Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Châu Á lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Thứ hai: 14:55 ngày 06/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các nước châu Á đã lên tiếng lo ngại về tác động lớn của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đây là một trong những chủ đề chính tại hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các đối tác ở Singapore vào cuối tuần qua.

Tranh minh họa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động đến kinh tế ASEAN

Thúc đẩy hợp tác toàn diện khu vực

Chưa rõ hậu quả với 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại này như thế nào nhưng là một “mối đe dọa thực sự” đối với các nước châu Á. Đó là lời Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nói với các phóng viên hôm 4-8 bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực ASEAN (ARF).

Các nhà ngoại giao hàng đầu khác cũng đã lên tiếng chống lại chủ nghĩa bảo hộ, cảnh báo rằng điều đó đặt sự phát triển của khu vực vào tình trạng nguy hiểm.  Một số bộ trưởng đã kêu gọi kết thúc sớm các cuộc đàm phán về thỏa thuận Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp ước gồm 16 quốc gia đang hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng một nửa dân số toàn cầu.

RCEP gồm nhóm 10 thành viên ASEAN cộng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Bên cạnh đó là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước tham gia, chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu. Cả RCEP và CPTPP đều không có Mỹ tham gia.

“Với tình hình toàn cầu hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, Nhật Bản muốn kết thúc  nhanh chóng  các cuộc đàm phán RCEP”, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói. Theo Japan Times, Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long, nói ông hy vọng  RCEP sẽ hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay. Trong khi Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi các nước phải đoàn kết  trước “các cuộc chiến chống lại tự do thương mại”.

ASEAN tìm cách đối phó

Theo báo South China Morning Post, trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, 6 nền  kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong tháng 7 đã đưa ra các biện pháp đối phó. 

Tại Indonesia, đồng nhân dân tệ (NDT) yếu đi có thể gây thiệt hại cho những công ty mua nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Chính phủ nước này cho biết sẽ “tối ưu hóa việc sử dụng các công cụ tài chính dưới hình thức thuế xuất nhập khẩu, cũng như hài hòa thuế nhập khẩu để các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và có thể xuất khẩu”.

Tân Chính phủ Malaysia đã thành lập nhóm công tác thương mại để đánh giá tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cho biết đến nay, tác động  là “tương đối tối thiểu”.

Tại Philippines, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, cho biết các bộ thương mại và tài chính đang thực hiện các nghiên cứu để “xác định những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu”.

Ngân hàng RHB của Malaysia ước tính rằng, 16,9% các lô hàng Philippines ở nước ngoài là từ hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Tại Thái Lan, Bộ trưởng Thương mại Sontirat Sontijirawong cho biết, ông dự kiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo ra một thị phần lớn hơn cho thực phẩm Thái Lan tại các siêu thị ở cả Mỹ và Trung Quốc.

Cả 2 cường quốc trên thế giới đã áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm hải sản của nhau và Thái Lan đạt doanh thu khoảng 5,5 tỷ USD  từ xuất khẩu thủy sản trong năm 2017, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing nói với Quốc hội rằng, nước này có thể phải đối mặt với tác hại nghiêm trọng nếu các cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang. Hai ngân hàng Singapore OCBC và DBS đã cắt giảm dự báo tăng trưởng do ảnh hưởng từ xuất khẩu bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo báo South China Morning Post,  Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới cũng có thể bị ảnh hưởng do cuộc chiến thương mại này. Đó là áp lực quản lý tỷ giá tiền đồng so với USD trong bối cảnh NDT mất giá.

Nguồn SGGPO (tổng hợp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục