Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
TAND và Viện KSND cấp cao:
Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vụ, việc dân sự
Thứ hai: 00:40 ngày 20/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nếu phát hiện việc huỷ, sửa bản án, quyết định của Toà án cấp dưới là không đúng pháp luật thì Chánh án TAND tỉnh phải có văn bản kiến nghị kháng nghị kịp thời, gửi người có thẩm quyền kháng nghị để khắc phục sai lầm của Toà án cấp tỉnh.

Ông Cao Minh Trí - Viện trưởng Viện 2, Viện KSND cấp cao.

Tại hội thảo chuyên đề “Thực trạng, nguyên nhân, giải pháp hạn chế, kéo giảm các vụ việc dân sự bị huỷ, sửa của TAND hai cấp tỉnh Tây Ninh” diễn ra hôm 17.12, đại diện TAND cấp cao và Viện KSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp nhiều kinh nghiệm trong công tác giải quyết các vụ, việc dân sự.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ

Ông Cao Minh Trí- Viện trưởng Viện 2, Viện KSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, các quan hệ tranh chấp trong lĩnh vực dân sự là vấn đề rất khó giải quyết. Trong thực tiễn xét xử, một số bản án, quyết định giải quyết các vụ, việc dân sự có sai sót, vi phạm nghiêm trọng, nếu đưa ra thi hành sẽ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan. Việc này không chỉ tổn thất về mặt vật chất, mà còn ảnh hưởng về mặt tinh thần.

Ông Cao Minh Trí nêu một số dạng vi phạm nghiêm trọng phổ biến của Toà án hai cấp nói chung, dẫn đến việc án bị huỷ, sửa như vi phạm về thẩm quyền giải quyết của Toà án; điều kiện thụ lý vụ án; cách tính thời hiệu; không đưa đủ người tham gia tố tụng; thu thập chứng cứ không đầy đủ và không giải quyết hết hoặc vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự; áp dụng quy định của pháp luật không đúng; đánh giá chứng cứ không phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không khách quan, toàn diện… Dẫn đến việc Toà án cấp cao phải tuyên sửa, huỷ án để giải quyết lại.

Theo kinh nghiệm của ông Trí, Toà án hai cấp cần thường xuyên cập nhật, nắm bắt kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế… để nghiên cứu, tham chiếu và vận dụng vào thực tiễn giải quyết các vụ, việc dân sự. Toà án phải nghiên cứu kỹ yêu cầu khởi kiện của đương sự, xác định đúng tư cách tham gia tố tụng, quan hệ pháp luật tranh chấp, việc thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Từ đó, xác định thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Toà án hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức khác.

Ngay từ khi thụ lý vụ, việc, Thẩm phán cần xây dựng sơ đồ bản kế hoạch xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ. Vì đây là sản phẩm, kết quả của quá trình nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đánh giá, so sánh, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Tính chất, đặc điểm của mỗi một vụ, việc sẽ có những nội dung yêu cầu khác nhau. Do đó, vấn đề đặt ra là phải nhận thức đầy đủ những cơ sở chung nhất, khái quát nhất để đề ra kế hoạch xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, giúp cho Thẩm phán thực hiện những nội dung yêu cầu được kịp thời, chính xác, đúng bản chất của quan hệ tranh chấp.

Đối với một số vụ việc phức tạp, đặc biệt là các vụ án liên quan đến quản lý Nhà nước về đất đai. Để có căn cứ giải quyết được chính xác, án không bị huỷ, sửa, Toà án không thể chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc, mà cần phải xem xét toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan để làm căn cứ ra bản án, quyết định.

Hiện nay, Viện Kiểm sát và Toà án các cấp rất chú trọng công tác thông báo rút kinh nghiệm đối với các vụ, việc dân sự bị huỷ hoặc sửa. Những thông báo rút kinh nghiệm này là tài liệu quý giá, được xem như cẩm nang cho mỗi kiểm sát viên và Thẩm phán trong thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, kiểm sát viên, Thẩm phán cần tập hợp thông báo này để nghiên cứu kỹ, rút ra những dạng vi phạm, thiếu sót, hạn chế của Toà án nhằm nâng cao khả năng nhận diện vi phạm trong quá trình nghiên cứu, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để ra bản án, quyết định được chính xác, triệt để, đúng pháp luật.

Toà án hai cấp thường xuyên tổ chức họp liên ngành, đưa ra những vụ án phức tạp nhằm cùng nhau có biện pháp giải quyết. Thẩm phán, kiểm sát viên cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thụ lý, giải quyết các án phức tạp. Việc phối hợp này nhằm bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, giải quyết vụ án được nhanh chóng, toàn diện, tránh trường hợp hai ngành không thống nhất. Xây dựng, ký kết quy chế phối hợp trong công tác giải quyết án dân sự cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, Toà án hai cấp cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chủ quản cấp trên đối với cấp dưới. Trong đó, việc tăng cường giải đáp thắc mắc, hướng dẫn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm là biện pháp hữu hiệu góp phần khắc phục những thiếu sót, hạn chế, kéo giảm các vụ, việc dân sự bị huỷ, sửa trong thời gian tới.

Vận dụng pháp luật phải hết sức thận trọng, chính xác

Theo ông Võ Văn Cường- Phó Chánh án TAND cấp cao, khi giải quyết tranh chấp, nhất là các tranh chấp về đất đai thường có nhiều quan hệ pháp luật phức tạp, nội dung tranh chấp có nhiều yêu cầu phải giải quyết đan xen nhau… Do vậy, việc xác định người tham gia tố tụng, thu thập, đánh giá chứng cứ, vận dụng pháp luật phải hết sức thận trọng, chính xác.

Việc xét xử của Thẩm phán luôn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nhưng để phát huy trí tuệ tập thể, khi giải quyết những vụ án khó khăn, phức tạp, Chánh án Toà án cấp huyện phải tổ chức họp Thẩm phán để lấy ý kiến của từng cá nhân, nhằm giúp cho việc xem xét, giải quyết vụ án được toàn diện. Trường hợp việc lấy ý kiến có nhiều quan điểm khác nhau thì cần phải xin ý kiến của Uỷ ban Thẩm phán TAND tỉnh.

Đối với TAND tỉnh, việc xét xử vụ việc dân sự phải có sự thống nhất. Theo đó, các vụ án có tính chất phức tạp hoặc đã bị cấp trên huỷ thì khi giải quyết cần phải tham khảo ý kiến của tập thể Uỷ ban Thẩm phán. Việc áp dụng pháp luật phải được thống nhất giữa Toà án hai cấp. Lãnh đạo TAND tỉnh cần tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với Hội đồng xét xử và toàn Thẩm phán hai cấp, việc này cần thực hiện nghiêm túc, trên cơ sở cầu thị.

Trường hợp cho rằng bản án bị Toà án cấp trên huỷ, sửa là chưa chính xác, Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án. Đây là việc làm cần thiết nhằm phát huy tinh thần dân chủ, khách quan, đúng đắn của lãnh đạo cũng như bản án, quyết định của Toà án hai cấp. Qua đó, mỗi cá nhân sẽ rút ra được kinh nghiệm khi giải quyết những vụ án khác có nội dung tranh chấp tương tự, hạn chế được những thiếu sót đã gặp trước đó.

Ông Võ Văn Cường - Phó Chánh án TAND cấp cao.

Việc nghiên cứu các án lệ, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng như các hướng dẫn giải đáp thắc mắc của TAND tối cao là “kim chỉ nam” đặc biệt quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự. Thực tế, Chánh án và Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trong thời gian qua đã ban hành nhiều nghị quyết, án lệ, giải đáp thắc mắc với mục đích áp dụng thống nhất pháp luật. Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh cần định kỳ tổ chức các buổi tập huấn cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, thư ký Toà án, thẩm tra viên.

Đối với các bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị Toà án cấp tỉnh huỷ, sửa nhưng không có căn cứ hoặc thiếu tính thuyết phục thì có thể thực hiện kiến nghị, kháng nghị đối với bản án phúc thẩm theo quy định tại Quyết định số 120/QĐ-CA ngày 19.6.2017 của Chánh án TAND tối cao. Đồng thời, cần thiết phải tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm của TAND tỉnh đối với TAND cấp huyện.

Nếu phát hiện việc huỷ, sửa bản án, quyết định của Toà án cấp dưới là không đúng pháp luật thì Chánh án TAND tỉnh phải có văn bản kiến nghị kháng nghị kịp thời, gửi người có thẩm quyền kháng nghị để khắc phục sai lầm của Toà án cấp tỉnh. Có vậy mới bảo đảm được tính công bằng, thống nhất khi áp dụng pháp luật tại cơ quan tư pháp Toà án hai cấp tỉnh Tây Ninh.

Ông Võ Văn Cường nhấn mạnh, tranh chấp dân sự, đặc biệt là các quan hệ tranh chấp về đất đai là vô cùng phức tạp. Vì vậy, việc nghiên cứu hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, nghiên cứu các án lệ và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán để áp dụng khi giải quyết vụ, việc là hết sức cần thiết. Việc chọn, phân công Thẩm phán giải quyết vụ án khó, phức tạp cũng là một trong những yếu tố quyết định đến kết quả và tiến độ xử án.

Về phía TAND cấp cao, khi Uỷ ban Thẩm phán xét xử giám đốc thẩm đối với các bản án, quyết định của Toà án hai cấp tỉnh Tây Ninh thì cần phải chỉ ra rõ những điểm sai, những vấn đề cần làm rõ khi bản án bị huỷ. Tất cả các nội dung này cần phải ghi nhận trong quyết định giám đốc thẩm, để khi giải quyết lại vụ án thì Toà án hai cấp có thể khắc phục những thiếu sót, tránh được việc bị huỷ án tiếp theo. Như vậy cũng là nhằm để Thẩm phán có bản án, quyết định bị huỷ hoặc sửa thấy được lỗi của mình, rút kinh nghiệm về sau.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục