Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hôm (6/6), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐB). Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Sẽ có những sản phẩm du lịch thể thao
Trả lời câu hỏi của các ĐB về giải pháp đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn, phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết điểm đầu tiên cần cải thiện đó là về hạ tầng, nhất là hạ tầng sân bay hiện đang quá tải, không có chỗ đỗ máy bay.
Nếu tăng lượng khách khoảng 20% - 30% thì tình hình này rất khó khăn. “Đây là điểm nghẽn lớn”- Bộ trưởng nhấn mạnh. Thứ hai là vấn đề thị thực, nếu trong tương lai không tháo gỡ thì du lịch rất khó để tăng trưởng mạnh… Về nguồn nhân lực, Bộ trưởng Thiện cho biết, một trong những “điểm nghẽn” là hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà quản lý khách sạn 4, 5 sao, gần như chúng ta phải thuê người nước ngoài.
Một số ĐB bày tỏ lo ngại khi khách quốc tế quay lại thăm nước ta rất thấp. Năm 2017, theo điều tra, khách quốc tế quay lại khoảng 40% và chi tiêu của khách tại Việt Nam thấp hơn so các nước trong khu vực. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận đây là những vấn đề ngành du lịch hiện hết sức quan tâm và tập trung chỉ đạo làm thế nào để khách quốc tế lưu lại lâu hơn.
“Trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ có những sản phẩm du lịch thể thao, sang năm sẽ có F1 đua tại Việt Nam. Đây là một dòng sản phẩm có thể thu hút nhiều khách Việt Nam và khách nước ngoài. Chúng ta sẽ tổ chức nhiều giải thể thao như SEAGame. Chắc chắn du lịch về thể thao là một trong những sản phẩm du lịch của Việt Nam trong tương lai”, Bộ trưởng Thiện tin tưởng cho biết.
Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng
Ngay sau phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐB.
Trước khi trả lời trực tiếp các chất vấn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm và các giải pháp, nhiệm vụ của Chính phủ từ nay đến cuối năm. Theo đó, liên quan đến thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: Giải ngân 5 tháng đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, bằng gần 29% kế hoạch (cao hơn so với cùng kỳ là 27,4%).
Về phát triển doanh nghiệp (DN), kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, hiện nay, cả nước có trên 730 nghìn DN đang hoạt động, trên 100 nghìn DN thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là DN nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, năng lực, hiệu quả của khu vực DN tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là DN nhỏ và vừa.
“Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Nêu vấn đề cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng về quan điểm của chúng ta, hành động của chúng ta thế nào cho phù hợp? Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, các tổ chức thương mại, kinh tế thế giới đều đánh giá, nếu cuộc chiến này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu, dự báo tăng trưởng từ 3,5% có thể giảm xuống còn 3,2%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam đã chuẩn bị nhiều kịch bản trước diễn biến thương chiến Mỹ - Trung, trong đó có việc tập trung ổn định vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Chất vấn Phó Thủ tướng, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam liên tục bị bắt giữ khi đánh cá ở khu vực chưa phân định, đồng thời đặt câu hỏi Chính phủ có giải pháp nào để bảo vệ ngư dân? Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, vấn đề bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo vệ ngư dân đánh cá hợp pháp trong vùng biển của ta: “Chúng ta sẽ kiên quyết đấu tranh với các nước nếu họ bắt ngư dân của ta khi đánh cá trong vùng biển hợp pháp của ta. Vừa qua, cũng có một số ngư dân của ta bị bắt giữ trên vùng biển chưa phân định, cụ thể giữa Việt Nam và Indonesia.
Một số vụ đã xảy ra va chạm, mỗi lần như vậy, Bộ Ngoại giao đều trực tiếp trao đổi và phản đối với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và với đối tác ở Indonesia đòi được thả và đền bù. Với những ngư dân đi đánh cá tại những vùng biển, vùng đặc quyền của các nước, chúng ta cũng bảo hộ ngư dân thông qua việc yêu cầu đối xử nhân đạo, xét xử công bằng...”.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp đã có 230 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng.
Các vị ĐB đã nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tập trung thẳng vào các vấn đề chất vấn. Các thành viên Chính phủ đã không né tránh những vấn đề được hỏi và đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề ĐB nêu; đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực và cam kết khắc phục tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Các câu hỏi chất vấn của các vị ĐB một mặt thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, nhưng mặt khác cũng chính là sự đồng hành, chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đồng thời cũng là những gợi ý, bổ sung những giải pháp cho các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành hướng tới giải quyết hiệu quả các tồn tại, hạn chế, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của nhân dân và cử tri cả nước.
Sẽ giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng vào bậc học phổ thông
Liên quan tới câu hỏi về giải pháp ngăn chặn những độc hại từ mạng xã hội của ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng trả lời thay Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, giải pháp của chúng ta là hệ thống pháp luật phải nhanh chóng đi vào không gian mạng. Lâu dài phải đưa giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng vào bậc học phổ thông. Đây là giải pháp căn cơ nhất.
Để người tham gia không gian mạng không “xả rác”, các nhà mạng và bộ, ngành quản lý phải có bộ lọc. Hiện Bộ TT&TT đã có Trung tâm truyền thông giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia, cơ bản đã làm được việc phân tích, đánh giá, lọc "rác". Với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng gỡ bỏ, kể cả các mạng xã hội nước ngoài.
Nguồn baophapluat