Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Người phá rừng cũng thừa nhận do chính mình thực hiện hành vi này để sử dụng đất theo giấy chứng nhận QSDĐ đã được cấp.
Cây rừng tự nhiên bị cưa hạ tại lô 8, khoảnh 3, tiểu khu 67.
Hàng ngàn mét vuông đất có rừng tự nhiên bị chặt phá trong suốt một khoảng thời gian dài. Cơ quan chức năng liên tục lập biên bản ghi nhận vụ việc nhưng tình trạng trên vẫn cứ diễn ra. Người phá rừng cũng thừa nhận do chính mình thực hiện hành vi này để sử dụng đất theo giấy chứng nhận QSDĐ đã được cấp.
Cấp QSDĐ nông nghiệp trùng lên đất lâm nghiệp
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tây Ninh vào ngày 9.10.2023, tại lô 8, khoảnh 3, tiểu khu 67, khu rừng sản xuất và rừng tự nhiên thuộc địa bàn ấp Phước Hoà, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, cây rừng bị chặt phá, cưa gốc tại đây khá nghiêm trọng. Nhiều cây rừng tự nhiên, dây leo, bụi rậm có dấu mới bị chặt phá, cưa hạ trong khoảng thời gian gần đây.
Liền kề dãy rừng bị chặt phá là diện tích đất trồng mì rộng hơn 1,5 ha. Trong đó, có một phần diện tích đất rộng khoảng 600m2 lấn sâu vào hướng đất có nhiều cây rừng đã bị chặt phá, đốt gốc, cưa gốc. Hiện trạng cho thấy vẫn còn một số cây rừng với đường kính gốc khá to xen lẫn trong đám mì, nhưng cũng đã bị ken gốc và chết dần.
Đối với khu đất nêu trên, ngày 19.9.2018, UBND huyện Châu Thành có Công văn số 1152 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin ý kiến xác định chủ trương đối với quy hoạch đất lâm nghiệp. Theo công văn này, UBND huyện nhận được đơn kiến nghị giải quyết của bà Đoàn Thị Thu Hằng (ngụ ấp Hoà Lợi, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên).
Về nội dung đơn, bà Hằng cho biết, vào năm 1999 đã mua đất hoá giá từ Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Hảo Đước (nay là An Cơ), phần đất thuộc thửa 292 và thửa 83, tờ bản đồ số 16, với tổng diện tích 25.044m2, đất toạ lạc tại ấp Phước Hoà, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Sau đó, gia đình bà Hằng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, bà Hằng phải thi hành án phạt tù nên chưa sử dụng đất.
Sau khi ra tù, bà Hằng trở về khu đất để khai phá rừng, trồng cây nông nghiệp trên diện tích đất theo giấy chứng nhận QSDĐ đã được cấp thì bị Kiểm lâm địa bàn và UBND xã Phước Vinh ngăn cản. Bà Hằng đề nghị chính quyền xem xét, trả lại diện tích đất mà bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng để an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo Công văn số 1152 nêu trên, vào năm 2013, UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất nằm trong tổng quan quy hoạch lâm nghiệp mà trước đây đã cấp nhằm cho bà Đoàn Thị Thu Hằng. Việc thu hồi này là căn cứ theo Quyết định số 1837 ngày 24.9.2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2020.
Tuy nhiên, UBND huyện vẫn chưa thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ của bà Hằng thì đến ngày 31.10.2016, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 2817 về việc phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê rừng tỉnh Tây Ninh.
Qua hai Quyết định vừa nêu trên, vị trí mốc giới lâm nghiệp theo quy hoạch và hiện trạng kiểm kê rừng hoàn toàn khác nhau. Để có cơ sở pháp lý giải quyết đơn kiến nghị của bà Hằng, UBND huyện Châu Thành đề nghị Sở NN&PTNT xem xét, có ý kiến về việc thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ của bà Hằng đã được cấp trùng trong tổng quan quy hoạch lâm nghiệp.
Cây mì dần lấn sâu vào đất rừng tự nhiên.
Ngày 18.10.2018, Sở NN&PTNT có Công văn số 2509 phản hồi đến UBND huyện Châu Thành. Theo nội dung chính của công văn này, phần diện tích đất 25.044m2 có hiện trạng từ đường ĐT.788 đến ranh mốc PV41b tới ranh mốc PV42, đây là ranh mốc đất lâm nghiệp đã được đo đạc, cắm mốc và được các cấp nghiệm thu đưa vào sử dụng, bà Hằng đang trồng mì trên diện tích đất khoảng 1,6 ha. Từ ranh mốc PV41b đến mốc PV42 về hướng Đông là đất rừng sản xuất và rừng tự nhiên do UBND xã Phước Vinh tổ chức quản lý, bảo vệ.
Cũng theo Sở NN&PTNT, diện tích đất tính từ ranh mốc PV41b đến mốc PV42 về hướng Đông là đất rừng sản xuất, có rừng tự nhiên đã được điều chỉnh ranh quy hoạch lâm nghiệp theo Biên bản họp số 87/BB-UBND ngày 24.12.2013 của UBND huyện Châu Thành, được cập nhật vào kết quả kiểm kê rừng theo Quyết định số 2817 ngày 31.10.2016 của UBND tỉnh.
Do đó, để giải quyết nội dung đơn kiến nghị của bà Hằng, Sở đề nghị UBND huyện đối chiếu giữa sơ đồ đất và quyết định thu hồi đất của bà Hằng trước đây để xem xét, giải quyết.
Đến ngày 27.6.2022, UBND huyện Châu Thành có Công văn số 1329 trả lời đơn kiến nghị của bà Đoàn Thị Thu Hằng. Cụ thể, phần đất mà bà Hằng kiến nghị giải quyết là tại thửa số 292, tờ bản đồ số 16, diện tích 12.497m2 (phần diện tích còn lại 12.547m2 nằm trong tổng số 25.044m2 đã được cấp cho bà Trần Thị Thuỳ Trang là con của bà Hằng, theo giấy chứng nhận QSDĐ số 02436 ngày 30.12.1999 - P.V), đất toạ lạc tại ấp Phước Hoà, xã Phước Vinh.
Công văn số 1329 cũng nêu rõ, nguồn gốc đất được xác định theo Công văn số 136 ngày 25.7.2018 của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam chi nhánh Tây Ninh (công văn phúc đáp cho UBND huyện Châu Thành) thì phần đất trên được ông Bùi Kim Nga, bà Nguyễn Thị Xem có đơn xin ngân hàng cho được tự bán để thanh toán nợ vay vào năm 1999 (bán cho bà Đoàn Thị Thu Hằng) và ngân hàng đã đồng ý. Do vậy, nguồn gốc đất này không phải do ngân hàng phát mãi và bán đấu giá tài sản cho bà Hằng.
Đồng thời, theo kết quả áp bản đồ chính quy đo đạc năm 2010 và bản đồ ba loại rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2025, thì phần đất của bà Hằng có phần diện tích 4.174,5m2 thuộc thửa số 70, tờ bản đồ 01, thuộc đất lâm nghiệp, hiện trạng là rừng. Riêng phần diện tích còn lại 8.322,5m2 thuộc thửa đất số 02, tờ bản đồ 08 nằm ngoài đất lâm nghiệp, hiện trạng đất đang được bà Hằng trồng mì.
Do vậy, UBND huyện đề nghị bà Đoàn Thị Thu Hằng chấp hành quyết định thu hồi đất của UBND huyện, thực hiện thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ đối với phần diện tích 8.322,5m2 nằm ngoài đất lâm nghiệp để bà tiếp tục sử dụng. Đối với diện tích 4.174,5m2 nằm trong đất lâm nghiệp, UBND huyện không thể giải quyết theo yêu cầu của bà Hằng, đề nghị bà phải giữ nguyên hiện trạng, bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy định.
Đến ngày 18.10.2022, UBND huyện Châu Thành ban hành Quyết định số 1507 hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho bà Đoàn Thị Thu Hằng vào ngày 30.12.1999 với diện tích 12.497m2. Lý do, giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã được cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai (diện tích đất này có phần nằm trong tổng quan quy hoạch đất lâm nghiệp).
