Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chế độ làm việc trong Trường phổ thông: Không được quy đổi các hoạt động khác thành tiết dạy
Thứ sáu: 10:30 ngày 05/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi trưởng phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố, hiệu trưởng các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, Trường Khuyết tật tỉnh về việc giảm tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phước khen thưởng cá nhân, tập thể ngành Giáo dục nhân dịp tổng kết năm học, khai giảng năm học mới 2023-2024.

 Đáng chú ý, trong văn bản này, lãnh đạo Sở GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng, hiệu phó thực hiện đúng quy định về tiết dạy, không được quy đổi các hoạt động khác thành tiết dạy.

Không kiêm nhiệm quá hai chức vụ

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, để thống nhất trong việc thực hiện chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23.6.2017 của Bộ GD&ĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (gọi tắt là Văn bản hợp nhất số 03), Sở đề nghị phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc thực hiện chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm đúng theo quy định.

Trong đó, lưu ý áp dụng đúng định mức tiết dạy đối với giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo Điều 6 và Điều 7 Văn bản hợp nhất số 03; giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn, công tác Đảng, đoàn thể, các tổ chức khác trong nhà trường và đối với các đối tượng khác theo Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Văn bản hợp nhất số 03.

   Cán bộ, giáo viên trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo UBND tỉnh, tháng 9.2023.

Giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn (giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn, giáo viên kiêm phụ trách thư viện, thiết bị, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn) được giảm định mức tiết dạy của tất cả các công việc kiêm nhiệm đó theo Điều 8 Văn bản hợp nhất số 03. Mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá hai chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất theo Điều 9 Văn bản hợp nhất số 03.

“Đảm bảo số tiết theo quy định về định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (công khai tại hội nghị công chức, viên chức hằng năm của nhà trường) không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy được quy định”- văn bản nêu rõ.

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải đứng lớp

Văn bản hợp nhất số 03 là kết quả của sự hợp nhất hai thông tư liên quan đến chế độ làm việc của giáo viên, gồm Thông tư 28 ra đời từ năm 2009 và Thông tư 15 năm 2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28).

Đối với giáo viên phổ thông, Điều 6 của Văn bản hợp nhất số 03 quy định như sau: Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông 17 tiết. Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông. Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.

Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, Điều 7 của Văn bản hợp nhất số 03 quy định hai chức danh này “có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý”.

Định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như sau: Định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính bằng 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học. Định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại thông tư này.

Nói ngắn gọn, cán bộ quản lý trong trường phổ thông gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (phạm vi bài này không đề cập đến giáo dục đại học) phải dạy mỗi tuần từ hai đến bốn tiết theo đúng chuyên môn được đào tạo. Quy định này của Bộ GD&ĐT đã có từ rất lâu. Ngoài việc bắt buộc dạy để nắm rõ chuyên môn như Văn bản hợp nhất số 03 nêu, việc quy định hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đứng lớp dạy học còn nhằm thoả mãn điều kiện hưởng phụ cấp đứng lớp.

Mức giảm tiết dạy cụ thể như thế nào?

Theo quy định, giáo viên chủ nhiệm lớp cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông giảm 4 tiết/tuần.

Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường chuyên, trường bán trú được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 3 tiết/tuần.

Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn được giảm 3 tiết/môn/tuần. Giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 2-3 tiết/tuần tuỳ khối lượng công việc và do hiệu trưởng quyết định.

Tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần, tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần. Giáo viên kiêm bí thư đảng bộ, bí thư chi bộ (nơi không thành lập đảng bộ) trường hạng I được giảm 4 tiết/tuần, các trường hạng khác được giảm 3 tiết/tuần.

Giáo viên kiêm nhiệm công tác công đoàn thực hiện giảm định mức tiết dạy theo quy định tại Thông tư 08 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Giáo viên kiêm công tác bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 13 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục