Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giảm nghèo đa chiều:
Chất lượng cuộc sống không chỉ bó hẹp trong cái… dạ dày
Thứ sáu: 06:05 ngày 02/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Có ý kiến cho rằng, trước đây, một thời gian dài, chuyện giảm nghèo chỉ lo đến cái ăn. Nay, giảm nghèo theo tinh thần đa chiều đòi hỏi cao hơn, ngoài cái ăn cái mặc còn có những nhu cầu tinh thần khác. Chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, cận nghèo không chỉ bó hẹp trong cái dạ dày.

Bà Kim Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh thăm hỏi đời sống của một người nghèo ở huyện Gò Dầu.

Tháng 3.2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức đợt kiểm tra và phúc tra kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2016 tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Sau đợt kiểm tra, phúc tra kéo dài nửa tháng, Sở LĐ-TB&XH đã đưa ra những đánh giá chính thức về tình hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Sở, tất cả các địa phương thực hiện đúng theo quy định về kế hoạch tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát còn hạn chế (do số lượng người dân tham dự ít), vì vậy chưa thể hiện sự thống nhất cao trong bình xét hộ nghèo.

Việc ban hành quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo trên địa bàn còn chậm, có sai sót. Cụ thể là một số địa phương đã thực hiện một số chính sách như bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền tết đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trước khi ban hành quyết định công nhận hộ nghèo, cận nghèo.

Một trong những vấn đề nổi lên trong đợt kiểm tra, phúc tra vừa qua là, so với năm 2015, năm 2016 toàn tỉnh tăng thêm 5.712 hộ trong diện rà soát (tỷ lệ tăng 1,96%). Một số huyện, thành phố số lượng hộ được đưa vào danh sách rà soát tăng khá cao như thành phố Tây Ninh tăng 1.423 hộ (tỷ lệ 4,08%), huyện Tân Châu tăng 976 hộ (tỷ lệ 2,98%), huyện Gò Dầu tăng 943 hộ (tỷ lệ 2,54%).

Giải thích về nguyên nhân tăng số hộ, các huyện cho rằng do tách hộ, nơi khác chuyển đến. Đoàn kiểm tra đã đề nghị địa phương xác định lại số hộ tăng năm 2016 (so với năm 2015) trên địa bàn, phân tích nguyên nhân tăng, có hợp lý không, tránh tình trạng lợi dụng chính sách tách hộ để hưởng chính sách hộ nghèo.

Về giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo, theo đánh giá của các địa phương, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giảm nghèo năm 2016 thấp hơn so với năm 2015. Trong đó, phải kể đến yếu tố giảm nghèo đa chiều.

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 bao gồm các tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.  Để thoát nghèo, thoát cận nghèo, các hộ gia đình cần phải cải thiện cả về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin, nhà ở…

Các hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ mới tiếp cận các chính sách, chế độ giảm nghèo được gần 1 năm nên chưa có điều kiện, khả năng vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ trên địa bàn tỉnh (theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015) là 4,32%, trong khi ước tính của Bộ LĐ-TB&XH là 6,57%.

Trong đó, nhóm hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo (hộ già cả, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động, hộ nhiều người ăn theo) là 3.015 hộ/4.999 nhân khẩu, tỷ lệ 49,42% tổng số hộ nghèo năm 2015. Thực tế cho thấy, khả năng thoát nghèo của những hộ này là rất thấp.

Theo quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH thì năm 2016, điểm số xác định hộ nghèo cao và điểm số xác định hộ cận nghèo thấp hơn so với năm 2015 là một trong những nguyên nhân làm tỷ lệ giảm nghèo thấp.

Cụ thể là điểm số xác định hộ nghèo năm 2016 cao hơn so với năm 2015. Hộ nghèo thuộc nhóm N1 (nhóm hộ nghèo có mức thu nhập từ 700 ngàn đồng/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn và 900 ngàn đồng/tháng ở khu vực thành thị) tăng từ 110 điểm lên 120 điểm ở khu vực nông thôn và tăng từ 125 điểm lên 140 điểm ở khu vực thành thị.

Do đó, số hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 khó có khả năng thoát nghèo, thoát cận nghèo dẫn đến tỷ lệ thoát nghèo thấp và tỷ lệ phát sinh hộ nghèo cao. Đối với hộ cận nghèo, do liên quan đến quy định điểm số nên một số hộ là hộ cận nghèo năm 2015 rơi xuống thành hộ nghèo năm 2016, đồng thời những hộ không là hộ nghèo của năm 2015 có nhiều khả năng rơi vào nghèo và cận nghèo năm 2016.

Nhiều hộ gia đình gặp biến cố, rủi ro trong cuộc sống, có người ốm đau, bệnh hiểm nghèo, tai nạn xảy ra làm mất khả năng lao động trong năm 2016 cũng là nguyên nhân dẫn đến phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số hộ đã tái nghèo, tái cận nghèo. Một điều nữa phải kể đến, đó là một số hộ nghèo, hộ cận nghèo không muốn thoát nghèo, có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chế độ, chính sách của Nhà nước. Những hộ này có thể không kê khai đúng mức thu nhập, điều kiện, mức độ sinh hoạt của hộ trong quá trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Liên quan đến chuyện hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo chiếm tỷ lệ cao, Sở LĐ-TB&XH cho biết, qua báo cáo của một số địa phương kết hợp với kiểm tra xác suất, đoàn kiểm tra, phúc tra nhận thấy việc xác định hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo của địa phương tương đối chính xác.

Đoàn đề nghị địa phương rà soát, xác định lại số hộ không có khả năng thoát nghèo, phân nhóm để thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chính xác.

Về đặc điểm của hộ nghèo, hộ cận nghèo; các hộ nghèo, hộ cận nghèo có chủ hộ là nữ chiếm tỷ lệ rất cao (trên 50%). Đây là những hộ thuộc diện goá bụa, phụ nữ lớn tuổi, khuyết tật, đơn thân nuôi con nên việc thực hiện các chính sách giảm nghèo gặp khó khăn.

Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có chủ hộ là thanh niên, là số hộ mới tách hộ từ hộ nghèo, hộ thanh niên khuyết tật, bệnh tật. Mặc dù nhóm này chiếm tỷ lệ không cao nhưng đây là lực lượng nòng cốt, cần có giải pháp giúp họ nhanh chóng thoát nghèo.

Với hộ nghèo, hộ cận nghèo có chủ hộ là người dân tộc thiểu số, cựu chiến binh, có công với cách mạng, tỉnh đã có chủ trương tạo điều kiện hỗ trợ để nhóm đối tượng này có mức sống từ trung bình trở lên.

Tình hình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, các địa phương đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng về chính sách bảo hiểm y tế đối với hội nghèo.

Còn đối với hộ cận nghèo, người thuộc diện cận nghèo mới thoát nghèo năm 2016 được ngân sách Nhà nước tiếp tục hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT, các địa phương đã thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Người thuộc diện hộ cận nghèo mới phát sinh (theo kết quả rà soát năm 2016) các địa phương đã triển khai chính sách đến tận người dân (Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ), tuy nhiên, người thuộc diện được thụ hưởng tham gia BHYT chiếm tỷ lệ rất thấp.

Về chính sách nhà ở, các địa phương rất quan tâm, tích cực vận động nguồn lực xã hội, tổ chức xây tặng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ cho phép trích từ Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, các địa phương đang khẩn trương rà soát lại lần cuối để gửi phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện có văn bản đề nghị Uỷ ban MTTQ tỉnh hỗ trợ.

Đối với hộ nghèo chưa có nhà, nhà tạm không có đất, địa phương tiếp tục vận động gia đình, người thân, cộng đồng, các nhà hảo tâm hiến, cho ở lâu dài... để đủ điều kiện xây tặng nhà.

Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” (40 triệu đồng/căn cho hộ nghèo), huyện, xã tiếp tục vận động nguồn lực để xây dựng công trình phụ (nhà tắm, nhà vệ sinh) giúp hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo có người khuyết tật, người cao tuổi cô đơn được thuận tiện trong sinh hoạt.

Chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo, các địa phương đang triển khai thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2.10.2015 của Chính phủ, tuy vậy, qua kiểm tra cho thấy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập còn lúng túng, chưa đồng bộ (một số địa phương chưa thực hiện).

Liên quan chính sách đào tạo nghề, tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, phụ nữ cô đơn, người dân tộc thiểu số... tham gia đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg rất thấp. Theo thống kê, năm 2016 chỉ có 138/4.532 người tham gia.

Mặc dù địa phương có vận động, dành ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhưng chưa thu hút được người nghèo tham gia học nghề. Nguyên nhân được xác định do người lao động phải tham gia lao động để kiếm sống hằng ngày, nghề được đào tạo không phù hợp với khả năng và nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Qua kiểm tra, phúc tra, các địa phương nêu một số kiến nghị, trong đó đề nghị triển khai sớm, nới rộng thời gian thực hiện rà soát; cho điều chỉnh tỷ lệ giảm nghèo hằng năm thấp hơn so với nghị quyết của huyện; hướng dẫn và thống nhất công tác cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Địa phương đề nghị không đưa hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo (khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; người cao tuổi cô đơn) vào danh sách hộ nghèo mà có chính sách riêng để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm.

Qua khảo sát thực tế một số hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo có người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, hộ nghèo có người cao tuổi cô đơn đã được hỗ trợ nhà đại đoàn kết nhưng chưa có nhà tắm, nhà vệ sinh. Nguyện vọng của người dân và địa phương là được hỗ trợ thêm công trình phụ này để đối tượng thụ hưởng được thuận tiện hơn trong sinh hoạt cá nhân.

Sở LĐ-TB&XH nhận thấy, các địa phương xác định được tầm quan trọng của công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm nên tích cực trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, đúng quy trình. Số liệu điều tra, rà soát phản ánh khá trung thực, khách quan, phục vụ tốt cho việc xây dựng các chỉ tiêu kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng hằng năm của địa phương, đồng thời làm cơ sở cho việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Tỷ lệ giảm nghèo mặc dù thấp, không đạt so với nghị quyết của huyện, xã đề ra nhưng hợp lý, thể hiện sự quyết tâm của địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm quyền lợi cho người dân, không chạy theo thành tích, được sự đồng thuận của người dân.

Tuy nhiên, công tác quản lý đối tượng ở một số nơi còn lỏng lẻo, chưa được cập nhật thường xuyên, số liệu chưa thống nhất giữa các ngành. Việc thực hiện các chính sách, chế độ giảm nghèo trên địa bàn mặc dù có triển khai thực hiện đầy đủ nhưng còn hạn chế, nhiều địa phương chưa thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập. Số người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế rất ít, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề chưa thu hút nhiều lao động hộ nghèo, người khuyết tật.

Có ý kiến cho rằng, trước đây, một thời gian dài, chuyện giảm nghèo chỉ lo đến cái ăn. Nay, giảm nghèo theo tinh thần đa chiều đòi hỏi cao hơn, ngoài cái ăn cái mặc còn có những nhu cầu tinh thần khác. Chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, cận nghèo không chỉ bó hẹp trong cái dạ dày.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh