Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
CÁNH TÂY HUYỆN TRẢNG BÀNG:
Chăn nuôi bò vàng cần đầu ra ổn định
Thứ hai: 12:19 ngày 14/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðể phát triển đồng bộ giữa trồng trọt và chăn nuôi ở 3 xã cánh Tây Trảng Bàng, mà cụ thể là phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng đàn bò, nhất là có hướng bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, những hộ chăn nuôi bò cần có sự hợp tác liên kết với các doanh nghiệp trong việc đầu tư con giống tốt, kỹ thuật chăn nuôi hiện đại và nhất là có hướng đầu ra sản phẩm ổn định, bền vững.

Nông dân xã Bình Thạnh đang chăm sóc bò.

Những năm gần đây, cùng với trồng trọt, nhiều hộ dân ở 3 xã cánh Tây huyện Trảng Bàng (Phước Chỉ, Bình Thạnh, Phước Lưu) tập trung nuôi bò vàng sinh sản. Trong đó có những hộ gặp khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ vốn chăn nuôi. Tuy giá bò cái vàng lên xuống thất thường nhưng người chăn nuôi ít khi bị lỗ. Vì nuôi bò chỉ đầu tư vốn mua con giống lúc đầu, còn lại là “lấy công làm lời”.

Anh Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1975), nhà vùng biên giới thuộc ấp Phước Mỹ (A 8) xã Phước Chỉ cho biết: trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo Trung ương. Ðược sự quan tâm của Nhà nước, cho mượn bò mẹ nuôi bắt bê con và cho vay vốn ưu đãi mua thêm bò mà gia đình anh có được 2 con bò. Ngoài ra, anh còn nhận nuôi rẽ bò cho một số hộ khác (nuôi chia đôi bê con theo kiểu người có của, người có công).

Từ đó đàn bò của anh tăng dần theo từng năm. Rồi anh bán bớt bò, tích luỹ vốn. Sau  nhiều năm tích luỹ, đầu năm 2017, gia đình anh Tùng mua được 1,2 ha ruộng. Hiện nay trong chuồng nhà anh còn đến 13 con bò. Từ một hộ trắng tay chỉ làm thuê kiếm sống, nay hộ gia đình anh Tùng có ruộng sản xuất, có đàn bò chăn nuôi.

Ngoài ra anh còn mướn 5 ha ruộng để sản xuất. Anh Tùng vui vẻ khẳng định: gia đình anh thoát cảnh nghèo khó, ổn định cuộc sống là nhờ nuôi bò vàng sinh sản. Mà khởi nguồn từ sự quan tâm giúp đỡ của Ðảng, Nhà nước.

Ông Lê Tấn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Phước Chỉ cho biết: nhiều hộ dân ở xã Phước Chỉ, trong đó có những hộ nghèo khó được hỗ trợ bò chăn nuôi. Nhờ đó ổn định cuộc sống. Hiện toàn xã có tổng đàn trên 1.100 con.

Ông Nguyễn Huy Côn, Chủ tịch HND xã Bình Thạnh cho biết: trừ ấp Bình Hoà (trung tâm xã) ít hộ nuôi bò, còn lại nông dân ở các ấp khác có rất nhiều hộ nuôi, với tổng đàn của xã hiện trên 1.000 con. Ðiều kiện tự nhiên ở xã Bình Thạnh, nhất là những cánh đồng gần biên giới rộng, nhiều cỏ, thuận lợi cho việc nuôi bò. Nhờ nuôi bò mà nhiều hộ có cuộc sống ổn định.

Như hộ ông Lê Thanh Phong (ấp Bình Quới). Lúc đầu, ông Phong được xét vay vốn ưu đãi mua một con bò cái. Sau đó đàn bò tăng dần. Ðến nay đàn bò của ông tăng lên hơn 10 con. Hộ ông Tạ Văn Thiền (ấp Bình Phước) cũng khởi nghiệp từ 2 con bò cái vàng.

Cách đây hơn 20 năm, gia đình ông Thiền mua 2 con bò cái về chăn nuôi. Tiếp  đó, ông được địa phương tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, mua thêm một con bò cái. Nhờ bán bò và tích luỹ dần, ông Thiền đã mua được 1,4 ha ruộng. Hiện nay cuộc sống gia đình ông Thiền đã ổn định. Theo ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Chủ tịch HND xã Phước Lưu, hiện có khoảng 50% hộ dân ở xã chăn nuôi bò cái vàng sinh sản.

Nhìn chung, với nhiều cánh đồng rộng lớn, ngoài việc sản xuất lúa và hoa màu, 3 xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng còn có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, nhất là phát triển đàn bò vàng.

Tuy nhiên, cũng như các nơi trong tỉnh, người chăn nuôi bò vàng ở 3 xã cánh Tây Trảng Bàng cũng phát triển đàn bò theo hướng tự phát, “tự sản, tự tiêu”.

Ðể phát triển đồng bộ giữa trồng trọt và chăn nuôi ở 3 xã cánh Tây Trảng Bàng, mà cụ thể là phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng đàn bò, nhất là có hướng bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, những hộ chăn nuôi bò cần có sự hợp tác liên kết với các doanh nghiệp trong việc đầu tư con giống tốt, kỹ thuật chăn nuôi hiện đại và nhất là có hướng đầu ra sản phẩm ổn định, bền vững.

N.H

Tin cùng chuyên mục