Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện dân chủ, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 9.6.2015 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Đây là cơ sở pháp lý để MTTQ Việt Nam thực hiện có hiệu quả hơn về trách nhiệm, quyền của mình, trong đó có nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.
Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện dân chủ, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Qua 3 năm thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức giám sát 4 nội dung: công tác quản lý nhà nước đối với người nghiện chất ma tuý tại Trung tâm giáo dục, Lao động xã hội tỉnh; công tác quản lý nhà nước về hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế cho người dân; công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã. Đồng thời phản biện xã hội 2 nội dung: dự thảo đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và “dự thảo quy định các tiêu chí ưu tiên lựa chọn đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố trong tỉnh giám sát 85 nội dung, phản biện 60 nội dung. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã giám sát chủ yếu thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Riêng trong năm 2016, MTTQ Việt Nam cấp xã đã giám sát 1.062 vụ việc, trong đó Thanh tra nhân dân giám sát 368 cuộc, Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 694 cuộc.
Những kết quả trên đã góp phần nâng vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng chính quyền, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Qua kiểm tra, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá hoạt động giám sát, phản biện của hệ thống Mặt trận Tây Ninh được thực hiện bài bản, có kết quả cụ thể.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh Tây Ninh còn những hạn chế như: một số nơi còn lúng túng trong việc xây dựng chương trình giám sát, chương trình phản biện xã hội; cơ chế, chế tài về trách nhiệm pháp lý của đối tượng được giám sát chưa được quy định rõ ràng; một số cơ quan, tổ chức có liên quan chưa cung cấp kịp thời tài liệu để tạo điều kiện cho Mặt trận thực hiện phản biện xã hội; kinh phí phục vụ các hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng kịp thời...
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong năm 2017, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh sẽ quan tâm thực hiện 4 hình thức giám sát gồm: nghiên cứu xem xét văn bản; tổ chức đoàn giám sát có sự tham gia của tổ chức thành viên liên quan và chuyên gia; giám sát thông qua hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; phối hợp giám sát với các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời thực hiện tốt 3 hình thức phản biện là: tổ chức hội nghị phản biện; gửi văn bản lấy ý kiến; đối thoại trực tiếp với cơ quan lấy ý kiến phản biện.
Mặt trận cấp huyện lựa chọn ít nhất 2 chương trình giám sát theo hình thức tổ chức đoàn giám sát; ở cấp xã tập trung vào tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở và các công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã.
Đối với phản biện xã hội, Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, huyện, xã sẽ lựa chọn phản biện xã hội các dự án, chính sách, kế hoạch, quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà đa số người dân quan tâm.
Xuân Lãnh