Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khoảng năm 1990, cha tôi mua về một chiếc bàn ủi con gà bằng đồng vàng ươm. Gọi như thế vì trước đầu bàn ủi có hình con gà trống. Em trai tôi cứ đớt đát gọi: “Hai… Hai… tháo con gà cho em cầm chơi i”. Nhưng làm sao tháo được, con gà được đổ dính chặt vào nắp bàn ủi rồi. Tay cầm của bàn ủi bằng gỗ được sơn màu son, nắp bàn ủi cũng được nhà sản xuất tạo một đường viền hình sóng lượn, chân bàn ủi có một hàng lỗ nhỏ bằng đầu đũa để thoát hơi nóng của than.
Bàn ủi con gà
Cha tôi là thợ hồ, ít có dịp ăn diện quần áo thẳng thớm, nhưng mỗi khi tân gia, chủ nhà hay có lời cảm ơn ông thợ, mời ông thợ đứng lên cho mọi người nhìn mặt. Buổi ấy cha tôi phải ăn mặc đàng hoàng rồi. Áo sơ mi, quần tây ủi thẳng thớm, thêm chiếc khăn tay trong túi áo nữa là cha tôi vui lắm.
Tôi là người phụ trách việc ủi quần áo cho cha. Ngày ấy, chỉ cần bỏ vài cục than củi vào bàn ủi để lấy hơi nóng. Nhà tôi lúc ấy chụm củi cao su, củi mì, nên hay kiếm cục than củi cao su to bằng cườm tay hay mấy cái gốc mì đượm than là ủi được mớ đồ. Những chiếc quần của cha tôi lúc ấy toàn bằng vải ka-tê nên sau vài lần giặt nó lại xoăn lên như lò xo trông rất kỳ. Công việc ủi quần áo của tôi được bắt đầu trên những chiếc quần vải, áo kaki dày vì vôi vữa của cha.
Chỉ có điều, chiếc bàn ủi con gà ấy khi bỏ than củi cao su hay gốc củi mì vào thì mau lụn lắm, ủi tầm hai, ba bộ đồ là phải đổ ra thay than khác. Tôi, cô bé tuổi 13-14 thường tranh thủ vừa nấu cơm chiều vừa ủi quần áo cho cha. Mỗi khi đi làm về, cha nhìn mấy bộ đồ ủi thẳng thớm là cười tươi kèm lời khen: “Con gái là kiện tướng của cha”. Lúc ấy, tôi chả biết kiện tướng là gì, chỉ biết thấy cha vui là tôi cũng cười híp mắt.
Chiếc bàn ủi hình con gà này không chỉ để ủi quần áo thường ngày cho cha mà nó còn có một kỷ niệm đặc biệt với mẹ tôi. Đó là lần mẹ được nhờ đi đưa dâu cô Út. Mẹ lấy bộ áo dài cưới ngày xưa ra định ủi. Nhưng thấy mẹ bận buôn bán suốt ngày ở chợ, tôi giành lấy vì nghĩ mình có kinh nghiệm ủi đồ. Nhưng xui rủi sao đó mà mấy miếng bụi than nóng từ lòng bàn ủi đã bay ra theo những lỗ tròn dọc chân bàn ủi và rơi lên tà áo dài thành những đốm tròn màu đen rất đối lập với màu thiên thanh của áo.
Tôi toát mồ hôi vì sợ. Tôi biết mẹ rất quý chiếc áo này, cất trong tủ mười mấy năm qua. Áo dài này mẹ chỉ mặc vào dịp trọng đại như đi đám cưới, đi mừng thọ ông bà nội thôi. Giờ áo cháy rồi biết làm sao?
Lo sợ hơn, tôi còn phát hiện, mấy miếng bụi than ấy rớt xuống vạt áo dài của mẹ xong thì thấm xuống cả cái mền lót để ủi và bốc khói. Tôi phải múc nước đổ lên mền cho hết cháy. Tối về, mẹ cầm vạt áo bị cháy mà đôi môi mím chặt khiến tôi rất lo sợ. Nếu mẹ mắng còn đỡ, mẹ đánh đòn thì đau và quê với mấy đứa em lắm.
Bất giác mẹ nói “À, nghĩ ra rồi”. Vậy là gương mặt của mẹ giãn ra. Mẹ tìm nhanh trong chiếc tủ thờ rồi lôi ra một mớ kim chỉ. Chả biết tại sao mẹ lại có chỉ màu thiên thanh, trùng với màu áo dài. Đôi tay mẹ thoăn thoắt, những mũi kim đâm xuống xuyên lên một hồi thì một chùm bông mai đã nở ra trên áo, ngay mấy vết cháy.
Chỉ có điều, hoa mai xanh chứ không phải mai vàng mùa tết. Tôi vỗ tay khen mẹ hay quá. Mẹ tôi hừ nhẹ bảo rằng sao mà bỏ được vật kỷ niệm này. Mà cũng nhờ có đứa con gái giỏi quá nên mẹ phải giỏi theo chứ sao? Chữ “giỏi quá” được mẹ kéo giọng dài ra khiến tôi hoài nghi không biết mình có giỏi thật không?
Bây giờ chiếc bàn ủi có con gà trên nắp không còn màu vàng ươm nữa. Nó đã xám xỉn nâu không ra nâu, đen không ra đen. Cái tay cầm màu son đã xám xịt, chân con gà cũng lúc lắc chứ không đứng im như hồi mới mua.
Nhưng mẹ tôi quý lắm, cất vào một góc của chiếc tủ kính chuyên để kinh sách, giấy tờ của gia đình. Có dạo mấy người mua đồ cổ hỏi mua chiếc bàn ủi ấy giá mấy triệu bạc nhưng mẹ không bán. Mẹ bảo tiền bao nhiêu xài cũng hết, chỉ kỷ niệm lưu giữ là còn mãi.
Chiếc bàn ủi này không chỉ là kỷ vật một thời khốn khó của gia đình đã cùng nhau vượt qua, mà nó còn gắn liền nhiều kỷ niệm với mẹ. Là mẹ tôi không muốn nói thôi, chứ hồi đó ngoài việc ủi cháy áo dài của mẹ, tôi còn “ịn” một bệ cháy trên cổ áo sơ mi của cha bởi đang ủi thì nghe mùi cơm khét phải chạy xuống bếp “cứu” nồi cơm. Báo hại mẹ phải thức suốt đêm để thay cổ áo khác. Sáng ra, cha mặc áo đi ăn tân gia còn xuýt xoa: “Nay thợ may phối màu lạ mà hay bà hén? Áo vải trắng mà cổ vải xanh nổi bật ghê!”.
Trang Đào