Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chân dung người đứng đầu cuộc nổi dậy làm nên bước ngoặt lịch sử ở Syria
Chủ nhật: 10:02 ngày 15/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chỉ trong khoảng 2 tuần, thủ lĩnh Abu Mohammed al-Jolani (42 tuổi) của Hayat Tahrir al-Sham (HTS - một tổ chức được Mỹ coi là khủng bố) đã đứng đầu lực lượng lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong một cuộc tấn công thần tốc. Vậy ông al-Golani là ai?

Từng có quan hệ với cả Al-Qaeda lẫn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ông al-Jolani đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) treo thưởng 10 triệu USD cho cái đầu của mình kể từ năm 2017. Nhưng vị thủ lĩnh của lực lượng phiến quân ở Tây Bắc Syria này đang trở thành hiện thân của một lực lượng ôn hòa cho một Syria khoan dung thời hậu Tổng thống al-Assad.

Thủ lĩnh al-Jolani là người đứng đầu lực lượng lật đổ cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Bôn ba để trở về Syria

Theo tờ The New York Times, al-Jolani sinh ra tại Riyadh (Saudi Arabia) năm 1982, cha mẹ ông là người gốc Syria. Cái tên al-Jolani của ông ám chỉ Cao nguyên Golan, nơi xuất thân của gia đình ông nhưng đã bị Israel sáp nhập năm 1967. Ông Hussein al-Shara (cha của al-Jolani) là một người theo chủ nghĩa dân tộc Ả-rập đã bị cầm tù vì phản đối cuộc đảo chính khi còn là sinh viên ở Syria năm 1961. Sau đó, ông đã trốn thoát và chạy đến Baghdad để tiếp tục học tập. Sau khi trở về Syria và thất bại trong cuộc chạy đua vào quốc hội, ông al-Shara chuyển đến Saudi Arabia làm việc trong ngành dầu mỏ. Vào cuối những năm 1980, ông trở về Syria cùng với con trai al-Jolani của mình.

Sống ở nơi mà ông mô tả là khu phố trung lưu tự do, đầu những năm 2000 al-Jolani đã bắt đầu có suy nghĩ khá cực đoan. “Lúc đó, tôi mới 17 - 18 tuổi nhưng đã bắt đầu nghĩ về nhiệm vụ bảo vệ đất nước, nơi đang bị những kẻ chiếm đóng đàn áp. Điều gì đó bên trong tôi thúc đẩy tôi tìm kiếm sự thật. Làm thế nào để đạt được công lý và giải thoát người dân khỏi sự áp bức? Làm thế nào để có thể truyền bá lòng tốt giữa mọi người? Tôi bắt đầu tìm kiếm tất cả những ý nghĩa này trong tôn giáo” - ông nói trong một cuộc phỏng vấn với PBS.

Hai tuần trước khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh chống Iraq, al-Jolani (khi đó 21 tuổi) đã đến Baghdad để tham gia Al-Qaeda đánh lại quân Mỹ. Ở đó, ông đã không đồng ý với chiến thuật của Al-Qaeda là cố tình nhắm vào dân thường. Ông cho rằng “nhiều người trong chúng ta có lương tâm và hiểu biết thực sự về đạo Hồi phản đối việc giết người vô tội, thậm chí ngay cả trong trường hợp giết nhiều kẻ thù sẽ gây ra cái chết của một người vô tội”. Khi được hỏi tại sao ông không rời khỏi Al-Qaeda vào thời điểm đó, ông đã né tránh và nói với người phỏng vấn rằng: “Nếu không có sự hiện diện của người Mỹ, sẽ không có sự kháng cự”.

Al-Jolani đã thăng tiến trong hàng ngũ Al-Qaeda cho đến khi bị quân Mỹ bắt giữ vào năm 2005 và bị giam khoảng 5 năm tại nhiều nhà tù khác nhau. Ông đã dành thời gian để viết một tài liệu dài về cách thúc đẩy cuộc thánh chiến ở Syria. “Nó dài gần 50 trang, giống như một bài nghiên cứu mang tính phân tích. Trong đó, tôi kể lại lịch sử của Syria, địa lý, sự đa dạng về giáo phái và cách gia đình Assad lên nắm quyền…” - ông nói thêm rằng hiện không còn giữ bản sao tài liệu đó nữa. Sau khi được thả, ông trở thành chỉ huy Al-Qaeda ở Mosul và gửi tài liệu cho thủ lĩnh IS sau này là al-Baghdadi. “Tôi đã viết những suy nghĩ của mình về Syria. Chủ yếu là không nên lặp lại kinh nghiệm từ Iraq lên vùng đất Syria” - al-Jolani nói với PBS. Ông tin rằng bất kỳ nhiệm vụ nào ở Syria cũng sẽ khác với Al-Qaeda ở Iraq vì trọng tâm là chống lại gia tộc Assad đã cầm quyền hàng chục năm ở Syria thay vì phát động một cuộc xung đột giáo phái. Khi al-Jolani gặp al-Baghdadi, ông cảm thấy “ngạc nhiên” vì người này “thiếu năng lực phân tích tình hình” và “thiếu cá tính mạnh mẽ”.

Al-Jolani sau đó đã trở về Syria cùng 6 người, họ đeo sẵn bom cảm tử trong người để phòng trường hợp bị bắt. Đó là năm 2011, sau khi phong trào “Mùa xuân Ả-rập” nổ ra dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ ở Syria.

Ông al-Jolani từng bị Mỹ treo thưởng 10 triệu USD và bị cầm tù 5 năm. Tách khỏi con đường Hồi giáo cực đoan (như Al-Qaeda và IS), thủ lĩnh al-Jolani hướng đến một Syria khoan dung và ôn hòa.