Hành vi phá rừng liên tục diễn ra
Tuy nhiên, bà Hằng đã không đồng ý và cũng không nhận quyết định thu hồi đất của UBND huyện Châu Thành. Thực tế, chỉ từ tháng 6 đến tháng 9.2023, Kiểm lâm địa bàn phối hợp Đội bảo vệ rừng xã Phước Vinh liên tục lập biên bản ghi nhận các vụ phá rừng diễn ra tại lô 8, khoảnh 3, tiểu khu 67, ấp Phước Hoà, xã Phước Vinh.
Cụ thể, theo Báo cáo số 29 ngày 9.10.2023 của Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Bến Cầu (Hạt Kiểm lâm liên huyện), vào ngày 28.6.2023, Kiểm lâm địa bàn phối hợp Đội bảo vệ rừng xã Phước Vinh kiểm tra, phát hiện 10 cây rừng gồm gõ mật, cò ke, lội, săng de, sơn, chùm mồi có đường kính từ gốc từ 15cm đến 20cm; cùng với 14 cây rừng tái sinh bị cưa hạ trên diện tích đất lâm nghiệp rộng khoảng 300m2 tại lô 8, khoảnh 3, tiểu khu 67, tại thời điểm kiểm tra không phát hiện người vi phạm.
Ngày 15.8.2023, Kiểm lâm địa bàn tiếp tục phối hợp với Đội bảo vệ rừng đến kiểm tra tại vị trí trên thì phát hiện bà Đoàn Thị Thu Hằng có hành vi lấn, chiếm khoảng 600m2 đất lâm nghiệp tại lô 8, khoảnh 3, tiểu khu 67. Hai ngày sau, diện tích đất rừng bị lấn chiếm này đã được trồng mì.
Ngày 22.8.2023, bà Hằng được mời lên UBND xã Phước Vinh để làm việc về nội dung liên quan, tại đây, bà thừa nhận đã trồng mì trên diện đất 600m2 đang đề cập, đồng thời bà tiếp tục tường trình về lý do tương tự như trong đơn kiến nghị trước đó.
Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 22.9.2023, lực lượng chức năng lại tiếp tục phát hiện tại đây có thêm 4 cây rừng bị cưa hạ gồm săng de, cò ke, nhãn ốc, với đường kính gốc từ 10cm đến 20cm, lúc kiểm tra không phát hiện người vi phạm. Theo Hạt Kiểm lâm liên huyện, đến nay, tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệp tại lô 8, khoảnh 3, tiểu khu 67 vẫn chưa được xử lý dứt điểm, việc phá rừng vẫn còn diễn biến phức tạp. Ông Tạ Văn Sáng- đội viên Đội Bảo vệ rừng xã Phước Vinh cho hay, việc phá rừng thường lén lút diễn ra vào ban đêm nên rất khó phát hiện.
Trao đổi với phóng viên vào ngày 16.10.2023, bà Đoàn Thị Thu Hằng cũng thừa nhận về hành vi chặt phá cây rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp, bà cho rằng làm việc này là để thực hiện QSDĐ đã được cấp vào năm 1999.
“Trong trường hợp Nhà nước phải thu hồi phần diện tích đất đã cấp trùng lên đất lâm nghiệp, tôi đề nghị phải thu hồi đồng bộ các trường hợp khác tương tự như tôi tại địa phương đang sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch lâm nghiệp. Đồng thời, Nhà nước phải có hướng hỗ trợ bồi hoàn thoả đáng phần giá trị đất bị thu hồi mà tôi đã bỏ tiền ra mua để sau đó mới được cấp “sổ đỏ”. Vì việc cấp đất nhầm là lỗi của Nhà nước nhưng người dân phải bỏ tiền ra mua QSDĐ là có thật, rất mong chính quyền xem xét để tôi có điều kiện ổn định cuộc sống”- bà Hằng trình bày.
Ông Nguyễn Trọng Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh nhận định, ranh đất lâm nghiệp và nông nghiệp ngoài thực địa có phần chưa rõ ràng, do có nhiều cây cối che phủ. UBND xã đã có công văn kiến nghị lên cấp huyện hỗ trợ đo đạc, phân ranh cụ thể bằng cách móc mương để công tác quản lý được dễ dàng hơn, đồng thời có cơ sở xử lý các hành vi phá rừng theo quy định.
Minh Quốc - Đại Dương