Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều hộ dân khiếu nại đất hành lang đường bộ QL22:
Chỉ là… lỗi đánh máy (?)
Thứ hai: 06:19 ngày 05/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, Báo Tây Ninh có nhận được đơn của tập thể 16 hộ dân khiếu nại về việc vì sao không được bồi thường phạm vi 7m đất tính từ mép đường quốc lộ 22 cũ khi thu hồi đất để làm dự án đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có một hộ dân gửi đơn phản ánh với nội dung bị đền bù sai loại đất, đền bù đất thổ cư với giá rẻ. Qua xác minh, được biết lý do để xảy ra những vụ khiếu nại thật… không đáng có.

phapluat1.JPG

Các hộ dân đang yêu cầu “đền bù” phạm vi 7m đất ven đường QL22 cũ (đường Xuyên Á hiện nay).

ĐẤT THUỘC HÀNH LANG ĐƯỜNG BỘ

Đường Hồ Chí Minh do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh dài 21,7km (chia làm hai đoạn: đoạn 1 dài 14km, đoạn 2 dài 7,7km) do tỉnh thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó có đoạn tuyến giao cắt với đường Xuyên Á (QL22).

Theo đơn trình bày, 16 hộ dân trên có đất nằm trong phạm vi nút giao thông giữa đường Hồ Chí Minh và đường Xuyên Á, bên phải hướng từ thị trấn Gò Dầu xuống Trảng Bàng, thuộc địa phận ấp Bình Nguyên 2, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng. Các hộ dân này đều định cư, sinh sống tại đây đã hơn 20 năm.

Vào năm 2009, UBND huyện Trảng Bàng có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn 2). Trong quyết định thu hồi quyền sử dụng đất do UBND huyện Trảng Bàng ban hành, không có phần bồi thường 7m đất ven QL22, trong khi đa số giấy chứng nhận QSDĐ của các hộ dân đều có phần dính đến phạm vi 7m đất đang đề cập.

Điều lạ lùng, theo trích lục bản đồ (Công trình dự án đường Hồ Chí Minh phân đoạn Chơn Thành - Tây Ninh) do cơ quan chức năng cung cấp, lại cho thấy phần đất ngang 7m tính từ mép QL22 hướng vào đất dân có ghi rõ dòng chữ “Ranh GPMB cũ đã đền bù”. “Chúng tôi chưa hề nhận bất cứ đồng nào từ phạm vi đất này, tại sao lại thể hiện trong bản đồ như vậy, nếu bà con có đất liên quan không nhận tiền thì ai nhận, hoặc số tiền đền bù đã đi về đâu? Trong khi đó, những hộ dân đối diện phía bên kia đường lại được nhận khoản bồi thường này là như thế nào?”, nhiều hộ dân thắc mắc.

Ông Nguyễn Văn Na (sinh năm 1962), một trong 16 hộ dân nêu trên còn có đơn khiếu nại riêng về trường hợp của mình: “Vì sao trong giấy chứng nhận QSDĐ của tôi có 590m2 đất trồng cây lâu năm khác (LNK) nhưng lại bồi thường là đất lúa, trong khi có bảng tính thể hiện loại đất này với giá 1,2 triệu đồng/m2 mà không thấy cộng vào hay áp dụng chi trả thực tế.

Đền bù 400m2 đất ở tại nông thôn với giá 1,1 triệu đồng/m2 là quá rẻ so với thời điểm hiện nay, số tiền này nếu tính ra chỉ đủ để đóng thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, còn tiền mua đất xem như mất trắng”.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên các hộ dân nộp đơn khiếu nại vấn đề nêu trên, mà ngay từ khi công tác giải toả đền bù được triển khai đã vấp phải ý kiến thắc mắc.

Ngày 19.10.2010, UBND huyện Trảng Bàng đã có Công văn số 944 gửi UBND tỉnh và Sở GTVT về việc cần xác định rõ hơn diện tích bồi thường đất ven đường Xuyên Á để thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh.

Bởi vì, sau khi các hộ dân nhận quyết định thu hồi đất, có 24 hộ gửi đơn khiếu nại phần 7m đất ven đường Xuyên Á tính từ mép đường vào đất dân chưa được đền bù, nhưng theo trích lục bản đồ hồ sơ dự án lại thể hiện dòng chữ “Ranh GPMB cũ đã đền bù”.

Ngày 28.10.2010, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 3718 về việc truyền đạt ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh. Theo đó, giao Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu nội dung kiến nghị của UBND huyện Trảng Bàng tại Công văn số 944 để trả lời cho đơn vị.

Ngày 7.12.2010, Sở GTVT có Công văn số 898 trả lời cho UBND huyện Trảng Bàng như sau: “Thực hiện theo Quyết định số 1807/CCGĐ ngày 21.7.1997 của Bộ GTVT về việc chấp nhận hồ sơ cắm cọc tim tuyến và phạm vi giải phóng mặt bằng cho dự án đường Xuyên Á trên địa phận Việt Nam (Thủ Đức - An Sương - Mộc Bài); Quyết định số 3237/CGĐ ngày 24.10.1997 của Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án nâng cấp đường Xuyên Á… thì từ chân taluy QL22 cũ trở ra mỗi bên 7m (đoạn qua Thị trấn 5m) là hành lang bảo vệ đường bộ nên không thuộc phạm vi được đền bù”.

Ngoài ra, khi nâng cấp QL22 thành đường Xuyên Á, chỉ mở rộng về phía bên phải (theo hướng từ Trảng Bàng lên Gò Dầu), không mở rộng phía bên trái, nên chỉ GPMB phía phải. Theo đó, phần đất tính từ chân taluy QL22 cũ trở ra 7m là phạm vi đất bảo vệ hành lang đường bộ nên không được đền bù, chỉ đền bù từ mét thứ 7 trở ra đất của dân.

Hiện nay, dự án đường Hồ Chí Minh cắt qua đường Xuyên Á, việc giải toả đền bù cũng phải xác định phạm vi 7m đất phía bên trái (bên 16 hộ dân đang khiếu nại) thuộc hành lang bảo vệ đường bộ QL22 cũ. Sở GTVT khẳng định, phần đất 7m mà các hộ dân đang khiếu nại không thuộc trường hợp được đền bù.

Như vậy, theo Công văn số 898 nêu trên của Sở GTVT, sẽ không có chuyện “những hộ dân đối diện phía bên kia đường (phía bên phải hướng từ Trảng Bàng lên Gò Dầu) lại được nhận khoản bồi thường trong phạm vi 7m” như 16 hộ đã thắc mắc.

phapluat2.jpg

Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Na khá rõ ràng nhưng vẫn bị “lỗi sơ suất trong khâu nhập máy”.

YÊU CẦU CỦA ÔNG NA KHÔNG CÓ CƠ SỞ

Theo biên bản cuộc họp ngày 17.2.2011 tại UBND xã Gia Bình, đại diện Sở GTVT đã giải thích: “Do công ty đo đạc dùng từ không chuẩn xác, Sở đề nghị công ty đo đạc điều chỉnh lại”. Đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Trảng Bàng (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất Chi nhánh huyện Trảng Bàng) nêu ý kiến, cần sửa lại câu “Ranh GPMB cũ đã đền bù” thành “Phạm vi không bồi thường” để các cơ quan có liên quan thuận tiện trong công tác giải phóng mặt bằng.

Riêng trường hợp của ông Na, ngày 6.1.2011, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Trảng Bàng có Công văn số 08 trả lời như sau: đất của ông Na bị thu hồi để thực hiện dự án là 2.559,2m2, trong đó thửa 66 có diện tích là 990m2 đất ONT + LNK (theo giấy chứng nhận QSDĐ là trong thửa 314, tờ bản đồ số 11, loại đất ONT + LNK).

“Do sơ suất trong khâu nhập máy” nên đã tính bồi thường cho ông Na 400m2 đất ONT và 590m2 đất lúa (đúng phải là 590m2 đất LNK). Như vậy, việc khiếu nại của ông Na về 590m2 đất trên là có cơ sở, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện sẽ lập thủ tục trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh lại và sẽ chi bồi thường bổ sung cho ông.

Được biết, vào thời điểm năm 2010, bồi thường đất lúa cho ông Na là giá 700.000 đồng/m2, nếu là đất trồng cây lâu năm khác sẽ có giá 750.000 đồng/m2. Vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất Chi nhánh huyện Trảng Bàng đã hai lần gửi thông báo và thư mời ông Na đến cơ quan để nhận bổ sung số tiền bồi thường chênh lệch từ lỗi “sơ suất trong khâu nhập máy” theo giá đất trồng cây LNK vào thời điểm năm 2010.

Tuy nhiên, ông Na đã từ chối nhận tiền vì cho rằng: “Đánh máy sai không phải lỗi do tôi, chậm trả tiền bồi thường trong khoảng 8 năm qua cũng không phải lỗi do tôi, yêu cầu cơ quan chức năng thực chi trả bồi thường vào thời điểm nào thì áp giá theo thời điểm đó, tức là thời điểm hiện nay”.

Đồng thời, ông Na còn đề nghị giải thích rõ vì sao trong “Bảng tính bồi thường, hỗ trợ chi tiết sau khi điều chỉnh, bổ sung dự án đường Hồ Chí Minh đoạn 2 (phạm vi nút giao nhau với đường Xuyên Á)” đính kèm theo Quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bổ sung số 6272 ngày 18.12.2017 của UBND huyện Trảng Bàng có thể hiện: 1,2 triệu đồng/m2 đối với loại đất trồng cây LNK trong khu dân cư tập trung tiếp giáp đường Xuyên Á (phạm vi 50m, thuộc vị trí 1, xã loại II). Thế nhưng, trong cột tính tổng lại không thấy cộng vào, cũng như không áp dụng chi trả bồi thường thực tế theo bảng trên (có đóng dấu treo của UBND huyện Trảng Bàng).

Ngày 1.2.2018, ông Dương Quốc Thuận- Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Chi nhánh huyện Trảng Bàng cho hay: “Ông Na cũng đã từng thắc mắc với chúng tôi về việc bảng tính có ghi giá đất trồng cây LNK 1,2 triệu đồng/m2…

Xin giải thích, đây chỉ là thông tin đề xuất lên Sở Tài Nguyên và Môi trường xem xét nhằm tìm hướng giải quyết, chứ chưa thực sự áp dụng. Có thể, trong quá trình lập bảng để gửi cho người dân, người đánh máy đã quên xoá đi nội dung này”.

Ông Thuận còn cho biết thêm, việc bồi thường 400m2 đất thổ cư của ông Na với giá 1,1 triệu đồng/m2 vào thời điểm năm 2010 là phù hợp theo chủ trương, đó là chưa tính khoản chính sách hỗ trợ tái định cư cho gia đình ông.

“Ông Na đã không chọn nhận hỗ trợ theo hình thức tái định cư tập trung, mà chọn tái định cư phân tán (lãnh tiền và tự giải quyết chỗ ở), theo đó, ông sẽ nhận được thêm hơn 321 triệu đồng. Do vậy, hộ ông Nguyễn Văn Na yêu cầu áp giá 400m2 đất thổ cư (đã nhận tiền bồi thường vào năm 2010) theo thời giá hiện tại là không có cơ sở”, ông Võ Lê Chung- cán bộ phụ trách dự án thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất Chi nhánh huyện Trảng Bàng nêu ý kiến.

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng cho biết, hướng giải quyết sắp tới là sẽ mời họp toàn bộ các hộ dân đang khiếu nại để giải thích thêm nữa về phạm vi 7m đất thuộc hành lang bảo vệ đường bộ QL22 cũ nên không được đền bù.

Thực tế, trước đó, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần giải thích cho bà con hiểu rõ về vấn đề phạm vi 7m đất, một số người đã hiểu và không khiếu nại nữa. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người cứ nhắm vào dòng chữ “Ranh GPMT cũ đã đền bù” để tiếp tục khiếu nại.

Nhận thấy, nguyên nhân dẫn đến khiếu nại kéo dài là do xuất phát từ khâu “lỗi đánh máy” hay “dùng từ không chuẩn xác”… Do vậy, sự việc không đáng để xảy ra. Hiện tại, vẫn còn nhiều hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng vì trông chờ “được đền bù” 7m đất.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục