. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua, khiến người dân hết sức bức xúc.

Theo ông T, khi chợ Long Hoa được xây dựng lại, ông đã hy vọng sẽ dẹp bỏ được tình trạng bát nháo tại khu vực này, tạo vẻ mỹ quan đô thị, nhất là khi Hoà Thành được công nhận là thị xã.

Tuy nhiên, đến nay gần như không có bất kỳ một chuyển biến nào, thậm chí một số tiểu thương còn bỏ sạp đã thuê trong chợ để ra ngồi dưới lòng đường buôn bán.

Vừa đi bộ sát lề đường vừa quan sát cẩn thận dòng xe cộ phía sau trên đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám trước chợ phường 3, bà Ngân (ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh) cho biết, vỉa hè tuyến đường này đã không còn từ nhiều năm qua vì các hộ kinh doanh bày hàng hoá ra tận mép đường nên gần như người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường.

Vỉa hè tại chợ Long Hoa bị lấn chiếm.

Bắt cóc bỏ dĩa

Để lập lại trật tự, bảo đảm an toàn giao thông thời gian qua, các địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt vi phạm về việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng rút đi, mọi chuyện “đâu lại vào đấy” vỉa hè, lòng đường lại bị tái chiếm.

Chị Quyên, công nhân làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung III cho biết, khu vực ngã tư Suối Sâu thường xuyên bị chiếm dụng, nhiều người dân bày hàng hoá ra giữa đường khiến việc lưu thông qua đây vào giờ cao điểm rất khó khăn, nhiều lúc con đường bị chiếm hết, chỉ đủ cho xe máy luồn lách đi qua nên khi có xe tải hay container đi qua là mọi người lại nháo nhào ôm hàng hoá vào trong.

Theo chị Quyên, hôm nào có lực lượng bảo vệ dân phố xuất hiện thì đường xá trống trãi, đi lại dễ dàng, nhưng chỉ cần họ (lực lượng bảo vệ dân phố) rút đi là đường lại bị tái chiếm.

Mặc cho tiếng còi các xe tải, xe container réo in ỏi xin nhường đường nhưng nhiều người vẫn vô tư đậu xe trên đường mua sắm trên đường 782, khu vực trước cổng Khu công nghiệp Phước Đông.

Một tài xế xe tải bức xúc cho biết, nhiều người vô ý thức bày bán hàng ra cả lòng đường, còn người mua cũng không biết sợ, đang chạy mà thấy chỗ nào thích thì dừng lại khiến việc lái xe qua khu vực này rất khó khăn, áp lực. Các lái xe thường xuyên qua lại khu vực này đã quen với tình trạng naỳ nên chủ động đi chậm lại để kịp thời xử lý tình huống.

Một tiểu thương tại chợ Long Hoa cho biết, với tâm lý nhanh lẹ, tiện lợi nên nhiều người dân thường ghé vào những nơi bày bán dưới lòng đường để mua sắm, chính vì vậy những tiểu thương kinh doanh bên trong chợ bị ế ẩm, phải đóng cửa, mang hàng hoá ra ngoài đường ngồi bán.

Bản thân bà cũng có thuê một sạp trong chợ để kinh doanh với giá hơn 1 tỷ đồng, nhưng phải đóng cửa hơn 6 tháng qua vì không có khách. “Tôi biết là bán ngoài này là vi phạm và nguy cơ tai nạn giao thông, nhưng ai cũng mang ra đây thì ở trong sạp không bán được”, tiểu thương này cho biết.

Theo ghi nhận của người viết, trên nhiều tuyến đường của thành phố Tây Ninh như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu... có nhiều tiệm tạp hoá, cửa hàng kinh doanh  ngang nhiên bày hàng hoá lấn chiếm vỉa hè, một số nơi còn để xe máy dưới lòng đường.

Tương tự, khu vực chợ Long Hoa và các tuyến đường trung tâm thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng, một số tuyến đường trên địa bàn huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Bến Cầu..., khu vực gần cổng các khu dân cư, khu công nghiệp, tình trạng người dân buôn bán tràn xuống lòng lề đường vẫn diễn ra vào giờ cao điểm, bất chấp các phương tiện giao thông qua lại, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.

Cổng chợ Long Hoa bị lấn chiếm, không lối vào.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Bà Trần Thị Ly Lan- Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Tây Ninh cho biết, từ năm 2018 đến nay, Thành phố tổ chức 1.773 cuộc tuần tra, tập trung xử lý trên các tuyến đường chính, các khu công cộng, công viên, cổng trường học, bệnh viện, xí nghiệp, qua đó đã phát hiện và xử lý trên 4.242 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, lập biên bản tạm giữ 1.185 vật dụng các loại, xử lý tháo dỡ 385 mái che, bảng hiệu, bậc tam cấp, bục bệ lấn chiếm vỉa hè, 24 nhà tạm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, tháo dỡ 18 kiốt lấn chiếm đường hẻm, chợ tự phát.

Đồng thời, tuyên truyền, giải thích, vận động đến người dân, không tụ tập buôn bán trên lòng đường, vỉa hè, khu công cộng làm ảnh hưởng đến các phương tiên tham gia giao thông và an toàn cho chính bản thân của mình.

Tích cực thực hiện cuộc vận động người dân Thành phố cùng chung tay xây dựng Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, vận động người dân ký 2.786 tờ cam kết không vi phạm lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường bộ, lập biên bản bàn giao cho các xã, phường những tuyến đường và khu vực công viên để quản lý, duy trì chống tái lấn chiếm.

Theo ông Lê Hồng Vân- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành, với tốc độ đô thị hoá nhanh, vấn đề người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tại một số nơi, một số tuyến đường trên địa bàn thị xã diễn ra thường xuyên, gây bức xúc trong xã hội thời gian qua.

Để lập lại trật tự dô thị, UBND thị xã giao Phòng Quản lý đô thị phối hợp Đội Thanh tra giao thông - trật tự và UBND các xã, phường thành lập 8 Tổ quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị ở các xã, phường, tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm về trật tự đô thị. Đồng thời, triển khai các văn bản quy định của nhà nước về quản lý sử dụng vỉa hè, hành lang đường bộ.

Ông Trần Minh Tâm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, thời gian qua, thị xã đã triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm lập lại trật tự đô thị, qua đó đã xử lý được hai điểm là khu vực cổng Trung tâm y tế thị xã và công viên 29/4. hiện trên địa bàn còn một số điểm nóng vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường bộ như: khu vực Suối Sâu, ngã tư An Bình, ngã tư Hai Châu...

Theo ông Tâm, có nhiều nguyên nhân khiến việc lập lại trật tự đô thị của thị xã gặp khó khăn. Trong đó, đa số những đối tượng vi phạm không phải là người dân địa phương, sử dụng các phương tiện lưu động như xe ba gác hai ba bánh nên khi có lực lượng chức năng thì họ nhanh chóng di chuyển, trốn tránh. Đồng thời, nhiều người dân thích sự tiện lợi nên thường dừng xe giữa đường để mua sắm làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, lực lượng làm nhiệm vụ này còn mỏng, thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu là bảo vệ dân phố nên hiệu quả chưa cao.

Vỉa hè tại phường Trảng Bàng bị lấn chiếm.

Cần có lực lượng chuyên trách về trật tự đô thị.

Theo bà Trần Thị Ly Lan- Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Tây Ninh, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền những quy định của pháp luật về quản lý độ thị. Về lâu dài, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát lại tình hình buôn bán của người dân và hoạt động giao thông trên địa bàn, thành phố sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương quy hoạch những khu vực, những tuyến đường được phép kinh doanh buôn bán có thu phí, để sắp xếp đưa vào quản lý.

Đồng thời, tổ chức lại bộ máy nhân sự Đội Quản lý trật tự đô thị, nhằm xây dựng lực lượng quản lý trật tự đô thị chuyên trách của thành phố, có đầy đủ địa vị pháp lý trong quá trình hoạt động, đáp ứng được yêu cầu khi thực hiện nhiệm vụ, để đảm đương công tác này.

Phó Chủ tịch UNBD thị xã Trảng Bàng Trần Minh Tâm nhấn mạnh, trong thời gian tới ngoài việc chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm, UBND thị xã đang xem xét việc cho thuê 1 phần vỉa hè vào thời gian cụ thể trong ngày, bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự đô thị và an toàn giao thông.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục