Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tại kỳ họp thứ 10 của HĐND tỉnh khoá X, Sở LĐ-TB&XH trả lời chất vấn (bằng văn bản) của đại biểu về việc tái diễn tình trạng người lang thang, ăn xin trên địa bàn tỉnh
Trên đường phố, người ta có thể nhìn thấy trẻ em, người già, thậm chí là những người còn lành lặn, khoẻ mạnh đang trong độ tuổi lao động ăn xin ở các hàng quán, ngã tư đông người... Đã có nhiều giải pháp, nhiều đợt ra quân giải quyết tình trạng này, tuy nhiên, sau một thời gian lại tái diễn. Đại biểu kiến nghị Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng trên.
Sở LĐ-TB&XH cho biết, năm 2023, Sở đã ban hành 1 kế hoạch thực hiện và 2 công văn đôn đốc việc tăng cường công tác quản lý người lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh, trong đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát trên địa bàn, kịp thời phát hiện người lang thang, xin ăn để tổ chức đưa đối tượng về chung sống với gia đình. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của đối tượng thì lập hồ sơ đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội và Điều dưỡng người có công tỉnh theo quy định.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ khẩn cấp đối với người lang thang, xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú, chủ động phát hiện và có kế hoạch giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang, xin ăn, tăng cường giải pháp trợ giúp đối tượng yếu thế ngay tại gia đình, cộng đồng.
Trong năm, các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện 18 lượt kiểm tra tình trạng người lang thang, xin ăn; tiếp nhận 13 trường hợp người lang thang, xin ăn vào nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Điều dưỡng người có công tỉnh. Trong đó, đã bàn giao về địa phương 1 trường hợp; 7 trường hợp bỏ trốn khỏi Trung tâm, còn lại 3 trường hợp đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm. Hiện nay, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xác định thân nhân và tạo điều kiện đưa 3 đối tượng này trở về gia đình, cộng đồng.
Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 34 người lang thang, xin ăn, trong đó có 2 người Việt Nam, 32 người nghi là người Campuchia (8 trẻ em), tập trung nhiều ở huyện Gò Dầu, thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng, Sở LĐ-TB&XH có đề nghị UBND các địa phương trên tiếp tục thực hiện rà soát, thu gom, lập thủ tục, hồ sơ bàn giao về Trung tâm Bảo trợ xã hội và Điều dưỡng người có công theo quy định.
Về giải pháp giải quyết đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội và người dân trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn. Làm cho đối tượng nhận thức đúng, không đi lang thang, xin ăn, chủ động tham gia lao động sản xuất để có thu nhập ổn định; vận động cơ sở kinh doanh, địa điểm đền, chùa... cam kết không để đối tượng lang thang, bán hàng rong hoặc xin ăn trong khuôn viên, địa bàn kinh doanh, quản lý.
Tập trung, xử lý, giải quyết người lang thang, xin ăn trên địa bàn bảo đảm hiệu quả, theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra địa bàn trọng điểm, tập trung nhiều người lang thang, xin ăn để lập hồ sơ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và hỗ trợ đối tượng hồi gia ổn định cuộc sống tại cộng đồng theo quy định; tăng cường các hoạt động phối hợp với các hội, đoàn thể nhận đỡ đầu cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình có người yếu thế đặc biệt khó khăn.
Tăng cường công tác đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, đặc biệt lưu ý các nhóm đối tượng từ địa phương khác đến cư trú tại địa bàn: tăng cường công tác quản lý hành chính về an ninh, trật tự, đặc biệt là kiểm tra, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú đối với những đối tượng từ nơi khác đến; kiểm tra, giám sát tại các địa bàn trọng điểm nhằm phát hiện, kịp thời xử lý các đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, đeo bám du khách hoặc tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ giúp xã hội; tích cực vận động những đối tượng trong độ tuổi lao động tại địa phương tham gia các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống.
Việt Đông