Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chỉ ngành y tế không thể chấm dứt được bệnh lao
Chủ nhật: 17:55 ngày 24/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khảo sát nhiều địa phương ở miền núi, đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngoài vai trò của bác sỹ, nhân viên y tế thì sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, nơi làm việc cũng rất quan trọng trong nhắc nhở, giúp đỡ người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ, thời gian điều trị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy, đóng góp kinh nghiệm, tiếng nói trong công tác phòng chống bệnh lao trên toàn cầu. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 23/3, Bộ Y tế, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức Sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3), Sơ kết 5 năm triển khai Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao và Phát động Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.

Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải có những hành động mạnh mẽ, hiệu quả hơn để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Bởi mỗi năm trên thế giới có thêm 10 triệu người nhiễm bệnh lao, 1,6 triệu người chết vì bệnh lao. Ngay tại Việt Nam, mặc dù là một trong những nước được đánh giá có nhiều nỗ lực và hiệu quả hàng đầu về công tác phòng chống lao, nhưng hàng năm vẫn có tới 120.000 người nhiễm lao mới, 12.000 người chết vì bệnh lao (gấp 1,5 số người chết vì tai nạn giao thông). Tỷ lệ phát hiện lao trên thế giới là 61% còn ở Việt Nam là 81%.

Phó Thủ tướng cho rằng việc phát hiện và phát hiện sớm bệnh lao là vô cùng quan trọng và có tính quyết định với tỷ lệ chữa khỏi khoảng 52% trên thế giới và 75% ở Việt Nam. Thậm chí, ở Việt Nam nếu người mắc lao lần đầu được phát hiện thì tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 4-6 tháng lên tới 90%.

Những kết quả của công tác phòng chống lao ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay rất đáng khích lệ. Một hệ thống phát hiện, điều trị bệnh nhân lao đã được hình thành với sự tham gia của ngành y tế, sự vào cuộc cộng đồng, nhiều tổ chức xã hội.

Cùng với đó, một cơ chế tài chính cũng từng bước hình thành cơ bản bảo đảm cho công tác phòng chống và chữa trị bệnh lao từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, tài trợ quốc tế, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao … Đến thời điểm này, nguồn kinh phí dành cho hoạt động chống lao ở Việt Nam khoảng 60 triệu USD/năm, và để chữa chị cho 1 bệnh nhân lao chỉ cần chưa đến 10 triệu đồng, trong đó có 2 triệu đồng tiền thuốc.

“10 triệu đồng thì cứu được 1 mạng người. Tôi rất mong rằng toàn xã hội sẽ quan tâm, hỗ trợ cho Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, tiến tới thật nhanh mục tiêu 100% số người nhiễm lao ở Việt Nam được phát hiện, chữa trị ngay từ đầu”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Nhưng điều quan trọng hàng đầu, theo Phó Thủ tướng là sự chuyển biến nhận thức của cả cộng đồng đối với người mắc bệnh lao. Trước đây người bị bệnh lao thường giấu bệnh, nhiều DN buộc người bị bệnh lao phải nghỉ việc nhưng đến nay sự e ngại, phân biệt đó đã bớt đi nhiều.

Phó Thủ tướng chia sẻ, ông đã đi khảo sát nhiều địa phương ở miền núi, đồng bằng sông Cửu Long và được biết ngoài vai trò của bác sỹ, nhân viên y tế thì sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, nơi làm việc cũng rất quan trọng trong nhắc nhở, giúp đỡ người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ, thời gian điều trị.

Khẳng định cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của ngành y tế cùng cả hệ thống làm sao để người dân nhận thức đầy đủ về bệnh lao. Đây là căn bệnh lây nhiễm nhưng không đáng sợ, thậm chí với tiến bộ của y học ngày hôm nay không còn là “bệnh nan y”. Bản thân người bệnh khi có triệu chứng thì chủ động đi kiểm tra để được phát hiện, điều trị theo đúng lộ trình, phác đồ.

Phó Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân thấy rằng bệnh lao sẽ cướp đi sinh mạng của rất nhiều người nếu không được phát hiện, điều trị. Đồng thời củng cố cơ chế tài chính, ứng dụng các kỹ thuật phát hiện, điều trị mới, hình thành các chương trình hỗ trợ người bệnh huy động sự tham gia của toàn xã hội thông qua các công cụ công nghệ thông tin.

“Chấm dứt bệnh lao không chỉ là nỗ lực của Việt Nam mà của cả thế giới. Vì thế chúng ta cần chung tay từ những nhóm cộng đồng, thành phần khác nhau ở một vùng, một quốc gia và mở rộng ra toàn cầu. Trong tình hình đó, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế từ chuyên môn, xây dựng chính sách đến vận động cộng đồng… đều hết sức quan trọng. Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy, đóng góp kinh nghiệm, tiếng nói trong công tác phòng chống bệnh lao trên toàn cầu”, Phó Thủ tướng nói.

* Nhân dịp này, nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao đã phối hợp với cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ . Thời gian bắt đầu từ 00h00 ngày 10/3 đến 24h00 ngày 9/5/2019.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục