Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cây xanh là phần không thể tách rời của không gian đô thị, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà không khí. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến công tác quản lý cây xanh đô thị, với hy vọng cải thiện và bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá cây xanh đô thị vẫn còn xảy ra, gây khó khăn cho việc quản lý hệ thống cây xanh trên các tuyến đường.
Cây xanh sử dụng công cộng là các loại cây được trồng trên đường phố, trong công viên, vườn hoa, quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị.
Tình trạng huỷ hoại cây xanh đô thị xảy ra dưới nhiều hình thức như cưa cành, trám xi măng quanh gốc, đóng đinh, đốn hạ, tự ý di dời thay thế cây trước nhà, tỉa cành, giăng dây điện, đèn, đóng đinh, treo dán quảng cáo... Việc chặt phá cây thường vì một số lí do như ảnh hưởng đến lối ra vào, tán cây che khuất mặt tiền kinh doanh, che bảng hiệu, bảng quảng cáo, thậm chí là không tốt về mặt phong thuỷ.
Ông T.T.H, ngụ phường Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh cho biết, “Cây xanh được trồng để che mát, điều hoà không khí cho đường phố. Nhiều cá nhân vì lợi ích riêng thẳng tay chặt cây không thương tiếc, gây thiệt hại về mặt kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường. Đây là hành vi sai trái, cần xử lý nghiêm để tránh tái phạm”.
Vừa qua, trên địa bàn phường 3 (TP.Tây Ninh) có một trường hợp chặt cây bằng lăng trước nhà, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kịp thời có mặt xử lý. Được biết, cây bằng lăng được trồng trên vỉa hè từ trước, vị trí trồng ngay cổng nhà chỉ có 5 mét ngang nên gia đình không thể cho xe ô tô ra vào, ảnh hưởng đến đời sống.
Vào tháng 10.2020, chủ nhà làm đơn xin dịch chuyển cây xanh đô thị, được UBND Thành phố cấp giấy phép. Gia đình đã di dời cây bằng lăng theo đúng quy định về phía bên phải đất hướng từ ngoài đường nhìn vào là 1,7 mét. Sau nhiều tháng di dời, chủ nhà phát hiện cây có biểu hiện chết, chủ động chặt với ý định trồng cây mới.
Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được chỉnh trang hệ thống cây xanh, bảo đảm an toàn điện.
Do thiếu hiểu biết về các quy định, trường hợp này đã có hành vi tự ý chặt hạ cây xanh đô thị trồng trên vỉa hè. Sau khi phát hiện vi phạm, địa phương đã lập biên bản, tham mưu cơ quan chức năng xử lý. Chủ nhà cũng đã liên hệ với cơ quan chức năng để xin trồng cây mới.
Thời gian qua, phường 3 thường xuyên nhắc nhở mọi người không treo bảng, giăng dây điện, đèn, đóng đinh làm cản trở sự phát triển cây xanh đô thị. Khi người dân có nhu cầu di dời, thay thế, trồng mới cây xanh đô thị phải được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.
Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị có quy định rõ, cây xanh đô thị là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị. Trong đó, cây xanh sử dụng công cộng là các loại cây xanh được trồng trên đường phố; cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị.
Ông Nguyễn Thanh Long- Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 3 vụ chặt hạ cây xanh đô thị. Đối với các vụ việc này, đa số người dân có nhận thức kém về việc tự ý chặt hạ cây xanh trên đường.
Phòng Quản lí đô thị thành phố phát hiện kịp thời, phối hợp với UBND phường, xã xử lý hành chính đối với cá nhân có hành vi vi phạm. Sau khi xử phạt, cá nhân có nhận thức về hành vi của mình, chấp hành quyết định xử phạt hành chính, khôi phục lại tình trạng ban đầu, trồng lại cây mới theo đúng quy định.
Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chính đáng về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị cần tuân thủ nghiêm các quy định. Điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây bao gồm: cây đã chết, bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không bảo đảm an toàn; cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Những trường hợp cây xanh trên vỉa hè nằm trước nhà gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, cản trở lối ra vào duy nhất của thửa đất đang sử dụng của tổ chức, cá nhân cũng phải được cơ quan chức năng xem xét cho di dời. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị cần có đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển; kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây; sơ đồ vị trí cây cần chặt hạ, dịch chuyển; ảnh chụp hiện trạng cây cần chặt hạ, dịch chuyển. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây được nộp tại cơ quan quản lý cây xanh đô thị theo quy định.
Quan tâm cải tạo cảnh quan đô thị, trồng cây tại một số tuyến đường trên địa bàn.
Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết thêm, đơn vị đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý cây xanh, tập trung nâng cấp, cải tạo cảnh quan đô thị, trồng hoa, cây tại một số công viên và tuyến đường chính trên địa bàn.
Trong năm 2020, hoàn thành chỉnh trang cây xanh trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Lê Kha, Võ Văn Truyện, Trần Hưng Đạo (phường 1). Thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉnh trang hệ thống cây xanh đô thị, bố trí loại cây phù hợp với từng tuyến đường; tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời cá nhân, tổ chức vi phạm. UBND xã, phường cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chấp hành các quy định, không có hành vi chặt phá, cản trở sự phát triển của cây xanh.
Tại Điều 53, Nghị định 139/2017/NĐ-CP nêu rõ: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây làm hư hỏng cây xanh; xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên hoặc những nơi công cộng khác không đúng quy định; giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định.
Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh hoặc tự ý xâm hại, cản trở sự phát triển của cây xanh trong khu vực đô thị. Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định.
Phương Thảo