Tách khỏi Al-Qaeda và IS

Khi cuộc nổi dậy diễn ra sôi nổi, al-Jolani đã thành lập nhóm Jabhat al-Nusra và tuyên thệ trung thành với Al-Qaeda vào năm 2013, biến nó thành chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria. Cùng năm đó, ông bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố là khủng bố toàn cầu dẫn đến bị đóng băng tài sản, cấm đi lại và cấm vận vũ khí. Al-Jolani cho biết, ông đã sử dụng số tiền được phân bổ để tấn công các mục tiêu quân sự thay vì dân thường. Giống như IS và Al-Qaeda, nhóm của al-Jolani đã sử dụng chiến thuật đánh bom liều chết. Nhưng cũng thời điểm đó, thủ lĩnh al-Jolani đã thu phục lòng dân bằng việc cung cấp các nhu yếu phẩm và dịch vụ xã hội mà mọi người cần để sinh tồn, điều mà Chính phủ Syria đã không làm được. Trong 1 năm, Al-Jolani đã tăng số lượng thành viên của nhóm từ 6 người lên 5.000 người. Để gây quỹ, nhóm đã nhận tiền quyên góp từ những người ủng hộ ở thế giới Ả-rập, cướp bóc các nhà máy và đòi tiền chuộc thường dân nước ngoài. Một trong những con tin của họ là phóng viên tự do người Mỹ Theo Padnos (người bị giam giữ gần 2 năm, bị đòi tiền chuộc 22 triệu euro).

Khi tài chính của nhóm đã mạnh mẽ, al-Jolani thậm chí đã chi 2 triệu USD để hỗ trợ al-Baghdadi ở Iraq. Tuy nhiên, sau đó al-Baghdadi đã mở rộng lãnh thổ sang Syria, thậm chí chiếm luôn thành phố Raqqa từ nhóm của al-Jolani. Đến năm 2014, cả 2 nhóm đã trở thành đối thủ chính thức. Năm 2016, al-Jolani công khai lộ diện, cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda và đổi tên nhóm của mình thành Jabhat Fath al-Sham, sau đó phát triển thành Hayat Tahrir al-Sham (gọi tắt là HTS). Sự chia tách này đã gây ra mâu thuẫn giữa al-Jolani và IS cùng các nhóm khác hoạt động trong khu vực. “Mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức để tránh cuộc đối đầu này, nhưng điều đó là không thể tránh khỏi, vì vậy chúng tôi đã chiến đấu chống lại IS. Lực lượng của chúng tôi đã bắt giữ nhiều người trong số họ bởi họ đã cố gắng phá hoại cuộc cách mạng Syria” - ông al-Jolani nói. Ông cũng đã tham gia vào các hoạt động chống IS, bao gồm vụ hạ sát thủ lĩnh IS Abu Hussein Al-Husseini al-Qurashi năm 2023.

Định hình cho một Syria mới

Ông al-Jolani đã cai quản Idlib, nơi sinh sống của hơn 3 triệu người. Chính quyền ở đây được thành lập để cung cấp các dịch vụ dân sự như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tư pháp và thậm chí thu thuế hay cấp thẻ căn cước. “Tôi không khẳng định rằng mô hình ở Idlib là lý tưởng, nhưng xét theo hoàn cảnh hiện tại, đó là mô hình tự khẳng định có khả năng điều hành toàn bộ công việc của khu vực theo luật Hồi giáo” - ông al-Jolani nói.

Thủ lĩnh al-Jolani cũng ủng hộ luật Sharia và có kế hoạch áp dụng luật này ở Syria sau khi Tổng thống Assad bị lật đổ. Trong cuộc phỏng vấn với PBS, ông nói về luật này như sau: “Lòng thương xót, nhân đạo, công lý mà luật Sharia chứa đựng có thể bao trùm mọi phe phái, bao gồm cả Cơ đốc giáo, Do Thái giáo và các phe phái thuộc Hồi giáo, cũng như các học thuyết khác”.

Cũng cần nói thêm, ông al-Jolani đã nói về việc phản đối cuộc đối đầu với Mỹ và phương Tây ngay từ năm 2014. Họ chỉ bắt buộc phải chiến đấu nhằm chống lại các hoạt động của thế lực bên ngoài nhắm vào người Syria. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên phương Tây năm đó, ông thậm chí còn cởi bỏ bộ đồng phục dã chiến và phủ nhận mình là một kẻ khủng bố: “Thông điệp của chúng tôi rất ngắn gọn: Chúng tôi không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho phương Tây. Vì vậy, không cần phải phân loại khủng bố và treo thưởng cho việc giết chúng tôi”. Ông al-Jolani cũng đã liên hệ với chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, đề nghị hợp tác cũng như tuyên bố mình không phải là khủng bố mà chỉ phản đối Tổng thống Assad. Cựu Đại sứ Hoa Kỳ James Franklin Jeffrey thừa nhận, ông không đáp lại đề nghị đó vì việc xóa tên al-Jolani khỏi danh sách khủng bố đem lại rủi ro cao.

Kể từ khi giành quyền kiểm soát Damascus sau cuộc tấn công chỉ trong 2 tuần, ông al-Jolani đã cố gắng định hình cho những gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Syria. Tại Nhà thờ Hồi giáo Umayyad của Thủ đô, vị thủ lĩnh tuyên bố chính quyền của Tổng thống Assad đã sụp đổ: “Người dân đã kiệt sức vì chiến tranh. Syria không sẵn sàng cho một cuộc xung đột mới và sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào nữa”.

Nguồn anninhthudo

Tin cùng chuyên mục