Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ giảm, không bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Thứ hai: 04:13 ngày 24/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau khi Thông tư 08 ra đời, nhiều người, kể cả một số tờ báo cho rằng, quy định mới bãi bỏ hoàn toàn các chứng chỉ. Thực tế, không phải như thế.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Ngày 14.4.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư có hiệu lực từ ngày 30.5.2023. Sau khi Thông tư 08 ra đời, nhiều người, kể cả một số tờ báo cho rằng, quy định mới bãi bỏ hoàn toàn các chứng chỉ. Thực tế, không phải như thế.

Từ ba chứng chỉ còn một

Tại thời điểm ban hành chùm thông tư (năm 2021), giáo viên mỗi cấp học phải có 3 chứng chỉ tương ứng với 3 hạng chức danh nghề nghiệp. Quy định này căn cứ Nghị định 101 năm 2017 của Chính phủ.

Tuy nhiên, cuối năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung của Nghị định 101 điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành, theo đó, mỗi chuyên ngành có một chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần.

Vì vậy, tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp: Chỉ quy định một chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên, mỗi cấp học chỉ có một chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Điều này có nghĩa, giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30.6.2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.

Khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp, giáo viên tương ứng theo quy định tại chùm thông tư và khi chuyển chức danh nghề nghiệp thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự. Nói ngắn gọn, quy định mới nhất của Bộ GD&ĐT đã giảm từ ba chứng chỉ chức danh nghề nghiệp xuống còn một, không phải hoàn toàn bãi bỏ chứng chỉ.

Bỏ quy định thạc sĩ đối với một số trường hợp

Thời điểm ban hành chùm thông tư, cấp tiểu học chưa có giáo viên hạng I do đây là hạng mới bổ sung so với quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Tuy nhiên, một số giáo viên THCS hạng I cũ do chưa có bằng thạc sĩ theo quy định nên tạm thời bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II mới.

Các trường hợp này sau khi đạt tiêu chuẩn của hạng I mới thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I mới mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.

Mặc dù việc bổ nhiệm tạm thời vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II mới không phải là “rớt hạng” như tâm tư của một số giáo viên, mà là bổ nhiệm hạng tương ứng với mức độ đạt tiêu chuẩn theo quy định của hạng. Đồng thời, mọi chế độ, chính sách mà giáo viên hiện hưởng vẫn được bảo đảm, không có sự điều chỉnh nào. Tuy nhiên, việc này vẫn làm ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận giáo viên THCS.

Mục tiêu của giáo dục tiểu học là nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học THCS. Mục tiêu của giáo dục THCS là nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy, yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết. Do đó, tại Thông tư số 08, Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS hạng I là đại học.

Lương tương ứng với chức danh nghề nghiệp

Bộ GD&ĐT, sau khi nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, quyết định vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Tuy nhiên, sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

Khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp hiện được xếp theo Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng, không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.

Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết; khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00.

Điều chỉnh thời gian giữ hạng

Quy định về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III là 9 năm tại chùm thông tư bảo đảm tuân thủ quy định về thời gian tối thiểu làm việc trong ngạch theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Tuy nhiên, chênh lệch hệ số lương giữa hạng III (theo bảng lương của viên chức loại A0 với hệ số lương khởi điểm là 2,1) và hạng II (theo bảng lương của viên chức loại A1 với hệ số lương khởi điểm là 2,34) không nhiều, nếu yêu cầu thời gian giữ hạng 9 năm sẽ làm giảm động lực phấn đấu của giáo viên mầm non. Do đó, tại Thông tư số 08, Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm để thống nhất với các ngành, lĩnh vực khác.

Không cần nộp minh chứng

Theo chùm thông tư, khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới, một số địa phương yêu cầu giáo viên phải có đủ minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng dẫn đến việc giáo viên không thể cung cấp đủ minh chứng nên chưa được bổ nhiệm hạng tương ứng.

Để khắc phục tình trạng này ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT như sau: Làm rõ quy định nhiệm vụ đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp: là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công và hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng. Khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng.

Một cách khái quát, bằng Thông tư 08, Bộ GD&ĐT đã sửa đổi, điều chỉnh nhiều nội dung so với chùm thông tư năm 2021, tuy nhiên, giáo viên vẫn phải có một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Có người lo xa, “sắm ba cái chứng chỉ”, tốn gần chục triệu, nay vứt.

Về bản chất, chứng chỉ thực chất là một loại giấy phép con vốn chỉ dành cho các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm hoặc nguy hiểm. Mấy năm gần đây, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều quy định bãi bỏ rất nhiều loại chứng chỉ.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục