Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong số các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh là cơ sở đào tạo có uy tín, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm cao nhất.
Trong khi nhiều trường nghề tồn tại một cách thoi thóp vì tuyển sinh không được thì Cao đẳng Nghề Tây Ninh lại luôn dồi dào nguồn tuyển. Câu trả lời cho “hiện trượng lạ” vừa nêu thật ra không khó: hướng đi phù hợp và chất lượng đào tạo quyết định sự thành công. Lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề đã nhiều lần khẳng định “bất kỳ học sinh, sinh viên nào học nghề, tốt nghiệp mà không có việc làm thì hãy báo cho chúng tôi”.
Học viên, sinh viên Trường cao đẳng Nghề trong giờ thực hành ở xưởng.
Lãnh đạo trường cho biết, đơn vị đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho địa phương, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Với phương châm đa dạng hoá các loại hình, mở rộng ngành nghề và liên kết đào tạo... hằng năm, nhà trường tuyển sinh hệ chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu về lực lượng lao động có tay nghề cho các thành phần kinh tế trong tỉnh, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.
Hiện nay, trường đào tạo hệ cao đẳng gồm 6 nghề: cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, quản trị cơ sở dữ liệu, kế toán doanh nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh... Riêng hệ trung cấp, nhà trường đào tạo 15 nghề.
Tổng diện tích đất của trường rộng hơn 20 ngàn mét vuông, với hàng chục phòng học lý thuyết, xưởng thực hành. Trong mấy năm gần đây, Trường Cao đẳng Nghề tập trung đầu tư thiết bị thực hành với trang thiết bị công nghệ tiên tiến, đưa vào giảng dạy và phát huy được hiệu quả.
Đơn cử, nghề công nghệ ô tô có các thiết bị, mô hình hiện đại để kiểm tra, sửa chữa động cơ, hệ thống phanh, hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu. Nghề cắt gọt kim loại cũng đã được trang bị máy tiện, phay, bào, máy cắt dây, máy mài phẳng, máy mài tròn, máy tiện. Các thiết bị dạy nghề hiện có tại trường đã đáp ứng được một phần yêu cầu của đơn vị, người sử dụng lao động, thị trường lao động.
Số liệu thống kê cho thấy, đơn vị đào tạo này thường xuyên tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với kế hoạch, ví dụ năm học 2019 – 2020, nhà trường tuyển đạt 137%; hai năm liền (2018 – 2019), có gần 1.200 người tốt nghiệp và đều có việc làm (số liệu do nhà trường công bố với đoàn giám sát của HĐND tỉnh).
Để có kết quả nêu trên, căn cứ nhu cầu của thị trường lao động, nhà trường đã điều chỉnh kế hoạch đào tạo bằng cách làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, ký biên bản ghi nhớ trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ lao động.
Thông qua các phương tiện thông tin, nhà trường thu thập về cung - cầu lao động, nhu cầu sử dụng lao động của thị trường theo các cấp trình độ, ngành nghề. Từ đó, cán bộ của trường tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin thống kê, khai thác, cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực.
Trường đã chuyển đổi mạnh mẽ theo phương châm “những gì thị trường cần” và “những gì thị trường sẽ cần” để thực hiện công tác đào tạo nguồn lao động. Nhà trường kết hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các garage sửa chữa ô tô, Toyota Hùng Vương, Toyota Lý Thường Kiệt, Công ty Can Sports Việt Nam Tây Ninh, Công ty Scancom Việt Nam Bình Dương, KCN Trảng Bàng, KCN Phước Đông, Công ty An Hạ Long An, Công ty Cơ khí Tây Ninh, Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), Công ty TNHH SaiLun Việt Nam... đưa học sinh, sinh viên đi thực tập, sau đó các doanh nghiệp này tiếp nhận học sinh, sinh viên ra trường. Trong các đợt trao bằng tốt nghiệp, nhà trường còn kết hợp mời các doanh nghiệp đến giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên...
Không chỉ vậy, hằng năm, nhà trường còn phối hợp với Phòng GD&ĐT thành phố và các huyện, thị đến các trường THCS, THPT trong tỉnh để tư vấn nghề và tuyển sinh khối lớp 9, khối lớp 12 vào học nghề.
Nhà trường liên kết với Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho học sinh đăng ký học liên thông lên bậc đại học hệ vừa làm vừa học. Thống kê cho thấy, mỗi năm có từ 5-10% học sinh, sinh viên của nhà trường tham gia thi, xét tuyển vào hệ đại học tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.
Nhà trường còn liên kết với ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Trường Cao đẳng Nghề TP.Hồ Chí Minh để bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên. Kết quả, 14 giáo viên được công nhận trình độ kỹ năng nghề cấp quốc gia và trên 90 giáo viên bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề nâng cao theo quy định mới của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Để không lạc hậu với sự phát triển, nhà trường có nhiều điều chỉnh với những bước đi phù hợp. Trong đó, trường chú trọng chuẩn hoá chương trình đào tạo về kiến thức và kỹ năng, đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; thường xuyên cập nhật, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực nhận thức, năng lực tự học, tự nghiên cứu và làm việc nhóm của học sinh, sinh viên.
Về đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên phải đủ chuẩn về chuyên môn giảng dạy, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chuẩn hoá về trình độ, kỹ năng nghề. Nhà trường tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hoạt động đào tạo.
Mặt khác, trường đảm bảo các điều kiện về học liệu, trang thiết bị học tập, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu sử dụng của cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên. Đổi mới công tác quản lý đào tạo theo hướng phân cấp cho các phòng, khoa và bộ môn.
Cùng với đó là tinh gọn bộ máy, đổi mới tổ chức và hoạt động từng bộ phận làm việc theo hướng cơ chế tự chủ. Nâng cao chất lượng giảng dạy theo yêu cầu sử dụng lao động và người học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học...
Sự thành công của Trường Cao đẳng Nghề chứng minh rằng, cùng một cơ chế nhưng nếu lãnh đạo cơ quan, đơn vị có tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, mạnh dạn, tiên phong trong đổi mới thì không những tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ; ngược lại, chỉ biết “kêu khó kể khổ” thì không thể giải quyết được vấn đề.
Việt Đông