Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chạy đi, đừng kêu cứu nữa
Thứ ba: 15:22 ngày 27/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Câu chuyện hàng loạt nông sản phải “giải cứu”, mới nhất là khoai mì cũng xin cơ chế tạm trữ đang phơi bày thực trạng, thách thức về tổ chức sản xuất, đặt ra nhiều câu hỏi về phát triển thị trường nông sản VN.

Một bản tin ngắn “Khoai mì cũng xin cơ chế tạm trữ” (Tuổi Trẻ ngày 26-6) nhưng được nhiều người quan tâm khi khoai mì (sắn) dù trở thành cây công nghiệp chủ lực, nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu tỉ đô nhưng cũng muốn có trong danh sách những cây - con cần được hỗ trợ như lúa, mía, cà phê...

Nếu đề xuất này của Hiệp hội Sắn được chấp nhận, khi vào vụ thu hoạch sẽ có những đợt mua tạm trữ khoai mì, rồi ngân hàng phải cho vay thêm vốn, Nhà nước có lãi suất ưu đãi.

Khi đi vào thực hiện, không tránh khỏi tranh cãi nơi được tạm trữ nhiều và ai đứng ra phân bổ số lượng được tạm trữ...

Những việc như thế này thường có lời ra tiếng vào, khó có được tiếng nói chung, sự công bằng... như từng xảy ra với sản phẩm được hưởng chính sách hỗ trợ.

Câu chuyện hàng loạt nông sản phải “giải cứu”, mới nhất là khoai mì cũng xin cơ chế tạm trữ đang phơi bày thực trạng, thách thức về tổ chức sản xuất, đặt ra nhiều câu hỏi về phát triển thị trường nông sản VN.

Đó là câu hỏi về sản xuất, xuất khẩu chưa thực bền vững; trách nhiệm cơ quan chức năng; Nhà nước can thiệp đến đâu, với những mặt hàng nào hay tất cả nông sản?

Thực tế cho thấy ít cây - con nào được hỗ trợ, được ưu đãi, được giải cứu lại phát triển tốt. Chỉ có giải pháp tốt nhất đó là làm quen và cạnh tranh theo quy luật thị trường mới giúp sản phẩm, ngành nghề đó tồn tại và phát triển.

Hơn nữa, nếu hỗ trợ cho khoai mì, chắc chắn nông dân trồng điều, tiêu và nhiều sản phẩm khác cũng muốn có trong danh sách những sản phẩm được hỗ trợ.

Trong bối cảnh hội nhập sâu, những biến động thị trường là khó tránh khỏi. Cơ quan quản lý thay vì chạy theo những biến động bất lợi của thị trường để “giải cứu”, cũng cần tăng tính chủ động, làm rõ những mặt hàng cần hỗ trợ, gắn với các điều kiện cụ thể, minh bạch để được hưởng (như chất lượng sản phẩm, quy trình, đăng ký liên kết với hiệp hội...), tránh mất công bằng cho các mặt hàng khác. Cũng cần tiêu chí cụ thể để được hỗ trợ, tránh ngành nào “khóc to” sẽ được để ý hơn.

Lâu dài, khó có thể kéo dài danh sách những sản phẩm cần được hỗ trợ bởi càng hỗ trợ càng tạo ra sức ì, sự ỷ lại.

Điều này càng khiến cho sản phẩm, ngành nghề đó sớm bị thị trường đào thải vì thiếu sức cạnh tranh.

Do vậy, cần sớm tìm ra một hướng giải quyết để bớt đi hiệu ứng “giải cứu”, buộc mọi doanh nghiệp, ngành nghề bươn chải, tự thay đổi, khai thác tốt các cơ hội từ thị trường, thay vì cứ mải chạy theo kêu cứu.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục