Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều năm qua, hơn 30 hộ dân ở ấp Lộc Châu, xã Lộc Hưng huyện Trảng Bàng thường xuyên rơi vào tình cảnh nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất vừa yếu, vừa chập chờn.
Theo thống kê của ngành điện Trảng Bàng, đến thời điểm hiện nay hơn 99% hộ dân vùng nông thôn đã có điện sử dụng. Tuy nhiên, trong các buổi tiếp xúc cử tri cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của UBND các xã, thị trấn về việc nguồn điện quá tải, không đủ công suất cung cấp cho việc sinh hoạt, tưới tiêu. Mặc dù đã nhiều lần phản ánh, nhưng tình trạng trên vẫn chưa được quan tâm giải quyết.
Người dân ấp Lộc Châu bên đường dây điện chằng chịt, xuống cấp
Ở nhiều khu dân cư, do đợi ngành điện đầu tư quá lâu nên người dân phải tự kéo đường dây về sử dụng tạm. Nhiều hộ phải kéo dây điện khoảng 500- 1.000m từ trụ chính vào nhà với hệ thống dây dẫn giăng mắc chằng chịt. Hậu quả là điện bị thất thoát lớn trên đường dây và người dân phải gánh chịu; đã vậy nguồn điện lại rất yếu, không bảo đảm cho sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu.
Ông Nguyễn Văn Quý (sn 1958) nhà ở ấp Lộc Châu chia sẻ, gia đình thường xuyên chịu cảnh bị mất điện, sử dụng ít phải trả tiền nhiều, các thiết bị điện tử dễ hư hỏng, xuống cấp, mỗi lần chỉ sử dụng được 1 thiết bị.
Gần đây nhất, gia đình bà Phan Thị Cưng (sn 1952) đã phải trả gần 3,5 triệu đồng tiền sử dụng điện trong một tháng, mặc dù hàng ngày cả gia đình bà đều đi làm, và cũng không sử dụng điện nhiều. Trước đó, gia đình anh Nguyễn Văn Khanh (sn 1985) ngụ cùng ấp cũng đã phải chi trả hơn 1 triệu đồng tiền điện trong 1 tháng, mà gia đình anh cũng chỉ dùng điện để nấu cơm và thắp sáng.
Ông Phạm Văn Đực (sn 1954), Trưởng ấp Lộc Châu cho biết: với diện tích hơn 600 ha và gần 1.657 nhân khẩu, người dân ấp Lộc Châu sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Việc phải sử dụng nguồn điện yếu, không ổn định trong một thời gian dài khiến người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, bất tiện. “Mong mỏi của người dân là được dùng điện ổn định để sinh hoạt và sản xuất”- ông Đực nói.
Minh Tùng – Thái Thu