Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chiếc xe đạp của má
Chủ nhật: 08:33 ngày 17/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau nhà, ba che cái mái hiên làm nơi để đồ linh tinh. Ðêm kia, trời đột nhiên đổ mưa. Sáng ra, thềm nhà loang loáng nước, mái hiên nhà bị dột, ba lui cui sửa lại. Ba đem chiếc xe đạp của má treo trên vách xuống, dựng tạm ngoài sân.

Ðó là chiếc xe đạp kiểu Nhật, cao ráo, màu sơn đen, có hai bánh xe vành lớn. Lúc mới mua về, xe chạy nhẹ lắm. Một thời gian dài cùng má đi khắp nẻo đường quê, các linh kiện hao mòn nên xe nặng đạp hơn. Chiếc xe với nhiều kỷ niệm thân thương, dù bánh đã xẹp, vài chỗ đã gỉ sét nhưng không ai trong nhà muốn bỏ chiếc xe. Ba treo chiếc xe lên vách nhà. Mỗi khi nhìn nó lại thương má biết bao.

Hồi đó, đứa em kế vào đại học được ba năm. Tôi ra trường làm giáo viên đi dạy được vài năm. Tiền lương ít ỏi có phụ giúp gia đình được bao nhiêu đâu. Ba vẫn theo nghề sửa cân truyền thống nhưng vì nhà tít xa trong ruộng nên ít ai biết đến. Nhà có miếng đất gần quốc lộ, ba dựng tạm cho má cái quán nhỏ để bán đồ lặt vặt, gạo, dầu, mắm, muối... Má bán quán nhỏ người ta mua thiếu nhiều, lời lãi không đủ trang trải, nên quyết định lấy bánh về bán trong xóm. Người trong xóm thương má dịu hiền, bán buôn nhưng không bộp chộp, không buôn chuyện, nói năng tử tế nên vui vẻ mua ủng hộ.

Ngày ngày, má gồng mình đạp xe khắp nơi để bán bánh. Ðường quê nắng cát, mưa sình; nhất là mưa khi trời gần sáng, đường lầy lội, trơn trượt rất khó đi. Xe rướn chạy trong đường sình người ta hay ví von chúng là những “chiếc xe bò dưới ruộng”. Xe của má cũng như vậy. Cũng vào những ngày mưa, thỉnh thoảng sau buổi đi dạy về, tôi lại xách rổ ra vườn hái nắm lá mãng cầu, lá sả, lá chanh, lá bưởi… nấu nồi nước xông cho má. Má đi bán ngày mưa hay bị cảm lạnh.

Ngày nào, má cũng ra khỏi nhà lúc trời còn tối om. Má nói phải đi lấy bánh sớm còn kịp bán cho công nhân đi làm và học sinh đi học. Bán xong hết hai tốp đó má mới đạp xe vào xóm bán cho những người ở nhà nội trợ, bán cho người đang làm đồng với mấy đứa nhỏ chưa đến tuổi đi học. Ðám con nít trong xóm, mỗi khi thấy xe má gần đến thôi đã kêu vang “Bà Hai, bà Hai bán bánh vô rồi!”. Rồi có đứa nhắc ghế ra leo lên để được tự lựa món bánh mình thích vì cần xé xe đạp để bánh bán quá cao so với nó. Có đứa không đem ghế ra thì nhảy chồm chồm miệng ríu rít.

Má bảo: “Cứ từ từ... ăn gì bà lấy cho!”. Có đứa ngọng nghịu lại không nhớ tên bánh mình muốn ăn nên cứ lặp bà lặp bặp nói mãi chẳng thành câu. Ðợi cu cậu nói xong là muốn đứt hơi luôn vậy. Những lúc như vậy, má lại thấy vui. Chiếc xe đạp cứ thế ngày qua ngày cùng má đi khắp hết ngõ hẻm trong xóm. Mỗi ngày, má đạp xe có đến mấy chục cây số cả đi lẫn về. Có hôm trời bão, mưa dầm dề, má và chiếc xe đạp vẫn phải đi.

Ngày qua ngày, đến lúc em tôi ra trường rồi có việc làm ổn định. Hai chị em năn nỉ má nghỉ bán vì tuổi đã cao, sức yếu. Chiếc xe đạp được tháo cần xé ra. Hình như nó cũng yếu lắm rồi. Nó bệnh suốt. Nay thì vỏ mềm, mai trật con chó. Ai leo lên chạy đạp hoài nó không chịu nhích đi trông mà cười nôn ruột. Thắng trước đứt từ lâu lắm. Cái giỏ trước phải bỏ thôi không xài được nữa. Ði quán, đi xóm được ít thời gian, thôi cho nó nghỉ ngơi. Ba treo nó lên vách, cả nhà thầm cảm ơn nó. Nó như một thành viên đã vắt kiệt sức mình lo cho gia đình.

Hôm nay, trên đường đi làm, tôi gặp dì Năm đạp xe bán bánh dưới trời trưa nắng. Một lần nữa tôi bùi ngùi nhớ hình ảnh má vất vả, tảo tần ngày nào. Dì cũng đi bán bánh cùng thời với má tôi. Dì bán loại bánh ống được thổi từ gạo và thêm vài chục tờ vé số. Dì đã ngoài 70 tuổi rồi. Chồng mất từ rất lâu, dì chỉ có đứa con đã ngoài 40 tuổi bị bại liệt, ngây ngô.

Cuộc đời sao có nhiều người phải trải lắm gian truân và tình yêu thương của họ thì vô bờ bến. Ngày ngày, má tôi hay dì Năm đã cùng với chiếc xe đạp cọc cạch khắp nẻo đường quê, phố thị, mưa nắng dãi dầu, chắt chiu từng đồng nuôi con khôn lớn nên người. Càng nghĩ càng thương, càng trân trọng, yêu kính ba mẹ; yêu quý cả những kỷ vật tuy vô tri mà tự nó nói lên biết bao điều. Như chiếc xe đạp của má.

Phạm Thuỷ Tiên

(Trường tiểu học Ðồng Khởi- Châu Thành)

Tin liên quan