Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chiếc khăn sbay của người phụ nữ Khmer
Thứ sáu: 15:08 ngày 15/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trang phục truyền thống của người phụ nữ Khmer khá cầu kỳ và rực rỡ, có sự kết hợp hài hoà giữa áo tầm-vông (hay còn gọi là áo cổ vòng), vận sà rông, đặc biệt không thể thiếu chiếc khăn sbay.

Chú rể nắm sbay của cô dâu trong ngày cưới.

Vậy sbay là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào trong phong tục của người Khmer? Theo Từ điển Khmer - Việt, thì: “Sbay - khăn vắt chéo; - kéo sbay vào phòng hoa chúc” (sđd - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Trường Đại học Trà Vinh - NXB Chính trị Quốc gia sự thật - 2020). Qua cách giải thích của từ điển, ta có thể hiểu sbay là một loại khăn vắt chéo của người phụ nữ.

Đối với người Khmer, dù gia đình có khó khăn thiếu thốn thì trong ngày cưới cũng cần phải chuẩn bị cho cô dâu những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Đó không những là sự hãnh diện của gia đình mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc Khmer.

Trong ngày cưới, cô dâu Khmer sẽ mặc xăm pốt hôl màu tía sẫm hoặc màu hồng cánh sen, cùng với áo ngắn bó chẽn, có khi là loại áo dài tầm vông đỏ, quàng khăn trắng ngang người, đội mũ Kpâl Plốp kiểu hình tháp nhọn nhiều tầng trang trí nhiều màu sắc, đính những hạt cườm lấp lánh, thêu hoa giống như một chiếc vương miện nhỏ xinh xắn của những nàng công chúa ngày xưa.

Ngoài ra, trong ngày cưới thì cô dâu không thể thiếu một chiếc khăn sbay, cuốn chéo từ vai xuống bên sườn phải. Chiếc khăn sbay may bằng vải dệt kim màu vàng và được đính hàng ngàn hạt kim sa lấp lánh tạo nên hoa văn đa dạng, trông rất đẹp và duyên dáng. Có thể nói, chiếc sbay không những tôn thêm nét đẹp dịu dàng nữ tính của cô dâu mà còn gắn với văn hoá, lịch sử truyền thống của người Khmer.

Để lý giải vai trò ý nghĩa của chiếc khăn sbay, người Khmer có truyền thuyết về Hoàng tử Preah Thông và Nieng Neak như sau: “Ngày xưa, ở xứ sở Kôk Thờ lôk xa xôi có một vị hoàng tử tên là Preah Thông rất khôi ngô, tuấn tú và cũng rất thông minh.

Đặc biệt, hoàng tử này còn rất giỏi múa kiếm và bắn cung, lại thích đi săn và dạo chơi đây đó trong đất nước của mình. Cùng lúc đó, ở một bãi biển có cảnh vật rất đẹp, biển không có sóng rất hữu tình, là nơi mà nàng công chúa Neang Neak, con gái cưng của vua thuỷ tề hay lên đấy vui chơi cùng với hầu nữ.

Vào một ngày nọ, nàng tình cờ gặp Preah Thông đang trên đường đi du ngoạn. Cả hai vừa gặp đã đem lòng yêu thương; Preah Thông xin cưới nàng làm vợ. Mặc dù rất yêu thương chàng nhưng Neang Neak yêu cầu chàng xuống long cung gặp vua cha.

Ban đầu Preah Thông còn e ngại, nói: Ta là người trần gian làm sao có thể xuống được long cung? Nàng Neang Neak cả quyết: Xin chàng hãy nghe lời thiếp, chớ ngại, thiếp sẽ có cách đưa chàng xuống long cung! Vừa nói xong, nàng liền đưa vạt áo của mình cho Preah Thông nắm lấy rồi dùng phép rẽ nước đưa Preah Thông xuống biển sâu.

Vào gặp vua cha, nàng tâu rằng: Con và Preah Thông yêu thương nhau là do trời sắp đặt, vừa gặp đã phải lòng nhau, xin cha hãy bằng lòng. Lại nói về vị vua thuỷ tề, vừa thấy Preah Thông đã có lòng yêu mến nên ngài bằng lòng. Nhà vua cho mở yến tiệc, làm lễ cột chỉ tay để chúc mừng đôi trẻ trăm năm hạnh phúc.

Một tháng trôi qua, Preah Thông xin phép vua thuỷ tề đưa vợ mình trở về đất nước Kôk Thờ lôk thân yêu. Ở đây, triều đình lại mở yến tiệc cũng làm lễ cột chỉ tay chúc mừng đôi trẻ nên duyên. Lúc này đây, vua cha của Preah Thông tuyên bố nhường ngôi lại cho Preah Thông. Về sau, hai người sống với nhau rất hạnh phúc” (“Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ”, Tiền Văn Triệu - Lâm Quang Vinh, NXB Khoa học xã hội - 2015).

Cái vạt áo của Neang Neak kể trên chính là chiếc khăn sbay mà ngày nay người Khmer biểu tượng hoá và khăn sbay tượng trưng cho cái đuôi của công chúa rắn. Trong đám cưới của người Khmer, chúng ta thường thấy, sau khi làm lễ lạy thần Mặt Trời, cô dâu và chú rể vào nhà để thực hiện nghi lễ buộc chỉ tay, chứng nhận đôi trai gái đã thành vợ chồng.

Sau nghi lễ buộc chỉ, chú rể mới chính thức bước vào động phòng (phòng kín của đôi vợ chồng mới cưới) cùng cô dâu. Cô dâu được xem là hoá thân của Neang Neack đi trước, chú rể là hoá thân của Preah Thông đi theo sau, tay nắm đuôi sbay của cô dâu. Nghi thức này được bà con Khmer gọi là Preah Thông tong sbay Neang Neak (Hoàng tử Pheah Thông nắm sbay Neang Neak).

Ngoài nghi thức, hình thức diễn xướng trên nền của truyền thuyết Preah Thông và Neang Neak, nó còn bắt nguồn từ quan niệm của chế độ mẫu hệ xưa kia, người phụ nữ làm chủ gia đình và luôn đi đầu trong mọi công việc. Ngày nay được thực hiện ở hầu hết những lễ cưới cổ truyền của người Khmer Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng.

Ngoài những vấn đề trình bày ở trên, thì chiếc khăn sbay trong nghi lễ hôn nhân của người Khmer còn mang nhiều yếu tố triết lý của cuộc sống gia đình. Khăn sbay là sợi dây bền chặt kết nối tình nghĩa vợ chồng, người chồng phải biết lắng nghe lời vợ, yêu thương vợ một cách đúng nghĩa, bởi đàn ông hướng ngoại, phụ nữ hướng nội, cái tổ có ấm hay không phần nhiều là do người phụ nữ quyết định. Có như thế, hạnh phúc gia đình mới lâu bền được.

Ngày nay, trang phục của người Khmer ít nhiều có sự thay đổi theo xu hướng hiện đại, nhưng trang phục truyền thống luôn được giữ gìn. Chiếc khăn sbay trải qua hàng ngàn năm lịch sử vẫn vẹn nguyên nét đẹp, tôn vinh sự duyên dáng nữ tính, góp phần giữ gìn bản sắc của dân tộc Khmer.

Đào Thái Sơn

Tin cùng chuyên mục