Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo và báo chí: Lợi ích, rủi ro cùng những vấn đề pháp lý và đạo đức
Thứ sáu: 11:49 ngày 10/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1951-11/3/2023), chúng tôi xin giới thiệu bài viết của đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về chủ đề: Chat GPT, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Báo chí.

Trí tuệ nhân tạo (AI)
Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo

Giờ thì đi đâu người ta cũng nhắc mấy từ này.

Có thể thấy sự hồ hởi ở khắp nơi. Mọi người thấy thú vị khi chuyện trò với ChatGPT, với những kết quả thông minh đến bất ngờ và cả sự ngây ngô mà nó hồi đáp. Rồi có cả những e ngại tới mức có những trường học đã cấm sử dụng công cụ đang gây sốt này.

Tỷ phú Elon Musk mới đây cho rằng AI là một công nghệ nguy hiểm, thậm chí có thể nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân. Trái với quan điểm đó, cựu CEO Microsoft, tỷ phú Bill Gates lại cho rằng AI không tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào.[1]

Các chuyên gia đã chỉ ra rất nhiều lợi ích của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn có thể sử dụng ChatGPT trong việc trả lời các truy vấn của khách hàng, trợ lý ảo cá nhân, là công cụ lập trình, viết email, soạn các bài thuyết trình, quản lý thời gian hoặc các cuộc họp, v,v…[2] Tuy có nhiều trường học ở Mỹ cấm ChatGPT vì lo ngại tình trạng đạo văn nhưng trong một cuộc khảo sát hồi đầu tháng 2 ở nước này, các giáo viên và học sinh vẫn đang sử dụng ChatGPT thường xuyên và coi nó là một động lực tích cực trong giáo dục.[3]Các giáo viên cho biết họ sử dụng công cụ AI để lập kế hoạch bài giảng (30%), đưa ra những ý tưởng sáng tạo cho lớp học (30%) hoặc củng cố kiến thức nền cho các bài giảng và lớp học (27%). 

Trong lĩnh vực báo chí, đã có hàng loạt câu hỏi cả về cơ hội cũng như thách thức, và cả sự giận dữ cũng như những tác động của trí tuệ nhân tạo đối với hoạt động báo chí nói chung và với các vị trí việc làm của các nhà báo. 

Cuối tháng 2 vừa qua, trong một văn bản nội bộ, CEO của tập đoàn báo chí Đức Axel Springer là Mathias Doepfner đã thẳng thừng tuyên bố rằng các nhà báo đang có nguy cơ bị các hệ thống AI như ChatGPT thay thế.

Theo ông, những công cụ AI như ChatGPT hứa hẹn “một cuộc cách mạng” về thông tin, và sẽ sớm vượt con người về khả năng thu thập thông tin. “Hiểu rõ về sự thay đổi này là điều tối quan trọng đối với tương lai của một cơ quan báo chí,” Doepfner nói. “Chỉ những cơ quan tạo ra được nội dung gốc xuất sắc nhất mới có thể tồn tại."[4]

Với việc ChatGPT có thể viết các bài luận, bài phát biểu, thậm chí cả các đoạn mã máy tính trong vòng vài giây, còn Midjourney và DALL-E 2 có thể tạo ra bất kỳ bức hình nào mà chúng ta có thể tưởng tượng ra, cũng dễ hiểu khi ai đó lo lắng rằng sự  phát triển của AI – và việc ngày càng phụ thuộc vào nó – có thể khiến cho vị thế của báo chí vốn tồn tại hàng trăm năm qua trở nên lung lay. 

Axel Springer không phải cơ quan báo chí đầu tiên tính đến chuyện sử dụng AI để tạo nội dung. Hồi tháng 1/2023, BuzzFeed công bố kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo để “tăng cường” nội dung và các câu đố online.[5] Buzzfeed dự kiến sẽ cắt giảm 12% nhân lực. 

Tại Anh, Reach – công ty mẹ của các nhật báo Daily Mirror và Daily Express – bắt đầu xuất bản những bài báo do trí tuệ nhân tạo viết ra. Hôm 7/3 vừa qua, Giám đốc điều hành Jim Mullen thừa nhận rằng Reach đã đăng tải trên các trang tin địa phương 2 bài báo sử dụng hệ thống AI gọi là Scribe, và thử nghiệm đó sẽ được mở rộng.[6]


Công ty này, cũng sở hữu các tờ Manchester Evening News, Liverpool Echo và rất nhiều đầu báo khác, đã phác thảo kế hoạch cắt giảm hàng trăm nhân viên để đối phó với việc chi phí tăng cao và doanh thu giảm sút.


Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, hệ thống trí tuệ nhân tạo ChatGPT tạo ra một cơn sốt trên toàn cầu và có đến hơn 100 triệu người dùng, khiến phỏng đoán lâu nay về thời điểm trí tuệ nhân tạo làm cho nhiều công việc của con người bị thay thế sẽ tới nhanh hơn.

ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng, sinh ra bất kỳ cái gì từ các bài luận cho đến đơn xin việc, cho đến thơ và cả các câu chuyện giả tưởng. ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn, được huấn luyện thông qua việc tải lên hệ thống hàng tỷ từ ngữ trong cuộc sống mỗi ngày trên mạng Internet. Từ đó, nó phỏng đoán các câu và từ ngữ theo các chuỗi nhất định. 

Tuy nhiên, sự chính xác của các câu trả lời là điều bị đặt dấu hỏi. Các học giả ở Australia đã phát hiện những thí dụ cho thấy hệ thống này ngụy tạo các nguồn tham khảo từ các website rồi trích dẫn các câu nói giả mạo. 


Một bài báo của CNET dùng AI để sản xuất.

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí cũng gây ra nhiều tranh cãi. Website thông tin công nghệ CNET sử dụng AI để sinh ra các bài viết rồi sau đó các biên tập viên sẽ kiểm tra lỗi trước khi xuất bản. Trang này thừa nhận hồi tháng 1 rằng chương trình có nhiều hạn chế, sau khi một bài viết trên trang tin tức công nghệ Futurism tiết lộ rằng hơn một nửa tin bài tạo ra bằng các công cụ AI đã phải qua biên tập để sửa lỗi.[7] Có lần, CNET đã buộc phải có những đính chính đối với một bài viết có quá nhiều lỗi đơn giản.

Trên đây là thí dụ về những nội dung đơn lẻ do trí tuệ nhân tạo sinh ra. Hay ho thú vị thì nhiều người đã trải nghiệm, sai sót cũng là điều dễ hình dung. Hãy thử tìm hiểu một trường hợp phức tạp hơn:

Michael Martinez, Thư ký tòa soạn của tờ Suncoast Sentinel tại thành phố St. Petersburg thuộc bang Florida ở nước Mỹ, là một người say mê ẩm thực, thích nhạc jazz, thường xuyên tham gia hoạt động tình nguyện giúp đỡ những người vô gia cư trong khu vực, và có thể dành nhiều thời gian mỗi ngày để chạy bộ tại các công viên.

Nghe cũng thú vị. Một nhân vật rất điển hình. Có điều cả Martinez lẫn tờ Suncoast Sentinel đều… không hề tồn tại.

Chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, với vài câu lệnh là công cụ ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể “phun ra” mọi chi tiết về đời tư của Martinez — rằng ông này đã làm báo được 15 năm và “nổi danh là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ đồng thời là một người luôn tận tình hướng dẫn cho đồng nghiệp” — là ngọn cờ của các phóng viên, biên tập viên đồng thời là một nhiếp ảnh gia tài năng của tờ Suncoast Sentinel không hề có thật.

Nhà báo Alex Mahadevan của chuyên trang báo chí Poynter là người thử nghiệm việc này, và khi anh kể lại quá trình tạo lập ra tờ báo giả 100% nói trên thì các đồng nghiệp chỉ biết thốt lên một từ “hoảng sợ."[8]

Thật ra không cần phải là chuyên gia công nghệ mà bất kỳ ai có chút hiểu biết về lập trình và mất vài giờ sử dụng ChatGPT đều có thể xây dựng cả một mạng lưới các trang tin tức giả mạo, với những thông tin như thật, cả đội ngũ nhân viên cho đến các quy định về biên tập.

Cách hoạt động của công nghệ này là quét toàn bộ mạng Internet, đánh giá lượng thông tin khổng lồ, xử lý chúng rồi dùng trí tuệ nhân tạo để sinh ra nội dung mới theo các câu lệnh của người dùng. Người dùng có thể yêu cầu nó sản xuất gần như bất kỳ loại nội dung dưới dạng văn bản nào.

Trước đây, chúng ta không lạ gì cách làm ở nhiều quốc gia của nhiều nhà hoạt động chính trị, vận động hành lang và cả nhiều kẻ lừa lọc kiếm tiền từ quảng cáo, theo đó họ lập các trang tin mập mờ một cách khá dễ dàng mà chẳng cần dùng tới những công cụ như ChatGPT.


(Ảnh: Shutterstock)

Theo Priyanjana Bengani, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Tow thuộc Đại học Báo chí Columbia, một số trang thuê nhân viên ở Philippines tạo nội dung, số khác thì dùng thuật toán — chính là nền tảng của AI — để viết ra hàng trăm tin bài dựa trên dữ liệu của chính quyền. “Bây giờ muốn làm những trang thế này quá đơn giản,” Bengani nói. “Bất kỳ ai ngồi ở bất kỳ đâu cũng có thể tạo ra những thứ như vậy.”

Trong thử nghiệm kể trên, cây viết Mahadevan của Poynter chỉ mất khoảng 2 phút sử dụng một công cụ AI khác là trang thispersondoesnotexist.com để tạo khuôn mặt của Martinez, Tổng Biên tập Sarah Johnson, biên tập viên Sarah Nguyen, phóng viên ảnh Jennifer Davis cùng nhiều nhân viên khác cho tòa soạn báo. “Tỏa sáng khắp St. Petersburg” là câu solgan đầu tiên mà ChatGPT gợi ý cho Suncoast Sentinel.

Khi được yêu cầu phải thú vị hơn thì nó viết: “Lật tẩy những câu chuyện có ý nghĩa ở St. Petersburg.” Rồi nó soạn thảo luôn quy định về biên tập và quy định về đính chính nội dung, vài lá thư gửi ban biên tập, cả những bài hoàn toàn bịa đặt về một phòng tranh nghệ thuật mới ở địa phương, về một ứng dụng mobile giả được phát triển bởi những doanh nhân hoàn toàn giả ở St. Petersburg. Nó tạo ra một bài báo cáo buộc các quan chức địa phương gian lận bầu cử. Một bài khác tố cáo ông thị trưởng âm mưu thực hiện một trong những dự án bất động sản lớn nhất trong lịch sử khu vực này mà không qua đấu thầu.

Mahadevan thậm chí yêu cầu ChatGPT tạo ra mã HTML cho trang chủ của tờ báo giả, và nó hoàn thành mỹ mãn, từ những lệnh đơn giản ban đầu cho đến mã Javascript phức tạp hơn để làm cho trang web rởm trở nên “hấp dẫn và quyến rũ.”

Tất nhiên là các kết quả không phải là không có lỗi. Chẳng hạn nó viết sai tên ông thị trưởng hai lần, lý lịch trích ngang của Martinez thì khá buồn tẻ.

“Tôi không nghĩ là nó có thể sớm hoàn hảo,” Bengani nhận xét, nhưng lưu ý rằng giới chuyên gia từng hoảng sợ với deepfake cách đây 2 năm và công cụ DALL-E tạo hình ảnh hồi năm ngoái thế nào. Công cụ này cũng chưa cập nhật theo thời gian thực, và không thể cung cấp những chi tiết cụ thể khiến người dân địa phương có thể bị ảnh hưởng bởi một sự việc trong câu chuyện.


Một bài viết trên trang NewsGPT - trang tin tức đầu tiên trên thế giới mà nội dung hoàn toàn do AI tạo ra.

Trên đây mới là việc thử nghiệm tạo trang web mới sử dụng AI. Xin thông báo là đã có trang tin tức đầu tiên trên thế giới mà nội dung hoàn toàn do AI tạo ra. Nó được gọi là NewsGPT. Theo thông cáo báo chí, trang này không hề có phóng viên, và như họ tự tuyên bố, trang này “được lập nên với mục tiêu cung cấp những tin tức dựa trên sự thực, không định kiến cho độc giả toàn cầu."[9]

Tất nhiên, các chuyên ra cho rằng NewsGPT là một ý tưởng “kinh khủng” bởi cho đến nay chưa hề có một hệ thống nào kỳ diệu tới mức có thể cung cấp tin tức chính xác và không định kiến một cách an toàn và đáng tin cậy mà không có sự tham gia của con người, và ngay cả khi có sự tham gia của con người thì nhiều hệ thống AI vẫn có đầy lỗi.

Trước đây, chúng ta đánh giá độ tin cậy của một trang tin tức dựa vào một số dấu hiệu quan trọng, chẳng hạn như tên tác giả bài báo hay thiết kế của website. Nhưng với ChatGPT và những công cụ tương tự, lập ra một website tin tức đáp ứng mọi dấu hiệu như thế chẳng có gì là khó khăn.

“Một bài viết chỉn chu, nằm trang trọng trên ấn phẩm với hình tác giả và tên tuổi rõ ràng từng có ý nghĩa nhất định,” Mike Caulfield, nhà nghiên cứu thuộc Đại học viết trên Twitter. “Để có những dấu hiệu về thẩm quyền là quá trình tốn kém, và nó tạo ra rào cản đối với nhiều người.”

Theo Caulfield, nhiều trường học vẫn áp dụng những biện pháp lỗi thời về việc phát hiện các trang web đáng ngờ, và những biện pháp này chẳng ăn thua gì nếu gặp phải những trang tin tức do AI khởi tạo.

Việc AI có thể tạo ra thông tin sai lệch không phải là mối lo ngại duy nhất.

“Điều xảy ra trong 30 năm qua là những dấu hiệu vốn rất tốn kém để tạo ra thì nay trở nên quá rẻ.” Ông nói. “Ấy thế mà chúng ta vẫn bảo học sinh đi tìm những dấu hiệu đó thì thật là tệ hại.”

Nhưng việc AI có thể tạo ra thông tin sai lệch không phải là mối lo ngại duy nhất. Sẽ còn rất nhiều điều phải tính tới về tính pháp lý và vấn đề đạo đức, bao gồm cả quyền sở hữu tài sản trí tuệ (IP), việc thẩm định nội dung, và kể cả nguy cơ phá vỡ những mô hình tài chính hiện tại của các tòa soạn.

Nếu các tòa soạn bắt đầu tích hợp AI để sản xuất nội dung thì có một câu hỏi quan trọng là: Ai sở hữu tài sản trí tuệ (IP) và các quyền phát hành nội dung? Cơ quan báo chí ra lệnh cho nền tảng AI hay là chính nền tảng AI đó?

Không như ở Mỹ, luật của Anh cho phép bảo hộ quyền đối với các tác phẩm do máy tính tạo ra, mặc dù chỉ cá nhân hoặc tổ chức mới có quyền “sở hữu” tài sản trí tuệ, chứ không bao giờ là AI.

Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa là nếu một hệ thống AI có đóng góp tối thiểu ngoài những câu lệnh cơ bản của người dùng, và quá trình ra quyết định tự động hóa đã thúc đẩy tiến trình sáng tạo, thì người tạo ra nền tảng có thể được coi là “tác giả” và là người sở hữu sản phẩm trí tuệ. Còn nếu cần nhiều dữ liệu đầu vào (chẳng hạn qua việc tải các tài liệu lên hệ thống), và AI chỉ là công cụ hỗ trợ, thì sở hữu trí tuệ về sản phẩm đầu ra có thể thuộc về người dùng.

Trên thực tế, nếu các nhà báo sử dụng AI thì cần phải kiểm tra kỹ điều khoản dịch vụ của các nền tảng để đánh giá thận trọng các quy định về sở hữu trí tuệ. Một số nền tảng “trao” quyền sở hữu trí tuệ cho người dùng trong khi một số nền tảng khác có thể giữ quyền này và cấp nó theo một “giấy phép” (có thể theo những quy định hạn chế cho việc sử dụng của các tòa soạn).

Dù cho bản quyền sở hữu trí tuệ thuộc về ai thì các tòa soạn cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi nội dung do AI khởi tạo mà họ xuất bản – gồm cả khả năng nội dung bị coi là bôi nhọ hoặc sai lệch. Dù rằng cho tới nay nhiều công cụ AI không “xuất bản” các câu trả lời cho bất kỳ ai ngoài chính người sử dụng, bất kỳ ai sử dụng các công nghệ này đều phải chịu trách nhiệm về nội dung mà họ đăng tải.

Nguy cơ lớn nhất đối với các tòa soạn xuất bản các tác phẩm do AI khởi tạo là việc tình cờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Các nhà báo không thể biết hình ảnh hay đoạn văn bản nào được sử dụng để huấn luyện AI, hoặc được lôi về để tạo ra nội dung theo yêu cầu.

Các tòa soạn phải chấp nhận một thực tế rằng những nội dung “có vẻ gốc” do AI tạo ra có thể chịu ảnh hưởng rất nhiều – hoặc bị sao chép trực tiếp – từ các nguồn của bên thứ ba mà không được phép. Lưu ý rằng điều khoản dịch vụ của các nền tảng AI không hề đưa ra bảo đảm rằng kết quả sẽ không vi phạm bản quyền, và như vậy thì các tòa soạn sẽ chẳng có cơ sở pháp lý nào nếu bị tác giả kiện.

Đơn cử, hãng lưu trữ ảnh Getty Images đã bắt đầu tiến trình kiện Stability AI (công ty mẹ làm ra công cụ tạo hình ảnh Stable Diffusion) với lý do “sao chép và xử lý trái phép hàng triệu tấm ảnh được bảo vệ bản quyền thuộc sở hữu hoặc được đại diện bởi Getty Images."[10]

Ngay cả khi Stability AI tránh được vụ kiện bản quyền thì họ vẫn bị coi là vi phạm điểu khoản dịch vụ của Getty Images, trong đó ghi rõ việc cấm “mọi hoạt động khai thác dữ liệu, dùng robot hoặc các phương pháp thu thập dữ liệu tương tự.” Những cơ quan báo chí bị coi là sử dụng AI can thiệp vào nội dung của Getty Images mà không được phép thì cũng có thể bị kiện như vậy.


Một hình ảnh được tạo bởi Stable Diffusion hiển thị hình mờ của Getty Images. (Nguồn: The Verge / Stable Diffusion)

Trong một diễn biến tích cực, mới đây trang tin công nghệ Wired là cơ quan báo chí đầu tiên công bố quy định chính thức về AI, trong đó nêu rõ cách thức họ dự định sử dụng công nghệ này.[11] Quy định do Tổng Biên tập Gideon Lichfield đăng tải đầu tháng 3 vừa qua đưa ra một loạt cam kết về những điều mà tòa soạn sẽ không thực hiện, chẳng hạn họ sẽ không xuất bản những nội dung do AI viết hoặc biên tập, không sử dụng hình ảnh hoặc video do AI tạo ra, mà chỉ sử dụng AI để lấy ý tưởng cho các bài viết, hoặc để gợi ý tiêu đề hấp dẫn, hoặc nội dung đăng tải trên mạng xã hội cho hiệu quả.

Lại thêm một câu hỏi nữa. Khi nói về thẩm định thông tin thì AI là bạn hay là thù? Có thể là cả hai. Với mong muốn tự động hóa việc kiểm chứng thông tin, các nền tảng AI như Squash và ClaimHunter sẽ kiểm tra chéo đánh dấu những tuyên bố chính trị để xem xét lại.

Trong khi đó, những tổ chức như Liên minh vì tính xác thực của nội dung đang cố gắng đưa ra bộ công cụ truy gốc nguồn của nội dung báo chí và đánh dấu xác nhận tính xác thực của các sản phẩm gốc.

Tuy nhiên, thư viện dữ liệu hỗ trợ việc kiểm chứng quá nhỏ bé so với làn sóng tin giả trên mạng đang được AI hỗ trợ nhân lên với con số khủng khiếp. Chỉ cần sử dụng vài nhân sự với công đoạn cắt dán đơn giản vài câu lệnh nghèo nàn là có thể tạo ra hàng đống thuyết âm mưu đầy thuyết phục, chia sẻ với độ phủ rộng hơn và nhắm trúng đích người dùng hơn trước rất nhiều. 



Tuy rất siêu việt trong việc thu thập và xử lý dữ liệu, AI THIẾU sắc thái xã hội, THIẾU cảm xúc và khả năng tương tác với con người của một nhà báo bằng xương bằng thịt.


Vào tháng 1/2023, ChatGPT đã thừa nhận điểm yếu của mình với hãng kiểm chứng thông tin Newsguard: “Kẻ xấu có thể biến tôi thành vũ khí bằng cách tinh chỉnh mô hình của tôi với dữ liệu của họ, có thể bao gồm những thông tin sai sai lệch hoặc giả mạo."[12] Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm và thấy rằng thừa nhận trên hoàn toàn đúng, vì nếu đưa ra 100 lệnh cho ChatGPT mà có thông tin sai lệch thì nó sẽ trả lại những câu trả lời sai lệch với tỷ lệ lên tới 80%.

Hơn nữa, tuy rất siêu việt trong việc thu thập và xử lý dữ liệu, AI thiếu sắc thái xã hội, thiếu cảm xúc và khả năng tương tác với con người của một nhà báo bằng xương bằng thịt. Nếu không có sự can thiệp của con người, rất có thể những nội dung do AI tạo ra sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về biên tập của các tòa soạn.

AI giống như con dao hai lưỡi, có thể khiến các tòa soạn cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, thậm chí làm thay đổi cả mô hình kinh doanh đã tồn tại nhiều thập kỷ trong lĩnh vực quảng cáo digital.

Lâu nay các cơ quan báo chí cũng như các máy tìm kiếm dựa vào sự chú ý của người dùng đối với quảng cáo, theo đó, người dùng gõ câu hỏi vào một công cụ tìm kiếm (tạo doanh thu quảng cáo bằng cách ưu tiên những đường link có tài trợ) trước khi chuyển sang website của bên thứ ba để đưa ra câu trả lời (những website này lại kiếm doanh thu thông qua quảng cáo của bên khác). Giờ đây, khi ChatGPT lướt toàn cõi mạng, đọc những đường link có nội dung liên quan rồi đóng gói câu trả lời trong một đoạn văn bản ngắn gọn, thử hỏi người dùng có lướt web nữa hay không?


Biểu tượng của ChatGPT và Open AI. (Ảnh: Reuters)

Thực tế này có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí, doanh nghiệp muốn quảng cáo và các máy tìm kiếm, những hành vi lướt web sẽ tiến hóa theo những công nghệ mới. Có thể sẽ có những mô hình tạo nguồn thu mới nhưng chưa hiểu những chatbot AI đầy sức mạnh có cho hiển thị những đường link có tài trợ hoặc quảng cáo của bên thứ ba hay không.

Mối quan hệ giữa AI và báo chí đang được nhắc đến nhiều, nhưng thực ra nó không phải chuyện gì mới mẻ và không phải toàn những điều tồi tệ. Những cơ quan báo chí lớn như Forbes, hãng tin AP hay tạp chí online nhỏ hơn như Worldcrunch đã sử dụng AI nhiều năm qua, sản xuất những bản tin tự động và đơn giản.

Trong một kỷ nguyên mà các cơ quan báo chí phải cạnh tranh về tốc độ, những tiêu đề hoặc tóm tắt do AI gợi ý có thể giúp công tác nghiên cứu và viết bài hiệu quả hơn đối với những nhà báo luôn chịu sức ép về thời gian.


Những tiêu đề hoặc tóm tắt do AI gợi ý có thể giúp công tác nghiên cứu và viết bài hiệu quả hơn đối với những nhà báo luôn chịu sức ép về thời gian.

Nhưng ngay cả khi số lượng các nội dung tự động hóa phức tạp tăng lên thì rõ ràng các tòa soạn không thể phụ thuộc vào mỗi AI để sản xuất ra các bài báo. Những cơ quan báo chí tên tuổi và có thương hiệu lớn đã phải mất nhiều thập kỷ thúc đẩy hoạt động đưa tin thận trọng và cân bằng, sẽ phải tiếp tục duy trì vị thế như là nguồn tạo ra nội dung gốc chất lượng cao để giành lấy niềm tin của độc giả, khán thính giả.

Và mặc dù công việc của những nhà báo bằng xương bằng thịt chưa bị thách thức quá lớn thì các cơ quan báo chí vẫn phải thích ứng với một kỷ nguyên mới với sự hiện diện ngày càng lớn trong mọi lĩnh vực đời sống của trí tuệ nhân tạo.

Để kết thúc bài viết này, xin có một lưu ý nhỏ: Trong lúc nhiều người hồi hộp chờ đợi OpenAI tung ra GPT-4, phiên bản mạnh mẽ hơn công nghệ GPT-3.5 đang chạy ChatGPT thì Mira Murati, Giám đốc công nghệ của công ty này, lại muốn thế giới giảm nhiệt một chút.[13] “Tôi nghĩ bớt phấn khích một chút sẽ tốt hơn,” Murati nói với trang Fast Company.

Nguồn nhandan.vn

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục