Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chàng họa sĩ yêu chất liệu dân gian
Chủ nhật: 08:43 ngày 22/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Không chỉ tìm kiếm sự sáng tạo riêng cho những bức tranh của mình, họa sĩ Bùi Minh Tâm còn khao khát đưa tranh vươn ra thế giới.


Họa sĩ Bùi Thanh Tâm tại triển lãm ở Hà Nội. (Ảnh: Q.A)

Gặp Bùi Thanh Tâm tại Triển lãm Mascara (Chuốt mi) ở Hà Nội, tác giả bị ấn tượng ngay với những bức vẽ chân dung lớn về gương mặt phụ nữ đương đại.

Điều đặc biệt là những bức vẽ này được khéo léo thể hiện trên chất liệu bằng tranh Đông Hồ. Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại đã hoàn toàn thu hút được người xem.

Không lâu sau, anh lại tổ chức triển lãm tại Hà Nội mang tên Thiên đường bỏ ta đi với rất nhiều bức vẽ sử dụng chất liệu này.

Hoài niệm nghệ thuật truyền thống

Những bức tranh trong bộ sưu tập Thiên đường bỏ ta đi của Bùi Thanh Tâm không mô tả chân dung cụ thể về con người nảo cả. Đó chỉ là gương mặt Việt đương đại ẩn sau trong dòng chảy và các tầng lớp văn hóa.

Các tác phẩm được vẽ kỹ càng và chăm chút nhất với những đôi mắt được tô vẽ, mở to như nhìn dứt khoát vào trực diện nội tâm và đối diện với người xem.

Xử lý chất liệu nền là tranh Đông Hồ, những cô gái trong tác phẩm của anh là sự kết nối, tái tạo ký ức, xen kẽ hình ảnh đứt gãy về giá trị văn hóa. Vì vậy, họ mang vẻ đẹp vừa đằm thắm, quen thuộc vừa lạ lẫm..

Chàng họa sĩ chia sẻ, để hoàn thành một bức vẽ như vậy, anh thường phải mất thời gian tới một tháng. Công việc khá công phu, bởi đầu tiên phải cắt ghép các tranh Đông Hồ vừa khít khung vẽ để thuận lợi cho tạo hình.

Sau đó, việc dán tranh phải vừa yêu cầu độ phẳng tạo thuận lợi khi vẽ vừa cần tạo hiệu ứng chiều sâu cho bức tranh. Lý do cho ý tưởng nghệ thuật này chính là sự hoài niệm của anh trước sự mai một của giá trị nghệ thuật dân gian và văn hoá truyền thống.

Với vai trò là hoạ sĩ đương đại, anh chọn tranh Đông Hồ làm nền tranh cho nhiều tác phẩm của mình để tìm lại giá trị văn hoá Việt Nam.

Lựa chọn của Tâm đối với tranh Đông Hồ chính là niềm khích lệ cho sự gìn giữ và phát triển nghệ thuật dân gian. Bởi hiện nay, số thợ thủ công tham gia sản xuất tranh Đông Hồ còn khá ít.

Từng là niềm tự hào của di sản văn hoá Việt Nam, nhưng tranh Đông Hồ giờ đây hầu như chỉ sản xuất theo ấn phẩm in, là hàng lưu niệm cho du khách nước ngoài.

Một bức tranh trong bộ sưu tập “Thiên đường bỏ ta đi”.

Cũng xuất phát từ tình yêu với nghệ thuật dân gian, trước đó, Tâm đã mang đến triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Mona Lisa vào năm 2010.

Anh đã tạo ra dấu ấn riêng biệt cho phong cách tạo hình bằng cách gán ghép gương mặt của những chú rối, chú tễu cho mọi nhân vật trong tranh của mình.

Từ những chân dung đời thường như một anh chàng hiện đại lái ô tô, một gia đình trẻ... cho đến các nhân vật nổi tiếng như Mona Lisa bí ẩn đều mang gương mặt hài hước, khác lạ.

Các tác phẩm trong triển lãm là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ các vấn đề nóng hổi mà anh muốn thể hiện.

Chủ động đưa tranh ra thế giới

Sinh năm 1979 và tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2009, nhưng hiện nay Bùi Thanh Tâm làm việc chủ yếu ở Hongkong và Hà Lan.

Trước đây, anh từng bán tranh cho rất nhiều các nhà sưu tập người Việt, số tiền thu được cũng chưa nhiều và chưa mở được con đường bán tranh Việt đương đại ra nước ngoài.

Không phải số họa sĩ thụ động ngồi chờ các giám tuyển nước ngoài sang Việt Nam chọn tranh mang đi, Tâm quyết định cùng đóng gói tranh tham gia Triển lãm nghệ thuật đương đại châu Á (Asian Contemporary Art Show) tại Hongkong vào năm 2013.

Kết quả anh đã bán được một bức tranh với giá 11.000 USD. Sau thành công đó, anh tiếp tục mang tranh đi triển lãm tại Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Sỹ…

Tâm còn kết hợp đi triển lãm và bán thành công nhiều bức tranh cho nhà sưu tập và người mua nước ngoài. Anh đã có tranh bán đều cho hai nhà sưu tập lớn tại Đức và Hongkong với giá trung bình từ 20.000 - 26.000 USD/bức với số lượng không dưới 10 bức/nhà sưu tập.

Bức cao nhất anh từng bán sang Mỹ với giá 30.000 USD cũng chỉ thành công sau khi đi chu du khắp 8 hội chợ quốc tế ở các nước. Đáng chú ý, năm 2015, một số tranh của anh được trưng bày trong triển lãm Không hộp ở Bangkok, Thái Lan. Các tác phẩm của họa sĩ giúp khám phá xã hội Việt Nam hiện đại qua nhiều góc nhìn đầy màu sắc.

Sáng tạo trên chất liệu tranh Đông Hồ cũng được Bùi Thanh Tâm lên ý tưởng vẽ từ năm 2010 và được anh trưng bày tại các hội chợ quốc tế ở Hongkong.

Thời gian sau, bộ tranh độc đáo này cũng từng bày tại các hội chợ rất lớn ở Hà Lan, Thụy Sỹ... và được khách quốc tế đón nhận. Chàng họa sĩ hy vọng thời gian tới anh sẽ tổ chức thêm nhiều triển lãm ở trong nước và mang tranh của mình đi tới nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục