Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chào năm mới, với nhiều hy vọng mới
Thứ hai: 00:06 ngày 02/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025. Hoàn thành đề án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch các huyện, thị xã và thành phố Tây Ninh.

 

Vào vụ hoa Tết. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Năm 2022 là năm đầu tiên sau nhiều năm, 100% các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều vượt so với Nghị quyết của Tỉnh uỷ, của HĐND tỉnh đề ra, 19/19 chỉ tiêu vượt (gồm 9 chỉ tiêu kinh tế, 7 chỉ tiêu văn hoá - xã hội và 3 chỉ tiêu môi trường). Theo UBND tỉnh, đó là kết quả của nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ.

Phát huy thành quả đạt được trong năm 2022, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, năm 2023, UBND tỉnh tập trung triển khai các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch. Triển khai đồng bộ và quyết liệt các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ.

Triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025. Hoàn thành đề án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch các huyện, thị xã và thành phố Tây Ninh.

Tích cực đôn đốc thực hiện các giải pháp đột phá để triển khai kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 về thể chế và phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp, du lịch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tập trung nguồn lực đầu tư công cho công trình dự án trọng điểm có tính lan toả, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nội bộ các ngành và giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch và nông nghiệp, cải cách hành chính toàn diện. Tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Thực hiện lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử theo kế hoạch, cải thiện và nâng cao các chỉ số của nền hành chính tỉnh.

Từ những mong ước giản đơn…

Với nhiều người dân, mong ước của họ trong năm mới chỉ đơn giản là công việc thuận lợi hơn, cuộc sống ổn định hơn.

Đang chăm sóc vườn khổ qua cho vụ tết nguyên đán sắp tới, anh Trần Hoàng Quân, ngụ ấp Ninh Hoà, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu chia sẻ: Năm vừa qua, giá cả vật tư cao nên chi phí sản xuất cao. Anh phải vay thế chấp để đầu tư sản xuất nên thu lời không nhiều.

“Trong năm mới này, tôi mong Nhà nước có những chính sách điều chỉnh về giá cả vật tư phù hợp; hỗ trợ về cây, con giống cho nông dân”- anh Quân bày tỏ.

Là công nhân tại Khu công nghiệp Chà Là (huyện Dương Minh Châu), anh Nguyễn Quốc Thành, ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành cho biết, sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh, năm 2022 vừa qua, công việc ổn định hơn, chế độ lương, thưởng tết cũng cao hơn các năm trước, nhờ vậy mà vợ chồng anh có một cái tết đủ đầy hơn. “Sang năm mới, vợ chồng tôi tiếp tục làm việc tại đây. Chúng tôi sẽ cố gắng tích luỹ để cuộc sống tốt hơn nữa”- anh Thành nói.

Những ngày này, cửa hàng tạp hoá của chị Nguyễn Thị Thuỳ Dung ở gần chợ TP. Tây Ninh khá nhộn nhịp. Theo chị Dung, trong bối cảnh kinh tế vừa phục hồi, việc kinh doanh buôn bán có thể gọi là tạm ổn, hy vọng mùa bán tết này khấm khá hơn. Chị Dung nói vui: “Không có mơ ước gì lớn lao cả, chỉ mong kinh doanh vẫn thuận lợi, cửa hàng có thêm nhiều mối bán hàng mới, như vậy là vui rồi”.

Biểu diễn văn nghệ trên đỉnh Núi Bà thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Nguyễn Tường

… Đến những hy vọng lớn

Theo ông Trần Quốc Thịnh- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, năm 2022, du lịch Tây Ninh có sự chuyển mình mạnh mẽ, ước lượng khách lưu trú trên địa bàn đạt 3.000.000 lượt, tăng 85% so với năm 2021; khách lữ hành đạt ước 28.000 lượt, tăng 2.700% so với năm 2021; khách tham quan khu, điểm du lịch ước đạt 4.500.000 lượt, tăng 200% so với năm 2021. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2021.

Năm 2023, Trung tâm sẽ tăng cường quảng bá du lịch qua các kênh truyền hình, báo chí, như xây dựng các chương trình truyền hình trải nghiệm thực tế tại các điểm đến, ẩm thực đặc sắc địa phương… thu hút người xem; tăng cường các bài viết giới thiệu về điểm đến du lịch, ẩm thực, sự kiện du lịch, thông tin ấn phẩm điện tử trên trang thông tin điện tử của ngành, đồng thời kết nối với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp địa phương tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để du khách có thể cập nhật thông tin một cách nhanh nhất và tiện lợi hơn.

Trung tâm sẽ tích cực cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và liên kết phát triển du lịch, nhằm giúp doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác cùng phát triển du lịch giữa Tây Ninh và các tỉnh, thành…

“Trên cơ sở phát huy những thành tựu đạt được, kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030, trong năm 2023 chúng tôi hy vọng du lịch Tây Ninh có bước tạo đà và sẽ phát triển mạnh mẽ”- ông Trần Quốc Thịnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Kim Thị Minh- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh bày tỏ: “Tôi hy vọng, năm 2023 kinh tế tiếp tục được phục hồi nhanh chóng, kinh tế - xã hội của tỉnh nhà tiếp tục phát triển, đời sống của nhân dân nói chung và các tầng lớp phụ nữ ngày càng được nâng lên mọi mặt. Đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, khuyết tật, trẻ em mồ côi được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn về cả vật chất và tinh thần; phụ nữ nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định”.

“Năm 2023 là năm thứ 2 tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, với tinh thần đổi mới, sáng tạo xuyên suốt trong tất cả các hoạt động và phong trào Hội, chúng tôi tập trung củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hỗ trợ tập huấn, nâng cao kỹ năng, năng lực thực tiễn cho cán bộ Hội cơ sở.

Quan tâm chăm lo đời sống cán bộ Hội cơ sở để các chị có điều kiện tiếp tục tận tuỵ, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ; củng cố duy trì, nâng cao chất lượng và xây dựng các mô hình tập hợp hội viên; phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể ở cơ sở nhằm chăm lo cho phụ nữ, nữ thanh niên, nữ công nhân, người cao tuổi được tốt nhất”- bà Kim Thị Minh khẳng định.

Vi Xuân - Nguyên An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh