Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chi hơn 48 tỷ khai quật tàu cổ bằng... xáng cạp
Thứ tư: 08:31 ngày 28/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Để đẩy nhanh tiến độ khai quật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đề nghị Công ty Hào Hưng thuê xáng cạp thay thế máy hút cát để giải phóng lớp bùn bao phủ bề mặt thân tàu cổ.

Trực tiếp tham gia khai quật cổ vật, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Hào Hưng (gọi tắt là Công ty Hào Hưng) xác nhận Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã gửi văn bản đề nghị doanh nghiệp thuê... xáng cạp (máy múc) để đẩy nhanh tiến độ khai quật cổ vật ở vùng biển Dung Quất.

Dùng máy múc... khai quật cổ vật 

Tháng 3/2019, ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Trưởng ban khai quật), gửi văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi thuê xáng cạp để đẩy nhanh tiến độ khai quật cổ vật.

Qua khảo sát, các chuyên gia xác định tàu đắm cổ nằm ở độ sâu 15 m. Tàu được bao phủ lớp trầm tích dưới đáy biển, dạng bùn sình dẻo dày hơn 2 m nên rất khó thổi hút bùn cát. 

"Để đẩy nhanh tiến độ và phục vụ hiệu quả công tác khai quật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đề nghị Công ty Hào Hưng sử dụng máy xáng cạp thế máy hút cát để giải phóng lớp bùn bao phủ bề mặt thân tàu cổ", ông Đoàn đề nghị. 

Xáng cạp tham gia khai quật tàu cổ đắm ở cảng Hào Hưng, khu kinh tế Dung Quất.

Trước đề nghị sử dụng xáng cạp nạo hút bùn, lãnh đạo Công ty Hào Hưng từng cảnh báo nguy cơ vỡ, bể cổ vật là rất lớn.

"Chúng tôi thấy giải pháp này không ổn nên gửi văn bản yêu cầu phía Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải tự chịu trách nhiệm nếu khai quật tàu cổ xảy ra tình trạng vỡ cổ vật”, ông Lê Văn Lý, Phó giám đốc Công ty Hào Hưng, cho biết. 

Lãnh đạo Công ty Hào Hưng cho rằng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chi hơn 48 tỷ đồng khai quật tàu cổ Dung Quất nhưng thu về toàn mảnh vỡ là "quá vô lý". Cuộc khai quật này có nhiều khuất tất, nghi vấn lớn cần phải làm rõ.

Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi xác nhận kết quả khai quật hơn 10.000 hiện vật thu về chủ yếu là mảnh vỡ. Các chuyên gia nhận định những mảnh vỡ này nằm ở gần cầu cảng Dung Quất, với mật độ dày, chứng tỏ tàu cổ bị phá vỡ trong quá trình xây dựng cảng.

Tàu bị cọc bê tông đóng phá, mặt cầu cảng chồng đè lên trên, chỉ thu được thanh đà mũi tàu, các mảnh gỗ, đinh sắt, khóa đồng... nên khó nghiên cứu, phục dựng như dự định ban đầu.

Khai quật cổ vật kiểu... lạ đời 

Trực tiếp tham gia khai quật, ông Nguyễn Văn Th. tiết lộ đầu tháng 4, Công ty Hào Hưng huy động xáng cạp đào bùn dưới khu vực tàu cổ đắm đưa lên sà lan.

Hàng loạt mảnh vỡ gốm cổ lẫn trong bùn đen được xáng cạp múc lên. Công nhân đi lại trên sà lan gom nhặt, bơm nước rửa rồi bỏ vô thùng. "Họ sử dụng máy múc bùn ào ạt thế này thì cổ vật bên dưới tàu cổ đắm vỡ nát là đương nhiên. Khó thể tin nổi khi họ dùng xáng cạp khai quật cổ vật theo kiểu lạ đời như vậy ", ông Th. xót xa.

Mảnh vỡ cổ vật thu được ở tàu đắm Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo kế hoạch khai quật tàu cổ Dung Quất, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đưa ra quy trình khảo sát, sau đó hút cát bề mặt tốn thời gian khoảng 10 ngày, sau đó sẽ đánh giá hiện trạng, định vị tọa độ. Hoàn tất thủ tục, các chuyên gia căn ô và bóc từng khoang cổ vật, ngâm bảo quản, từ đó làm cơ sở để phục chế khảo cổ, hoặc dùng hệ thống phao đưa lên chuyển về nơi bảo quản. Thực tế, đơn vị chủ trì khai quật không tuân thủ đúng quy trình này.

Trao đổi với Zing.vn, ông Đoàn Sung, Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương, chuyên gia khai quật tàu đắm, cổ vật ở các vùng biển Việt Nam, cho hay về nguyên tắc phương pháp an toàn để khai quật cổ vật và giữ nguyên vẹn là hút hết lượng cát, bùn lấp trên tàu, cổ vật.

"Ban đầu chúng tôi dùng máy hút công suất lớn, đến khi gần đến cổ vật thì dùng máy hút công suất nhỏ để thổi cát đi mới bảo vệ được cổ vật và tàu đắm. Nếu không kiên trì, cẩn thận, vội vàng dùng máy công suất lớn hút cát hoặc dùng máy múc thì cổ vật sẽ vỡ nát hết", ông Sung nói.

Theo các chuyên gia, tàu cổ Dung Quất có "hiện tượng bị phá" nên mới có nhiều mảnh vỡ như thế.

Hai năm trước, trong lúc thi công nạo vét, thông luồng cảng biển và luồng quay tàu dùng chung cho khu kinh tế Dung Quất, nhóm công nhân phát hiện xác tàu cổ dài 30 m nằm ở độ sâu 9 m. Theo kết quả kiểm tra thực địa bước đầu, các chuyên gia nhận định xác tàu cổ bị chìm cùng nhiều hiện vật gốm sứ hoa lam cao cấp thời Minh (Trung Quốc), niên đại khoảng thế kỷ XVI.

Đây là tàu cổ đắm thứ 7 ở Việt Nam được khai quật và là tàu cổ đầu tiên được trục vớt bằng ngân sách, không nhờ sự trợ giúp của nước ngoài. Thời gian trục vớt dự kiến khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, do vướng mắc nên đến tháng 2 vừa qua, việc khai quật mới được tiếp tục, sau đó tạm dừng vào cuối tháng 5.


Cảng Quốc tế Hào Hưng (mũi tên đỏ), vị trí tàu cổ đắm. Ảnh: Google Maps.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục