Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/12
Thứ bảy: 08:41 ngày 29/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng chỉ thị bảo đảm đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn, tiết kiệm; Thủ tướng yêu cầu kiểm tra bảo đảm an toàn hàng không; quy định mức chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/12/2018.

Thủ tướng chỉ thị bảo đảm đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn, tiết kiệm

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Chỉ thị nêu rõ, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu được giao.

Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm 2018 và Tết nguyên đán Kỷ Hợi. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự trữ, bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn tết do không có tàu, xe; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định...

Quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính

Chính phủ ban hành Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật giao dịch điện tử; quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định pháp luật liên quan.

Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thuộc thủ tục hành chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến. Việc sử dụng chứng thư số và chữ ký số trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư khi quy hoạch di tích

Chính phủ ban hành Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nghị định nêu rõ một trong các căn cứ lập quy hoạch di tích là ý kiến tổ chức, cá nhân có liên quan; cộng đồng dân cư nơi có di tích.

Quy định mức chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT

Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 51/2018/QĐ-TTg quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2019-2021.

Theo quy định, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Mức chi phí quản lý bảo hiểm y tế năm 2019 bằng 4,6%, năm 2020 bằng 4,2% và năm 2021 bằng 3,8% dự toán thu tiền đóng bảo hiểm y tế được trích từ số tiền thu bảo hiểm y tế nhưng tối đa không vượt quá mức quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra bảo đảm an toàn hàng không

Thời gian vừa qua đã xảy ra một số sự cố trong quá tình khai thác của các hãng hàng không Việt Nam, có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra toàn bộ quy trình, quy định trong lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay (đặc biệt là khu bay và hệ thống quản lý hoạt động bay); tuyệt đối không để xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng đến tính mạng người dân; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ.

Mở Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt việc mở Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn nằm trong địa giới hành chính thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tọa độ điểm quy chiếu sân bay là giao điểm của trục tim đường CHC 03/21 và trục tim đường lăn B4, có tọa độ: 21°07'05”B - 107°24'51”Đ (hệ tọa độ WGS-84).

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn phục vụ hoạt động bay dân dụng và hoạt động bay quân sự với sân bay cấp 4E, tiếp nhận các loại tàu bay B777/787/747-400, A350 và tương đương. Nhà ga hành khách có công suất từ 2.000.000 đến 2.500.000 hành khách/năm.

Quy hoạch KDLQG Lăng Cô - Cảnh Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Lăng Cô - Cảnh Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2025, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút được các dự án đầu tư phát triển du lịch, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu DLQG; phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế.

Phê duyệt Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Thác Bà đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển Khu DLQG Hồ Thác Bà thành một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái và vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, có sản phẩm chủ đạo, đặc trưng và hình thành thương hiệu cho Khu DLQG Hồ Thác Bà. 

Nguồn Chinhphu

Tin cùng chuyên mục