Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chàng kỹ sư nông nghiệp nhiệt huyết với công việc
Thứ tư: 08:14 ngày 05/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1991, hiện là cán bộ kỹ thuật Nông trường cao su Bến Củi thuộc Công ty cao su Tây Ninh) có khá nhiều duyên nợ với cây cao su.

Kỹ sư trẻ Nguyễn Mạnh Hùng bên giàn cày do anh sáng kiến đang được áp dụng tại Nông trường cao su Bến Củi.

Ngay khi còn nhỏ, Hùng yêu thích lĩnh vực nông nghiệp nên khi tốt nghiệp THPT, thi vào đại học ngành nông nghiệp. Tốt nghiệp, anh xin về công tác tại Nông trường cao su Bến Củi làm cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu các mô hình sản xuất để phát triển vườn cây cao su của nông trường.

Có một thực trạng là đất Nông trường Bến Củi trải qua gần 100 năm độc canh cây cao su nên đang bị thoái hoá nghiêm trọng về kết cấu và dinh dưỡng. Ông Nguyễn Văn Tài- Giám đốc Nông trường cho biết, thoái hoá đất làm cho hệ rễ sinh trưởng kém, làm giảm năng suất cây trồng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chu kỳ khai thác mủ cao su hiện nay. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải có phương pháp phù hợp cải tạo đất, làm tiền đề để khôi phục năng suất vườn cây.

Theo ông Tài, kỹ sư trẻ Nguyễn Mạnh Hùng đã mạnh dạn nghiên cứu phương pháp “cày ngầm trên đường băng kết hợp lấp hố trước khi trồng mới tái canh”. Và thực tế khi áp dụng đã đáp ứng trồng mới tái canh cây cao su chỉ cần cày ngầm kết hợp lấp hố là mang lại hiệu quả.

Theo thiết kế của kỹ sư Hùng, phương pháp trên sử dụng đầu máy có công suất 120 mã lực trở lên có gắn giàn cày ngầm gồm 3 trụ cày được lắp với khoảng cách mỗi trụ cách nhau 0,6m, có thể tuỳ chỉnh theo công suất máy để làm phá vỡ kết cấu đất bị bí chặt với luống cày 2m, trên khung cày kết hợp với 2 chảo cày để vun luống tơi xốp trước khi trồng.

Hiệu quả của phương pháp này là phá vỡ tầng đất mặt và tầng đế cày sâu từ 60cm trở lên, cũng như tạo một luống đất tơi xốp sẵn sàng cho trồng cây cao su non. Tác dụng của cày ngầm trên hàng trong giai đoạn này là làm vỡ tầng đất mặt và tầng đế cày bị nén chặt từ nhiều năm, hình thành mao quản, tăng độ thông thoáng cho đất, bảo đảm môi trường tối ưu cho rễ cây phát triển tốt, nhất là rễ cọc có thể đâm sâu vào đất giúp cho cây đứng vững. Khi bộ rễ phát triển tốt cây sẽ hấp thu dinh dưỡng tối ưu làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Bên cạnh đó, tầng đế cày bị phá vỡ không còn cản trở việc thẩm thấu nước mương xuống sâu trong lòng đất giúp cây không bị ngập úng cục bộ, chống xói mòn; và là nguồn nước dự trữ trong mùa khô giúp bộ rễ của cây có thể hút nước từ sâu trong lòng đất.

Đồng thời, khi áp dụng phương pháp này sẽ chủ động thời vụ và xử lý chống hạn sớm, có thể thay thế được công việc cuốc váng, tủ gốc vào mùa khô và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động để xử lý chống hạn cuối mùa mưa. Phương pháp “cày ngầm trên đường băng kết hợp với lấp hố trước khi trồng mới tái canh” khi đưa vào áp dụng còn tiết kiệm được cho nông trường khoảng 2,2 triệu đồng/ha, so với áp dụng phương pháp cày ngầm, cuốc váng mỗi ha tốn khoảng 2,9 triệu đồng.

Theo ông Tài, kết quả thực hiện trong mùa trồng mới năm 2018-2019 tại Nông trường cao su Bến Củi khi áp dụng phương pháp này cho thấy tỷ lệ sống ở vườn cây trồng mới tái canh được cày ngầm rất khác biệt. Tỷ lệ cây trồng mới bị chết trong mùa khô giảm đáng kể, giảm chi phí cho việc trồng giặm và chi phí cây giống; chất lượng vườn cây đồng đều, cây khoẻ mạnh là tiền đề cho vườn cây phát triển liên tục trong năm thứ nhất và những năm tiếp theo.

Kỹ sư Hùng cho biết thêm, ngoài việc nghiên cứu phương pháp “cày ngầm trên đường băng kết hợp với lấp hố trước khi trồng mới tái canh” áp dụng tại nông trường cao su Bến Củi, thời gian qua, anh còn nghiên cứu các phương pháp ứng dụng trong hoạt động chăm sóc vườn cây cao su như cải tiến máy phun thuốc cỏ, máy phòng cháy chữa cháy tại chỗ của nông trường.

Kỹ sư Hùng chia sẻ, nặng lòng với ngành cao su nên trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu nhiều phương pháp áp dụng cơ giới hoá vào hoạt động chăm sóc, sản xuất cao su tại nông trường. Theo anh, trong bối cảnh nhân công lao động ngày càng thiếu hụt thì việc nghiên cứu áp dụng cơ giới hoá vào canh tác, chăm sóc cây cao su là điều tất yếu.

THẾ NHÂN

Tin cùng chuyên mục