Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tỉnh Tây Ninh, chỉ số CCHC năm 2019 đạt 80,05%, nằm vị trí số 44 (tăng 4 bậc so với 2018) thuộc các tỉnh, thành phố nhóm B; chỉ số SIPAS cũng tiếp tục tăng so với trước- đạt 83,45% xếp vị trí thứ 40 trên cả nước (năm 2018 là 81,24%, năm 2017 đạt 79,76%).
Bảng kết quả chỉ số CCHC-PAR INDEX năm 2019.
Sáng 19.5, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước (SIPAS) năm 2019. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ. Tại Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cùng đại diện các sở, ngành dự hội nghị.
Công tác CCHC năm 2019 tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đồng bộ và có nhiều đổi mới, sáng tạo.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, Chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 81,15%, cao hơn 4,23% so với giá trị trung bình năm 2018 (đạt 76,92%) và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây.
Cụ thể, chỉ số CCHC năm 2019 các bộ được phân làm 2 nhóm. Nhóm A (đạt trên 90%) gồm 3 đơn vị. Nhóm B (đạt từ trên 80% đến dưới 90%) có 14 bộ. Trong đó, đứng đầu các bộ là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chỉ số CCHC là 95,40%, đứng cuối là Bộ Giao thông Vận tải với chỉ số là 80,53%.
Về kết quả chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố được phân ra làm 3 nhóm: nhóm A (đạt trên 90%) có 1 tỉnh; nhóm B (đạt từ 80% đến dưới 90%) có 43 tỉnh, thành phố và nhóm C (đạt từ 70% đến dưới 80%) có 19 tỉnh. Trong đó, dẫn đầu bảng xếp hạng về chỉ số CCHC là tỉnh Quảng Ninh (đạt kết quả 90,09%) và tỉnh thấp nhất là Bến Tre (đạt kết quả 73,87%).
Chỉ số SIPAS năm 2019 được đánh giá là tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua ý kiến phản hồi về cảm nhận, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Năm 2019, 84,45% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (tăng gần 1,5% so với năm 2018, gần 2,3% so với năm 2017).
Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về tiếp cận dịch vụ là 86,48%; về thủ tục hành chính (TTHC) là 86,54%; về công chức là 85,62%; về kết quả dịch vụ là 88,56% và về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức là 73,66%.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của 63 tỉnh nằm trong khoảng 73,81% - 95,26%, trong đó tỉnh có chỉ số cao nhất là Quảng Ninh (đạt 95,26%) và tỉnh có chỉ số thấp nhất là Bình Thuận (đạt 73,81%).
Về phía tỉnh Tây Ninh, chỉ số CCHC năm 2019 đạt 80,05%, nằm vị trí số 44 (tăng 4 bậc so với 2018) thuộc các tỉnh, thành phố nhóm B; chỉ số SIPAS cũng tiếp tục tăng so với trước- đạt 83,45% xếp vị trí thứ 40 trên cả nước (năm 2018 là 81,24%, năm 2017 đạt 79,76%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC năm 2019 còn một số hạn chế như một số bộ chưa hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật đã được phê duyệt; vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC; Cổng dịch vụ công của một số bộ chưa đáp ứng yêu cầu về chức năng kỹ thuật theo quy định.
Đối với các địa phương, một số tỉnh, thành phố chưa kịp thời công khai đầy đủ nội dung, quy định TTHC trên Cổng dịch vụ công hoặc các trang thông tin điện tử sau khi công bố; có nơi vẫn còn công khai các quy định TTHC theo văn bản đã hết hiệu lực thi hành, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu và thực hiện TTHC…
Thông qua chỉ số CCHC và chỉ số SIPAS, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhận định, công tác CCHC đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ nhiều giải pháp, mô hình, cách làm mới sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả để xây dựng phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các địa phương đã nỗ lực trong việc đơn giản hoá các TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục.
Trong thời gian tới, để công tác CCHC tiếp tục được đẩy mạnh, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu, người đứng đầu cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đạt được, thúc đẩy, tạo sự chuyển biến trong công tác CCHC. Khi tiếp nhận hồ sơ phải xử lý đúng theo thời gian quy định.
Nếu trễ hẹn, phải có có lý do và phải xin lỗi người dân. Các bộ, ngành, địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, thanh tra, không để có tình trạng nhũng nhiễu, chi phí ngoài luồng gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình giải quyết TTHC.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, ngay sau hội nghị phải bắt tay ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC với tinh thần quyết tâm, hiệu quả cao để góp phần vào phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và kinh tế xã hội năm 2020.
N.D