Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chồng em 37 tuổi, bị viêm cầu thận cấp hiện tại đang bị phù nặng nên không được ăn muối. Vì ăn nhạt nên anh ấy ăn được rất ít.
Xin bác sĩ giải thích về bệnh và hướng dẫn về chế độ ăn vì chỉ cần cho chút muối là lại phù tăng. Vậy phải ăn nhạt đến bao giờ?
Đào Thị Mai (daomai@gmail.com)
Viêm cầu thận cấp (VCTC) do nhiều nguyên nhân nhưng thường xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn không được điều trị đúng, do quá mẫn với một số thuốc, bệnh tự miễn lupus ban đỏ hệ thống, bệnh lí thận IgA…
Giai đoạn đầu của viêm cầu thận cấp người bệnh có thể thấy đau vùng thắt lưng hai bên, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đau bụng, buồn nôn. Khi bệnh bước sang giai đoạn toàn phát thì xuất hiện phù, lúc đầu phù nhẹ ở mặt, sau đó phù toàn thân, phù trắng, mềm ấn lõm. Điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn nhẹ, ăn nhạt). Bệnh có thể khỏi nhanh trong vài tuần, cá biệt có thể có biến chứng phù phổi cấp và tăng huyết áp.
Điều đáng lưu ý là phù trong viêm cầu thận cấp phụ thuộc chế độ ăn uống, ăn mặn thì phù tăng, ăn nhạt thì phù giảm. Vì vậy nên bỏ hẳn muối mà có thể cho 2 thìa cà phê nước mắm/ngày. Nếu anh nhà có tăng huyết áp thì càng phải hạn chế natri chặt chẽ. Nếu tiểu ít, vô niệu thì bỏ hẳn rau quả, đề phòng tăng kali máu, ngược lại không thiểu niệu, không vô niệu thì cho rau quả tự do, uống nước bằng lượng tiểu ra.
Tóm lại, trường hợp của chồng bạn phải điều trị tích cực theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài việc dùng thuốc người bệnh thận cần ăn nhạt thì mới giảm được phù. Tuy nhiên, việc ăn nhạt sẽ làm người bệnh cảm thấy khó ăn và không ngon miệng nên rất cần sự động viên của người chăm sóc.
Sau khi đã được điều trị khỏi thì anh nhà có thể ăn uống bình thường không phải kiêng muối nữa và theo định kỳ nên tái khám để kiểm tra các chức năng thận.
Nguồn SK&ĐS